img
Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 1.

Chọn nói bằng tiếng Việt khi bước lên bục nhận giải, đó hẳn là một lựa chọn tinh tế của anh?

Lúc được xướng tên, tôi khá bất ngờ và thấy hơi run. May mắn có những người bạn là nhà sản xuất của phim đã động viên và gợi ý tôi nên nói bằng tiếng Việt để thể hiện hết được ý mà mình muốn nói. Hơn nữa, tôi tự hào khi một bộ phim Việt như "Bên trong vỏ kén vàng" được nhận giải thưởng quan trọng tại một liên hoan phim (LHP) danh giá như Cannes. Tôi muốn thể hiện sự xúc động và tự hào đó với tư cách là một người Việt Nam, đại diện cho Việt Nam ở Cannes năm nay.

Tròn 30 năm trước, giải thưởng mà anh vừa nhận đã gọi tên một người gốc Việt: Trần Anh Hùng. Cảm giác của anh khi "viết tiếp câu chuyện 30 năm" này?

Tôi thấy vinh dự khi nhận được giải cho phim điện ảnh đầu tay hay nhất, tròn đúng 30 năm sau khi đạo diễn Trần Anh Hùng nhận được giải thưởng này. Đó là một điều may mắn cho một nhà làm phim trẻ như tôi.

Hẳn là anh đã xem "Mùi đu đủ xanh", bộ phim 30 năm trước từng khiến Cannes phải gọi tên Trần Anh Hùng? Sau 30 năm, với chiếc "vỏ kén" của Phạm Thiên Ân, câu chuyện về Việt Nam đã được vẽ khác đi thế nào, khi khác Trần Anh Hùng, anh đã có tới ngần ấy năm sống ở Việt Nam?

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 2.

Tôi đã xem "Mùi đu đủ xanh" và rất thích bộ phim đó. Nó có một cách thể hiện tinh tế và giản dị mà vô cùng hiệu quả.

Tôi nghĩ chất liệu về Việt Nam được thể hiện trong phim của Trần Anh Hùng, hay của tôi, hay bất kỳ nhà làm phim nào được soi chiếu bằng cảm nhận và trải nghiệm của chính người đó. Tôi tin rằng tôi hay Trần Anh Hùng hay bất kỳ người làm nghệ thuật nào lựa chọn chất liệu Việt Nam, giống như những chất liệu khác, vì đó là những gì gần gũi với chúng tôi. Đó là một Việt Nam trong suy tưởng, nó có thể khác biệt với từng người. Do đó, nó chỉ phản ánh được một phần Việt Nam đương đại qua những yếu tố mà mỗi người làm phim lựa chọn, và chủ yếu nó thể hiện cảm xúc cá nhân. Vậy nên tôi không thể nói về bức tranh toàn cảnh của Việt Nam hay sự thay đổi trong câu chuyện về Việt Nam, nó quá vĩ mô, ít nhất là với phim của tôi.

Trần Anh Hùng có được giải Camera Vàng ở tuổi 31, còn anh được ở tuổi 34. Anh có nghĩ mình "bị chậm" mất 3 năm? Anh có áp lực khi từ đây sẽ "bị" và "được" so sánh với Trần Anh Hùng? Anh có từng nhận được bài giảng làm phim nào từ anh ấy?

Tôi không phải học trò của Trần Anh Hùng, tôi tự học làm phim qua việc xem phim và tự thực hành. Tôi nghĩ mỗi người có một thời điểm khác nhau, tùy vào hành trình trải nghiệm và nỗ lực của bản thân nên tôi không cảm thấy mình "bị chậm" gì. Trưởng ban giám khảo năm nay của LHP Cannes là Ruben Östlund từng thắng giải tại LHP Cannes lần đầu vào năm 40 tuổi, nên tôi nghĩ tuổi tác không có vai trò quan trọng trong việc làm phim.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 3.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân (trái) và đạo diễn Trần Anh Hùng sau lễ trao giải tại LHP Cannes 2023

Anaïs Demoustier

Tôi không cảm thấy áp lực gì ở việc so sánh với Trần Anh Hùng, vì mỗi người có một con đường riêng và cách làm phim riêng. Ngược lại, tôi cảm thấy vui khi được nhắc đến cùng với một nhà làm phim lớn như vậy.

