Đập phá và... trùng tu

13/04/2009 00:28 GMT+7

Về vụ “đập phá để xây mới” đền thờ Lý Chiêu Hoàng ở Đình Bảng (Bắc Ninh) mà Báo Thanh Niên đã đưa tin và bài viết rất kỹ, thì điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên là: hồi tháng giêng 2009, ngôi đền có lịch sử hơn 700 năm này mới được công nhận là “di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh” - một sự công nhận quá muộn màng và không xứng đáng với lịch sử ngôi đền, với nhân vật được thờ tự trong ngôi đền là “vua bà Lý Chiêu Hoàng”.

Một người biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi dòng tộc, một người yêu nước có tầm vóc lớn lao mà tới bây giờ ta vẫn chưa hiểu hết những quyết định, những hành động của bà.

Lý Chiêu Hoàng là một nhân vật  lớn và độc đáo trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Chính sự độc đáo và không dễ hiểu của bà đã khiến bà được thờ tự riêng tại đền Rồng chứ không phải ở đền Đô. Lâu nay, những chuyện gọi là "trùng tu di tích" theo kiểu "đập phá để xây lại" hoặc "biến cổ thành tân" rồi "tân cổ giao… vô duyên" xảy ra ở khắp nơi chứ không riêng ở đất Kinh Bắc. Nhưng tới mức như vụ đền thờ Lý Chiêu Hoàng, người ta đang tâm đập phá tháo dỡ để "làm lại" thì kinh hoàng quá!

Vì sao người ta dám làm những điều mà "xưa nay chưa ai dám" như thế? Thực ra, lý do rất đơn giản: người ta coi di tích như những "dự án", mà đã là dự án thì trùng tu lớn chừng nào, làm mới tới chừng nào thì tập trung được kinh phí cao chừng ấy. Người ta coi những di tích lịch sử, dù được xếp hạng ở cấp nào, cũng chỉ như những "công trình bị xuống cấp" cần tu bổ, tiến tới trùng tu, và tiến tới cùng là đập bỏ để xây mới. Vì thế mới xuất hiện những di tích sau khi trùng tu và nhất là xây mới xong thì không ai hiểu di tích này thuộc thời đại nào, thậm chí những bức tượng hay hoành phi trong di tích là thuộc văn hóa nước nào.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã kêu trời về thực trạng trùng tu di tích theo kiểu "chém to kho mặn" này, có những chuyên gia đã đề nghị cách tốt nhất để bảo quản di tích là cứ để nó… yên vị như cũ, đừng động "dao thớt" vào! Điều đó không hẳn đúng, vì có những di tích sẽ bị hư hại phần lớn hay hoàn toàn nếu không được trùng tu, như những tháp Chăm chẳng hạn. Nhưng vấn đề là trùng tu thế nào, trùng tu vì mục đích gì? Vì muốn bảo vệ di tích, hay vì muốn có dự án, tăng thu nhập? Bởi bây giờ người ta hay nói: "Có làm mới có ăn", mà "làm" kiểu nào và "ăn" kiểu gì thì ai cũng đã biết!

Hành động đập phá như ở đền thờ Lý Chiêu Hoàng rõ ràng là phạm pháp, nhưng nếu không có sự thống nhất và chấn chỉnh từ gốc thì việc "trùng tu", thậm chí "tu bổ" cũng sẽ làm biến dạng, hư hoại di tích từ những phần quý giá đáng bảo tồn nhất của nó. Mà những hoạt động "trùng tu theo kiểu… phá" như thế đã và đang xảy ra khắp nơi. Vấn đề là cần một đội ngũ những nhà trùng tu di tích có chuyên môn cao, có kiến thức rộng. Đội ngũ ấy không phải tự nhiên mà có, nhưng đã có rải rác trong cả nước. Nhưng họ chưa được tập hợp lại, chưa được dùng đúng với khả năng của họ. Và, tại sao không, chúng ta phải cử những sinh viên xuất sắc chuyên ngành hoặc cận chuyên ngành đi đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là ở những nước có những trường dạy chuyên ngành cao về trùng tu di tích. Chỉ có một chiến lược đúng đắn, cộng với sự cẩn trọng và đầy trách nhiệm, đầy lương tâm với đất nước và dân tộc thì mới ngăn chặn được nạn "trùng tu… đểu" các di tích và xây dựng một đội ngũ những nhà chuyên môn trùng tu thực sự các di tích. Điều cuối cùng là ai đứng ra bảo quản các di tích? Không thể giao những báu vật của tiền nhân cho những người thiếu hiểu biết, nhất là khi sự thiếu hiểu biết lại cộng với "nhiệt tình" phá hoại.            

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.