Đạo diễn Tất My Loan: Biết người biết ta trăm trận trăm thắng

27/02/2008 11:17 GMT+7

Được nhiều BTC gửi trọn niềm tin với các chương trình “đối ngoại bằng văn hóa” vì sự chuyên nghiệp, nghiêm túc, đạo diễn Tất My Loan sau thời gian “rửa tay gác kiếm” đã trở lại với “giang hồ” sân khấu ca nhạc đầy hưng phấn. Giữa những bộn bề trong công tác chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại thứ ba của DDVN, TNTS có một buổi cà phê với anh.

Thế giới ngày càng phẳng

Gặp Tất My Loan trong những ngày này không dễ. Cũng như, trước mỗi chương trình, dù lớn hay nhỏ, rất hiếm khi nghe anh trả lời phỏng vấn hoặc “tuyên ngôn” gì về những việc mình làm. Vị đạo diễn này rất kiệm lời, đặc biệt là khi nói về mình.

* Vẫn biết tính anh kiệm lời, nhưng tôi vẫn mong anh chia sẻ phác thảo ý tưởng chính của chương trình DDVN 20?

- Chương trình sẽ chú trọng giới thiệu diện mạo của VN ngày nay. Nhạc sĩ Đức Trí đã khéo léo biên tập một chương trình đủ để người xem có thể thấy được rằng: Văn hóa Việt có thể hòa nhập với thế giới nhưng vẫn giữ được nét riêng. Đặc biệt là những giá trị truyền thống của chúng ta không phải chỉ để ngoại giao hoặc để trong viện bảo tàng mà vẫn tồn tại sống động và phát triển cùng thời đại cũng như chiếc áo dài vậy.


DDVN tại Úc. Ảnh: Ngọc Hải

* Tổng biên tập Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế nói rằng, DDVN là một hình thức đối ngoại bằng văn hóa và ông muốn chương trình này sẽ góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh VN, là đạo diễn chương trình, anh nghĩ gì về điều này? Sự chia sẻ của anh với ý kiến ông Nguyễn Công Khế nhìn từ góc độ chuyên môn như thế nào? 

- Không những chỉ đối ngoại mà còn là đối nội nữa chứ, vì đây cũng là dịp chúng ta nhìn lại mình từ xa. DDVN đã mở một cánh cửa rộng để nghệ sĩ VN được tiếp cận với thế giới. Mong Báo Thanh Niên sẽ có kế hoạch dài hơi để tinh hoa của cả ba miền đều có cơ hội tham gia.

* Trình diễn văn hóa Việt với xứ sở của những vở nhạc kịch lừng lẫy toàn cầu, với một nền văn hóa nghệ thuật lâu đời như nước Anh, đạo diễn Tất My Loan có “khớp”?

- Biết người, biết ta. Trăm trận trăm thắng.

* “Mặc cảm nhược tiểu” là điều có thật, nhưng sự tự hào (kể cả quá đáng) về văn hóa Tổ quốc mình cũng là điều có thật. Tất My Loan sẽ làm thế nào để kiều bào ở nước ngoài rưng rưng nhớ nguồn cội đồng thời có thể tự hào ngẩng mặt vì những giá trị văn hóa của VN với DDVN 20 mà không khiến người khác có cảm giác ta huênh hoang?

- Sự tự hào là đúng đắn. Càng đi xa và đi nhiều trong cái thế giới ngày càng phẳng này thì càng thấy gia tài văn hóa của tổ tiên chúng ta để lại đường bệ như thế nào. Cách chọn lọc tiết mục cho chương trình cũng không nằm ngoài ý thức đó. Chính tác phẩm của các tác giả, tài năng của nghệ sĩ biểu diễn và những nhà tạo mẫu đã đủ giúp tôi nói lên tất cả.


DDVN tại Singapore. Ảnh: Ngọc Hải

* Giọng của anh qua điện thoại rất khẩn trương, dù anh không nói ra nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự vội vã khi giờ G đang đến rất gần. Anh đang rất vội, việc chuẩn bị đã đến đâu rồi?

- Cơ sở dữ liệu đã đầy đủ, lập trình cũng đã xong. Bây giờ chỉ còn chạy thử xem có bị “bug” (tạm hiểu là “bị kẹt” - Tất My Loan giải thích) ở chỗ nào không thôi.

Tôi “miễn nhiễm” với những dư luận kiểu này

Ngay trong lời dặn dò đầu tiên với tôi trước buổi gặp, Tất My Loan nhấn mạnh: “Xin đừng hỏi về cá nhân tôi và chương trình, hãy hỏi về những người đồng nghiệp, đồng sự, cộng sự của tôi, tôi có thể nói về họ mãi mà không biết chán”.

* Ê-kíp thực hiện DDVN 20 lần này sẽ có những ai, thưa anh?

- Đạo diễn chương trình: Dương Thảo, đạo diễn âm nhạc: Đức Trí, thiết kế sân khấu: Trọng Dũng, thiết kế âm thanh – ánh sáng: Ngọc Bảo, biên đạo múa: Tấn Lộc, chỉ huy đêm diễn: Việt Tú, trợ lý đạo diễn: Tất My Long.