Việc Cannes năm nay dành nhiều hạng mục vinh danh điện ảnh châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng liệu có đủ cho nhận định: Thời của điện ảnh Việt đã tới, sau nhiều nỗ lực thoát ra khỏi "vỏ kén", "vùng trũng"? 

Đúng là điện ảnh Việt những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhờ có nhiều quỹ, cuộc thi và lớp học làm phim dành cho những người trẻ. Tôi cũng bắt đầu là một người làm phim không chuyên và cũng lớn lên từ chính những cuộc thi như thế, nên tôi cảm thấy rất biết ơn và hy vọng trong thời gian tới, điện ảnh Việt sẽ vươn mình hơn thế nữa.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 4.

Có ý kiến cho rằng, cũng đừng vội "thấy… Vàng mà tưởng chín" vì tính ra, về mặt kinh phí làm phim mà nói, cái "tổ kén" của anh mang tới... 3 "quốc tịch" của 3 nhà đầu tư đến từ 3 quốc gia?

Đây vẫn là bộ phim Việt Nam với chủ yếu kinh phí tới từ nguồn trong nước, còn lại là các quỹ nước ngoài (public fund/grant là các quỹ nhà nước của nước ngoài). Mục tiêu của các quỹ này cũng là thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển điện ảnh ở các nước đang phát triển. Hơn nữa "Bên trong vỏ kén vàng" có ê kíp Việt với câu chuyện Việt được quay ở Việt Nam, không có lý do gì để gọi bộ phim bằng một quốc tịch nào khác ngoài Việt Nam.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 5.

Cá nhân tôi thấy vinh dự khi nhận được tài trợ từ các quỹ nước ngoài này, bởi lẽ đây đều là các quỹ lớn, có sự cạnh tranh cao từ các dự án trên toàn thế giới. Đối với các nhà làm phim thì đó cũng là một thử thách cần vượt qua trong quá trình làm ra bộ phim.

Mỗi bộ phim đều có con đường riêng, tôi tin với sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh Việt, các nhà làm phim sẽ tìm ra lối đi phù hợp để đưa điện ảnh Việt vươn mình hơn nữa.

Với những hạng mục vừa được vinh danh tại Cannes, anh nghĩ điện ảnh thế giới đang hướng sự quan tâm nhiều nhất đến điều gì?

Tôi nghĩ điện ảnh thời kỳ nào cũng cần phản ánh những câu chuyện về con người đương đại. Tính nhân văn luôn là cốt lõi của điện ảnh nói riêng hay nghệ thuật nói chung.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 6.

Xâu chuỗi từ hai bộ phim ngắn trước đó: "Câm lặng" và "Hãy tỉnh thức và hãy sẵn sàng" tới bộ phim dài đầu tay "Bên trong vỏ kén vàng", rốt cuộc thì những câu chuyện anh muốn kể là gì?

Tôi nhận ra là trong phim mình cần phải thành thật về thế giới mà mình đang tạo dựng, về điều mà mình có thể truyền đạt tốt nhất. Do đó tôi đem cuộc sống, nhưng chiêm nghiệm về tôn giáo và chính con người mang tính xác thịt của mình để tạo ra linh hồn cho bộ phim. Theo một cách nào đó, những phim tôi làm đều xoay quanh câu hỏi về mục đích của sự tồn tại. Đó là điều mà tôi gọi là "ơn gọi".

Từ những phim ngắn đầu tiên tới phim dài, tôi đều đưa vào đó chính những trải nghiệm cá nhân với những gì tôi biết và quan sát được xung quanh tôi. Đó là những câu chuyện bình thường về cuộc sống ở Việt Nam được thể hiện qua những thử nghiệm của tôi với điện ảnh.

Vẻ như 3 cái tên phim kể trên đã ít nhiều vận vào con đường làm phim của anh từ lúc chưa "lộ sáng" cho tới lúc này: những cố gắng lặng lẽ, bứt phá khỏi ổ kén và giờ là "sẵn sàng tỉnh thức"?

