Đạo diễn Oliver Stone: "Tôi bái phục Việt Nam!"

06/09/2007 22:45 GMT+7

Chuyến đi bất ngờ đến VN của đạo diễn Oliver Stone gây sự chú ý trên toàn thế giới. Trong ngày 6.9, PV Thanh Niên liên tục nhận nhiều cuộc điện thoại trong và ngoài nước của các hãng thông tấn, báo chí, truyền hình nổi tiếng AP, Reuters, BBC, Times Magazine, Kyodo, AFP. Không chỉ quan tâm đến lịch trình chuyến đi mà họ còn quan tâm lâu dài về việc triển khai dự án làm phim Pinkvill do Oliver Stone làm đạo diễn. >>Bấm vào đây để xem trả lời phỏng vấn đạo diễn Oliver Stone

Sau một đêm nghỉ lại ven sông Trà Khúc, sáng sớm 6.9 đoàn của đạo diễn Oliver Stone trực chỉ Mỹ Lai. Suốt 6 tiếng đồng hồ, từ 8 giờ đến 13 giờ, những hồi ức của cuộc thảm sát Sơn Mỹ ngày 16.3.1968 xâm chiếm toàn bộ con người của vị đạo diễn lừng danh Hollywood. Tất cả hình ảnh liên quan cuộc thảm sát và sơ đồ của khu di tích xóm Thuận Yên (nay là Khê Thuận) đều được thu vào ống kính và bản phác họa của hai nhà sản xuất phim John Kilik và Nicholas Simon.

Nhân chứng Hà Thị Quý, gần 80 tuổi, một trong ít người sống sót, đang cắt cỏ gần đó đã trò chuyện giờ lâu với Oliver Stone. Thế rồi, cuộc làm việc giữa Oliver Stone với ông Phạm Thành Công, Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) kéo dài đến tận 13 giờ chiều chỉ với những chén trà suông. Được sự đồng ý của ông Phạm Thành Công, Thanh Niên xin trích lược.

* Oliver Stone: Khi xảy ra vụ thảm sát, trong làng có bao nhiêu người theo kháng chiến? Bao nhiêu người đi lính? Có bộ đội trong làng không?

- Phạm Thành Công: Tịnh Khê là làng quê rất hiền hòa. Tất cả người làng làm lúa nước. Không ai theo bên nào. Chỉ sau vụ thảm sát, một số bị bắt lính, một số theo cách mạng. Số ít còn lại trong làng tiếp tục chết vì đạn bom.

Trong chiến tranh VN, Oliver Stone là trung sĩ thuộc sư đoàn 25 bộ binh Mỹ. Ông đang ngước nhìn khung trời thanh bình ở Sơn Mỹ trưa 6.9.2007

* Oliver Stone: Sau chiến tranh, làng ông hồi sinh như thế nào? Hiện có còn nhà tranh vách đất?

- Phạm Thành Công: Trong cố gắng của từng người và mọi người, cuộc hồi sinh sau chiến tranh nhanh chóng hiện hình. Đất nước đổi mới, công cuộc xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh. Đến giờ này trong làng không còn bất cứ ai phải sống trong nhà tranh vách đất nữa.

* Oliver Stone: Ở VN có nhiều vụ thảm sát, trong đó có vụ thảm sát Sơn Mỹ. Nếu chúng tôi làm phim, ông nghĩ sao?

- Phạm Thành Công: Ông là đạo diễn nổi tiếng thế giới. Phim làm về chiến tranh của ông đầy khát vọng hòa bình. Đó cũng là khát vọng của mọi người VN, trong đó có chúng tôi. Người VN không có nhiều thời gian và cũng không muốn nhắc lại chuyện cũ, chuyện buồn. Nhưng nếu ông làm phim về vụ thảm sát Sơn Mỹ, tôi thật lòng hoan nghênh. Vì sao? Để chúng ta thấy được giá trị của cuộc sống thanh bình, giá trị của sự hợp tác xây dựng và cũng để con cháu của tôi, của ông không phải tiếp tục sống trong bom đạn.

* Oliver Stone: Tôi cũng nghĩ như vậy... Ông nghĩ gì khi chúng tôi quay lại đây?

- Phạm Thành Công: Giải phóng hơn 30 năm rồi, mọi chuyện đã lùi xa. Bây giờ, người Mỹ quay lại, chúng tôi hân hạnh và trân trọng. Tuy trước xấu nhưng nay họ tốt. Vả lại tôi nghĩ chẳng ai xấu mãi.

* Oliver Stone: Sau vụ Sơn Mỹ, đất nước ông và bản thân ông hành động thế nào?

