Ngày 24.10, sau khi kết thúc bài kiểm tra giữa kỳ môn ngữ văn, nhiều học sinh, phụ huynh tại TP.HCM tỏ ra thích thú và công nhận giá trị giáo dục qua nội dung các ngữ liệu cũng như yêu cầu của đề do giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) biên soạn.
|
Theo đó, giáo viên Nguyễn Thị Thương, trưởng khối 12 môn ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du, người trực tiếp biên soạn đề thi đã sử dụng ngữ liệu cho bài đọc hiểu là một tác phẩm báo chí đề cập đến sự kiện “Sáng 2.10 là một ngày đặc biệt với toàn thể cán bộ, nhân viên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã tham dự buổi chào cờ cuối cùng tại Viện trước khi về nghỉ chế độ sau 14 năm dẫn dắt con thuyền lớn”.
Sự kiện này đã khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” bới GS.TS. AHLĐ. Nguyễn Anh Trí, với trí tuệ, tâm huyết, tài năng và nhân cách của mình, đã dành trọn đời mình cho ngành huyết học - truyền máu. Những nỗ lực, tâm huyết của GS đã góp phần quyết định trong sự phát triển của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương - nơi mà GS coi như là ngôi nhà, là tổ ấm của mình. Những thành tựu ấy đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh không chỉ trong quá trình điều trị mà còn cả trong cuộc sống…
tin liên quan
Học văn nhưng không thể tả đúng con mèo!Từ văn bản trên, người ra đề đã yêu cầu học sinh thể hiện kiến thức xác định phong cách ngôn ngữ và cảm nhận về GS. TS. Nguyễn Anh Trí qua câu nói của ông: “Cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ, tôi sẽ cống hiến bằng tất cả trái tim và tấm lòng của mình... Tôi luôn luôn coi người bệnh là người nhà. Được cứu chữa cho bệnh nhân là niềm hạnh phúc lớn lao của mình. Tôi luôn cố gắng truyền những điều này đến đội ngũ cán bộ trong Viện”.
Cũng với sự kiện này, trong lời dẫn câu nghị luận xã hội, đề thi đã so sánh 2 hình ảnh gần 1.000 y bác sĩ, bệnh nhân xếp hàng chia tay Viện trưởng Nguyễn Anh Trí về hưu trong nước mắt với hình ảnh là những vấn nạn của ngành y như phong bì bỏ túi áo blouse, những sai phạm trong đấu thầu thuốc, đưa thuốc trị ung thư giả về Việt Nam… khiến dư luận nhức nhối thời gian qua. Từ đó, đề bài nêu yêu cầu học sinh trình bày trong một đoạn văn khoảng 15 câu những suy nghĩ gì về đạo đức ngành y.
|
Nói về đề bài môn ngữ văn nói trên, em Phan Văn Cẩm Vân, học sinh Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ: “Chúng em thích hình thức và nội dung đề như vậy. Nếu cứ chỉ mãi xoay quanh các tác phẩm văn học trong nhà trường thì sẽ nhàm chán và cảm giác học chỉ đề thi, kiểm tra. Chỉ với chất liệu khác thôi nhưng chúng em thấy việc học văn rất gần với thực tế cuộc sống và vẫn kiểm tra được kiến thức đã học”.
tin liên quan
Đơn xin 'ly dị' môn vănVề ý tưởng ra đề, cô Nguyễn Thị Thương cho biết, xuất phát từ thực tế học sinh ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin phong phú và đa dạng. Đặc biệt bên cạnh những thông tin phản ánh tiêu cực thì thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp, tích cực. Do vậy tôi đưa hình ảnh này vào đề văn để học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng phân tích, thể hiện quan điểm khi tiếp cận những vấn đề tích cực. Từ đó còn giáo dục cho học sinh sống đẹp, sống ý nghĩa. Kết thúc thời gian kiểm tra, học sinh phản hồi tích cực và tỏ ra hứng thú với nội dung đề thi. Bởi việc thay đổi này đã khiến các em cảm thấy văn gần gũi với đời và thấy thiết thực chứ không sáo rỗng.
Còn bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết chủ trương của trường là khuyến khích giáo viên ở các môn học đổi mới việc biên soạn đề thi, đặc biệt hướng tới gần thực tiễn nhất để từ đó giúp học trò tư duy vận dụng.
Bình luận (0)