Tên phim "Bên trong vỏ kén vàng" thuần túy nói về hành trình của nhân vật chính trong phim. Tôi nghĩ làm phim là một công việc vất vả, ai làm công việc này cũng cần nỗ lực hết mình thì mới bứt phá được. Nói rộng ra thì làm công việc nào cũng nên cố gắng thì mới có thể đạt được thành quả tốt. Nếu đúng như lời chị nói thì "Bên trong vỏ kén vàng" có thể đúng với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng tôi.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 7.

"Vỏ kén" nào là anh muốn vượt thoát ra khỏi nó nhất trong sáng tạo?

Có rất nhiều khó khăn trong việc làm phim và sáng tạo nói chung, rất khó để tôi chọn ra cái nào là lớn nhất.

Anh đã chuyển sang Mỹ định cư? Liệu có bao giờ quốc tịch Việt sẽ không còn gắn liền với cái tên Phạm Thiên Ân khi nó lại được xướng lên tại một LHP nào đó?

Tôi sang Mỹ theo gia đình. Hiện tại tôi vẫn mang quốc tịch Việt Nam và sẽ luôn là người Việt Nam dù có ở đâu.

Những lời khen tặng của báo chí nước ngoài: "một thiên sử thi sâu sắc với nhịp điệu có chủ ý và là câu chuyện đầy mê hoặc về khao khát không thể dò thấu đối với thế giới bên kia", "tác phẩm thôi miên với hành trình tìm kiếm sự siêu việt" liệu đã gọi đúng tên hành trình tìm kiếm và chuyển động của anh chưa? Cụ thể, anh muốn tìm gì?

Những lời nhận xét của khán giả hay các nhà phê bình đều là cảm nhận riêng của mỗi người xem, tôi trân trọng từng phản hồi đó. Đã là cảm nhận cá nhân thì không có đúng và sai, nó có thể trùng với quan điểm cá nhân tôi hoặc không, và tôi cũng không có ý định bình luận thêm đối với từng nhận xét đó. Tôi chỉ đặt ra câu hỏi cho cả tôi và người xem cùng kiếm tìm với bộ phim này: Mỗi chúng ta sống vì điều gì?

Vậy anh sống vì điều gì?

Đây là câu hỏi lớn tôi đặt ra trong bộ phim này mà không mong đợi tìm thấy câu trả lời. Tôi chỉ muốn có một cuộc đối thoại với khán giả về điều này, bởi tôi nghĩ đó là câu hỏi trong thâm tâm của rất nhiều người trong chúng ta.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 8.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 9.

Hành trình nào đã kéo anh từ Bảo Lộc sang tới... Mỹ? Hai không gian sống trái ngược này có giá trị thế nào cho nghề làm phim của anh?

Như đã nói ở trên, tôi sang Mỹ định cư theo gia đình. Hầu hết gia đình và họ hàng tôi đã ở Mỹ, tôi ở lại Việt Nam một thời gian dài để hoàn tất việc học đại học và vẫn ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp.

Đúng là cuộc sống ở Mỹ khác biệt với ở Việt Nam rất nhiều, nhưng do tôi ở Việt Nam phần lớn thời gian, tôi chỉ mới sang Mỹ thời gian gần đây nên cảm hứng phim của tôi xuất phát từ Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin, tôi cảm thấy mình không hợp với ngành này nên tìm hiểu về làm phim nhờ thông tin trên mạng, do cũng yêu thích xem phim từ nhỏ. Tôi tự học quay và dựng phim, sau khi xem nhiều phim hơn thì tôi cũng dần yêu thích phim nghệ thuật hơn. Trước "Bên trong vỏ kén vàng", tôi đã làm 3 phim ngắn.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 10.

Chính xác là anh bắt đầu muốn làm phim từ khi nào, điều gì thôi thúc anh?