- Phạm Thành Công: Tôi là một đứa trẻ sống sót trong vụ thảm sát. Lúc ấy mẹ tôi, chị tôi, hai em gái và một em trai tôi bị chết trong hầm. Lên 13 tuổi, tôi theo cách mạng để trả thù giặc Mỹ. Bác Hồ của chúng tôi bảo, tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Chưa cầm súng được, tôi làm liên lạc, nuôi quân. Lớn lên nữa, tôi cùng đồng đội trực tiếp đánh Mỹ, diệt Mỹ và đuổi Mỹ. Có như vậy VN chúng tôi mới có ngày hôm nay và tôi mới có cuộc trò chuyện với ông bây giờ.

Oliver Stone  với ông Phạm Thành Công và nhà sản xuất phim John Kilik

Oliver Stone bật dậy, bắt tay ông Công: “Tôi hoan nghênh ông và bái phục đất nước ông!”.

Theo ông Phạm Thành Công, đạo diễn Oliver Stone bộc lộ nhiều cảm xúc suốt cuộc trò chuyện. Có lúc ông ấy hoài nghi đầy ý tứ, lúc rùng mình, lúc rưng rưng nước mắt... Ông cảm động trước hình ảnh làng quê, lặng người hồi lâu trước các hiện vật, đặc biệt tin cậy các thông tin ghi nhận từ các nhân chứng sống như bà Quý, ông Công.

Ngược lại, ông Công ấn tượng về sự say sưa, sức hấp dẫn và độ chân thành của vị khách nổi tiếng đến từ nước Mỹ. Ông nói với Thanh Niên: "Theo tôi, từ hoài nghi, Oliver Stone đã tin vào sự thật của vụ thảm sát cách nay 39 năm. Khi chia tay, tôi nói mong ông quay lại làm phim. Ông ấy trả lời, tôi sẽ liên hệ với ông sau. Ý nói sẽ làm...".

Sau khi làm việc tại Sơn Mỹ, đoàn của đạo diễn Oliver Stone trở về Hội An, sau đó ông lên máy bay vào TP.HCM để sau đó bay sang Bangkok (Thái Lan).

"Nếu không nhớ lại quá khứ, sẽ lặp lại sai lầm"

Mặc dù rất bận rộn với công việc khi đến Quảng Ngãi để tìm hiểu và khảo sát cho việc thực hiện bộ phim Pinkville - nói về vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16.3.1968 của quân đội Hoa Kỳ xảy ra ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), nhưng đạo diễn Oliver Stone đã dành cho các phóng viên cuộc trò chuyện thú vị về chuyến đi này của ông. Dưới đây là những câu hỏi riêng của Thanh Niên.

* Từ đâu ông chọn Sơn Mỹ làm phim?

- Chúng tôi có tình cảm rất sâu đậm về nơi này, và sắp tới đây tôi sẽ làm một bộ phim về Mỹ Lai. Đây là bộ phim điều tra về vụ thảm sát ở Sơn Mỹ, bởi chưa có nhiều người biết rõ câu chuyện xảy ra như thế nào, nhiệm vụ của tôi là khám phá, tìm ra điều đó. Có một số người Việt lẫn người Mỹ còn nhớ rất rõ về câu chuyện này, có cả người phụ nữ còn sống sót nữa, và tôi sẽ gặp trực tiếp, nói chuyện với họ để tìm ra sự thật của vụ thảm sát Sơn Mỹ. Dự định cuối năm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu bấm máy và sang năm sẽ hoàn thành bộ phim.

* Ông đã làm 3 bộ phim về chiến tranh Việt Nam, đây là bộ phim thứ tư, vậy ông có thể cho biết điều gì đã giúp ông làm được nhiều phim về Việt Nam và thành công đến thế?

- Tôi đã làm 3 bộ phim về Việt Nam, một phim nói về tự truyện của cá nhân tôi... Hai bộ phim khác nói về số phận của 2 con người. Câu chuyện về Mỹ Lai thì tôi không phải là người trong cuộc, bộ phim chỉ dựa vào ký ức của những người biết về nó, một câu chuyện mang tính sự thật lịch sử.

* Vậy khi làm bộ phim này ông lấy bối cảnh của câu chuyện là ở Mỹ Lai hay nơi nào khác?

- Tôi đã nói từ đầu là tôi đến đây lần đầu tiên. Trời ở đây nóng quá! Chúng tôi phải làm việc cả ngày dưới nắng như thế này!

* Chúng tôi biết rằng, ban đầu ông định làm phim về Iraq hay về cuộc truy đuổi Bin Laden, nhưng sau đó ông chuyển đề tài sang Mỹ Lai, vậy ông có thể cho chúng tôi biết tại sao ông lại thay đổi quyết định như thế?

- Tôi nghĩ là anh đã biết câu chuyện này rồi, câu chuyện ở Iraq hiện nay quả là cơn ác mộng, rất kinh khủng... Nhưng chúng tôi phải nhớ lại quá khứ ở Mỹ Lai, nếu không nhớ lại quá khứ chúng tôi sẽ lặp lại sai lầm.

Hoàng Thuyên - Phụng Hiệu (thực hiện)

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.