Đập thủy điện miền Trung và trên sông Mê Kông gây quan ngại

16/11/2010 23:43 GMT+7

Việc xả lũ của các nhà máy thủy điện sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH quan tâm trong phiên chất vấn Chính phủ sắp tới, cùng với các vấn đề Vinashin, việc kiểm soát giá cả, tình trạng thiếu điện, dự án bauxite...

Trong số hơn 185 câu chất vấn của các ĐBQH (tính đến ngày 14.11.2010), có 30 câu về Vinashin (trong đó 11 câu chất vấn Thủ tướng), 17 câu về thiếu điện và quy hoạch nguồn điện thời gian tới, 12 câu liên quan đến biên chế, hơn 10 câu liên quan đến kiểm soát giá cả các mặt hàng (chưa tính giá vật tư nông nghiệp), 11 câu về bauxite, 7 câu về nguy cơ xả lũ và trách nhiệm liên quan đến việc xả lũ từ các nhà máy thủy điện...

ĐB Nguyễn Vinh Hà (Kon Tum) đề nghị Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết “việc có quá nhiều nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên có liên quan đến xả nước các hồ thủy điện và ảnh hưởng đến việc cắt lũ ở khu vực một số địa phương vừa qua hay không? Trách nhiệm của ngành thế nào?”. ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) phản ánh tình trạng rất nhiều công trình thủy lợi và thủy điện đã và đang được xây dựng ở miền Trung, ngoài đem lại lợi ích cũng có thể gây ra tác hại khôn lường nếu việc khai thác, vận hành không đúng trong khi hiện không có quy trình vận hành liên hồ chứa, sẽ rất nguy hiểm khi bão lụt xảy ra. ĐB này đề nghị Bộ trưởng TN-MT cho biết: “Khi nào có quy trình vận hành liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện? Nếu chậm trễ để xảy ra tai họa thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Liên quan đến an toàn các nhà máy thủy điện, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) dẫn lại cảnh báo của các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế về việc các đập thủy điện sẽ gây hại lớn cho 20 triệu đồng bào ở ĐBSCL cả về kinh tế, môi trường và xã hội, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và cả thế giới. Trong khi đó, mặc dù Ngân hàng Thế giới đã tuyên bố không tài trợ cho các dự án thủy điện mới trên dòng chính sông Mê Kông nhưng các tập đoàn, DN nước ta lại đang tham gia vào các dự án thủy điện lớn ở một số nước lân cận. Việc làm này, theo ông Xuân, sẽ gây khó khăn cho công tác đàm phán thỏa thuận của nước ta với các nước lưu vực sông Mê Kông trong việc sử dụng khai thác bền vững sông Mê Kông. Vì vậy, ông Xuân “đề nghị Chính phủ nhanh chóng có thái độ chính thức, dứt khoát về vấn đề này”.

Dừng hay tiếp tục dự án bauxite?

Chiếm số lượng câu hỏi lớn chỉ sau Vinashin và tình trạng thiếu điện, việc khai thác bauxite tại VN cũng đã thu hút nhiều chất vấn của ĐBQH.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH, đặt câu hỏi chất vấn: trước nguyện vọng của đông đảo nhân dân thể hiện qua thăm dò trên mạng và thể hiện tập trung qua bản kiến nghị của trên 2.000 nhân sĩ, trí thức, các giới lao động, trong đó có nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, đề nghị Chính phủ dừng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Thủ tướng và Chính phủ quyết định thế nào?

Cùng nội dung chất vấn, ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cũng đặt câu hỏi: sau sự kiện bùn đỏ xảy ra ở Hungary, đề nghị Thủ tướng báo cáo và khẳng định trước QH, cử tri về việc có tiếp tục triển khai thực hiện dự án này nữa không? Nếu tiếp tục thực hiện thì hiệu quả kinh tế - quốc phòng an ninh - môi trường ra sao? Nếu xảy ra sự cố bùn đỏ như Hungary thì ai chịu trách nhiệm?

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị Bộ trưởng TN-MT nêu rõ quan điểm trước ý kiến của một số nhà khoa học cho rằng “dừng ngay dự án bauxite chúng ta chỉ mất 35 triệu USD, nhưng nếu tiếp tục, dự án này sẽ chịu chung số phận với Vinashin, mất 4,5 tỉ USD hoặc hơn nữa. Đừng để lâm vào tình trạng đâm lao phải theo lao”.

Ngoài các nội dung trên, bản tập hợp các câu hỏi chất vấn cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các ĐBQH về tình trạng thua lỗ của Vinashin, trách nhiệm tập thể cá nhân liên quan...

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.