Đối với thôi thúc đến với điện ảnh, tôi nghĩ đó cũng là một cảm hứng cho "Bên trong vỏ kén vàng". Toàn bộ ý tưởng của bộ phim đều xoáy về một thứ đó là "ơn gọi". Cho dù con người chiếm một vị trí nào trong xã hội thì cái gọi là "ơn gọi" luôn hiện hữu bên trong từng cá nhân và xảy ra ở các thời điểm khác nhau trong đời. Dựa vào thứ "ơn gọi" đó, tôi phát triển lên nhân vật mà rất liên quan đến bản thân tôi trong hiện tại và quá khứ.

Để thành thật và nói rõ hơn điều này thì ngay từ nhỏ tôi đã ở với các sơ trong nhà dòng giống như Đạo trong phim, và tôi có một người bà làm sơ bề trên tại dòng Mến Thánh Giá, người luôn gieo vào đầu tôi về "ơn gọi" đi tu. Tôi chẳng thể hiểu nổi điều đó, tôi vẫn lập gia đình như mọi người. Sau này điều đó đã quay trở lại khi mà tôi bắt đầu tìm hiểu về điện ảnh, tôi vẫn hay nói "điện ảnh" là "ơn gọi" của tôi.

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 11.

Kinh phí luôn là bài toán đau đầu với nhà làm phim độc lập ở bất kỳ đâu. Anh có nghĩ nếu tiền có sớm hơn, thành công sẽ đến sớm hơn? Có tin rằng giải thưởng từ Cannes tới đây sẽ giúp anh hoá giải được dễ dàng hơn bài toán này?

Tiền đúng là rất quan trọng trong quá trình làm ra bộ phim, nhưng tôi không nghĩ nó là yếu tố quyết định thành công cho bất kỳ tác phẩm nào. Lần tham dự Cannes này cũng mang lại cho tôi nhiều kết nối tiềm năng và hy vọng sẽ giúp ích cho dự án phim mới của tôi. Hiện tại tôi đã có ý tưởng cho phim dài tiếp theo.

Câu chuyện mà "Bên trong vỏ kén vàng" kể đã đến với anh trong một quan sát và trải nghiệm nào?

Như đã nói ở trên, "Bên trong vỏ kén vàng" được lấy cảm hứng từ chính trải nghiệm và quan sát của tôi. Câu chuyện về nhân vật Thiện có thể là chính tôi như: ngồi nhậu với bạn bè rồi đi massage, vật lộn kiếm sống với nghề quay và dựng phim cưới, làm những trò ảo thuật để mua vui với bạn bè, một tình yêu không thể níu kéo, đôi lúc lang thang tìm kiếm chút gì đó còn tồn tại trong quá khứ khi có dịp ghé về quê miền núi…. Mọi thứ đan xen nhau và vì thế kịch bản được hình thành, và vẫn tiếp tục được thay đổi cho đến khi tôi đóng máy vào cuối tháng 3.2022.

Vì sao anh nhất thiết phải kể nó trong suốt những 3 giờ đồng hồ? Anh nghĩ điều gì sẽ giúp giữ chân được khán giả trong suốt 3 giờ đó? Anh có tin phim sẽ thắng khi ra rạp?

Đạo diễn Phạm Thiên Ân: “Điện ảnh là “ơn gọi” của tôi” - Ảnh 12.

Cảnh phim “Bên trong vỏ kén vàng”

Đây là thời lượng cần thiết để nhân vật chính đi trọn vẹn hành trình trong bộ phim. Với cách quay chậm và sử dụng shot quay dài không cắt cảnh, tôi muốn khán giả có thời gian ở lại với nhân vật và được sống trong chính khung hình đó, khi ấy, họ sẽ cảm nhận được những cung bậc cảm xúc của nhân vật. Xuyên suốt bộ phim sẽ là sự thay đổi cảnh sắc từ phố thị Sài Gòn xô bồ tới núi rừng Tây Nguyên bí ẩn, tôi tin khán giả sẽ tìm được cho mình một nơi chốn họ yêu thích và thuộc về trong phim.

Tôi không trông đợi nhiều vào doanh thu, vì phim có thể khó xem với nhiều người do thời lượng và cách thể hiện của bộ phim hơi khác với các phim ra rạp hiện nay. Tôi chỉ mong phim sớm đến được với khán giả Việt, vậy đã là hạnh phúc với tôi rồi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.