* Thường, người ta chỉ quan tâm nhiều đến tên của đạo diễn, còn phó đạo diễn, các trợ lý thì hầu như quên bẵng, anh hãy nói về họ đi?

- Nếu hỏi về những chương trình của tôi đã làm thì chắc tôi không còn nhớ rõ, nhưng nếu hỏi những kỷ niệm mà các bạn bè đồng nghiệp đã sống và chia sẻ cùng tôi như thế nào qua các giai đoạn vô cùng khó khăn của đất nước và của ca nhạc VN thì tôi có thể làm thành một bộ phim dài 100 tập. Bộ phim sẽ mang tên: “Núi cao cũng bởi đất bồi”.

* Vấn đề đau đầu nhất với các show xuyên quốc gia là thiết bị kỹ thuật âm thanh, ánh sáng. Đến đất nước của những show diễn hoành tráng, chuyên nghiệp từng li như nước Anh, “bài toán nghiệp dư về kỹ thuật” được đạo diễn Tất My Loan và ê-kíp giải thế nào?

- Cái khó ló cái khôn. Đó là bản lĩnh của những người làm kỹ thuật của sân khấu VN. Chuyên gia nước ngoài mà làm việc với điều kiện như chúng tôi lâu nay chắc cũng phải bỏ chạy. Về khả năng tự xoay xở thì đúng ra các bạn tôi phải được xếp vào hạng siêu chuyên nghiệp vì họ luôn tìm ra giải pháp tối ưu và thích hợp.

* Để “ánh sáng có thể kể một câu chuyện riêng biệt của nó cùng với âm nhạc”, đạo diễn hình ảnh của anh sẽ phải làm thế nào?

- Ánh sáng trong chương trình này sẽ không kể “chuyện riêng”, nó ẩn mình để tôn tạo những nghệ sĩ, những bộ áo dài, những điệu múa. Cái khó của anh Ngọc Bảo kỳ này là phải tuân thủ theo những nguyên tắc nghiêm ngặt của một Great Hall rất cổ xưa, không có sẵn những chỗ treo đèn thuận tiện và tải trọng của những giàn treo cũng rất hạn chế. Bù lại, những hình ảnh đặc thù của VN sẽ được anh Trọng Dũng “chấm phá” trên chính chiếc đại phong cầm của Great Hall.


DDVN tại Singapore. Ảnh: Ngọc Hải
* Thiết kế sân khấu trong điều kiện không dễ dàng gì khi ra nước ngoài, bởi mọi thứ không hề “sẵn có”, kể cả yếu tố con người cũng hạn chế do đoàn đi phải thật tinh gọn, cộng sự của anh sẽ làm sao?

- Anh Trọng Dũng đã thiết kế sân khấu dựa trên binh pháp của Tôn Tử (cười). Một trận đánh phải biết dựa vào thế sông thế núi chứ không phải chỉ biết dựa vào sức của mình. Nhạc sĩ Đức Trí cũng biên tập chương trình trên tinh thần “Lấy Tinh thắng Đa”. Đạo diễn Dương Thảo và biên đạo múa Tấn Lộc thì luôn hiểu được người phương Đông hơn người phương Tây ở điểm nào. Đạo diễn Việt Tú và anh Tất My Long quyết tâm giữ vững thành quả của đợt đi Singapore là không để xảy ra bất cứ một sơ suất nhỏ nào về tổ chức sân khấu và hậu trường.

Đặc biệt khó khăn như tôi đã nói về vấn đề ánh sáng lại còn cộng thêm âm thanh gặp phải mái vòm của kiến trúc cổ rất dễ bị tiếng dội, nhưng với một người có kinh nghiệm chiến trường như anh Ngọc Bảo thì tôi không phải lo. Thứ hai là khó khăn – khắc phục. Không phải ai cũng hiểu được ba mươi năm qua ca nhạc Việt Nam đã trải qua một con đường như thế nào ở mặt sau của sân khấu, mặt sau của những pa-nô quảng cáo và những bài báo. Chính những mặt sau này mới giúp cho tôi có được những giá trị sống thiết thực và luôn có những người bạn tốt trong cả quãng đời cho dù có cơ hội hợp tác với nhau hay không.  

Nghe anh nói về những đồng nghiệp, cộng sự bằng tình cảm thật trân trọng, tôi chợt hiểu vì sao nhiều người muốn được hợp tác với anh. Riêng điều này cũng đã là “của báu” với một người làm công tác đạo diễn.

* Nếu có người nào nói rằng, anh (hay các anh) chỉ làm việc với những người thuộc ê-kíp của mình được mà không hợp tác với người ngoài, anh nghĩ thế nào?

- Thực tế của quá trình chung sống với các đồng nghiệp hơn hai mươi năm qua đã giúp tôi “miễn nhiễm” với những dư luận kiểu này.

* Sự cần thiết phải có một ê-kíp chuyên nghiệp trong khi showbiz Việt lại thiếu điều đó, anh hóa giải khó khăn này thế nào?

- Chúng ta không thiếu nhân tài, nhưng đã gọi là showbiz thì phải có một điều kiện sản xuất, đầu tư và trình độ tổ chức ngang tầm thì tự nhiên sẽ hóa giải được, bằng không thì tạm chấp nhận “sống chung với lũ” vậy.

* Làm việc với nhau, không tránh khỏi có lúc ông chẳng bà chuộc, là đầu tàu, anh xử lý những xung đột be bé đó thế nào? Tất My Loan ăn nói rất nhẹ nhàng từ tốn này có phải là một vị tướng quân phiệt không?

- Nếu hiểu được rằng những người hợp tác với mình ai cũng có một bản năng là muốn được đóng góp nhiều hơn, tốt hơn thì không khó để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, có đôi khi tôi cũng phải đóng vai quân phiệt vì có một vài người thích như thế (cười thoải mái).

Hạnh phúc với gia đình và bè bạn

* Được xem là đạo diễn ca nhạc đầu tiên của Sài Gòn, gắn bó với DDVN từ số 1 đến số 4, ngắt quãng, rồi sau đó là một số lớn chương trình, giờ lại cùng Báo Thanh Niên mang văn hóa Việt “khoe” với người, Tất My Loan ngày xưa với bây giờ có gì khác biệt?

- Điều rất khác biệt là những chương trình đầu tôi làm lúc hai mươi mấy tuổi, còn bây giờ là bốn mươi mấy rồi (cười vui)... Thực ra đã có nhiều bậc tiền bối đóng góp cho ngành đạo diễn ca nhạc nhưng không chính thức hoặc không chính danh như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhạc sĩ Thanh Trúc, Nghệ sĩ Nhân dân Thái Ly ... tôi chỉ là người nối gót.

* Tôi được biết, ông cụ thân sinh anh là nghệ sĩ Ba Xây, người đánh trống trong vở Tiếng trống Mê Linh, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông cụ có lời khen đàn con mình là “thành đạt, lễ độ, không huênh hoang khoe mẽ”, anh chia sẻ với chúng tôi một chút về ông đi? Một Tất My Loan bây giờ đã chịu ảnh hưởng thế nào của người nghệ sĩ ấy?

- Ba tôi đã dạy cho tôi không chỉ bằng những lời giáo huấn mà chính bằng cả cuộc đời mà ông đã yêu thương và trả giá cho nghề nghiệp. Toàn bộ sự nghiệp của ông đã chứng minh và dạy cho tôi một bài học lớn nhất là: Nhân cách của nghệ sĩ còn quan trọng hơn tất cả các tác phẩm của họ.

* Một bài báo viết về anh đã mở đầu thế này: “Đi xe máy “đời” 81 cũ nhất, xài điện thoại di động đời mới nhất, không thời trang, mê công nghệ, mê đánh bida, mê... con và cực kỳ thiết thực, Tất My Loan giản dị về cả hình thức lẫn nội tâm, để dồn hết sức mình cho sáng tạo”, tôi đặc biệt chú ý chi tiết “mê con”, gia đình và con cái đã đóng vai trò thế nào với anh?

- Gia đình và con cái là tác phẩm quan trọng nhất của cả đời tôi.

* Tôi đang giúp độc giả hình dung một Tất My Loan bằng cách nghe anh nói về những người sống quanh anh, gia đình này, con cái này, vậy còn bạn bè?

- Bạn bè là gia tài của tôi. Dù không phải là người có nhiều tiền nhưng tình yêu của bạn bè giúp cho tôi luôn thấy mình giàu có. Tôi vẫn còn muốn giàu hơn nữa. Nói đến đây tôi chợt thấy mình đã đủ tiêu chuẩn đoạt danh hiệu “đạo diễn nói nhiều rồi”(lại cười thoải mái!).

Sự hài hòa giữa các yếu tố âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu là điều dễ cảm nhận nhất về các chương trình do Tất My Loan đạo diễn, đó cũng có thể được xem là một “thương hiệu” của con người chỉn chu này. Xem các chương trình của anh làm, đầu tiên, khán giả (dù thích hay không) luôn cảm nhận được là chương trình được thực hiện bởi bàn tay của một “người tử tế”. Tử tế ở đây chính là sự trân trọng khán giả qua chăm chút, sự nỗ lực đầu tư sáng tạo. Tử tế ở đây còn ở một vế khác mà khán giả không biết, đó là sự chi xài đúng mức các khoản chi phí, không buộc nhà đầu tư phải chi những thứ không đúng chỗ và không đạt hiệu quả. Điều này cực kỳ quan trọng với những người làm công tác tổ chức. Và sự tử tế “phía sau cánh gà sân khấu” này mới thực sự thể hiện một góc khác trong con người của đạo diễn - góc của một người nghiêm túc, đàng hoàng và biết điều.

Đồng hồ đếm ngược đến ngày khai diễn, lần thứ ba, DDVN xuất ngoại. Và tôi biết, khi những tràng pháo tay chúc mừng vang lên, ở góc sân khấu có một người đàn ông trung niên thanh thản đứng nhìn và sau đó nâng ly chúc mừng những cộng sự.

 Hạ Anh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.