Thông tin cho Thanh Niên, Giám đốc Brian Eyler thuộc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), hôm 14.7 cho biết giai đoạn từ 5-11.7 đánh dấu tuần lễ đầu tiên trong mùa mưa nhưng sông Mê Kông lại ít nước hơn dự kiến nếu dựa trên Mô hình Luồng chảy Tự nhiên của hãng nghiên cứu và tư vấn Eyes on Earth (Mỹ).
Đây là mô hình phản ánh luồng chảy của sông Mê Kông mà không có tác động của các con đập thủy điện, đặc biệt là tổ hợp 11 đập khổng lồ của Trung Quốc ở đầu nguồn.
Theo mô hình Eyes on Earth, hiện luồng chảy ở khúc sông Mê Kông thuộc huyện Chiang Saen (Thái Lan) ít nước hơn 48,4% so với trường hợp không bị đập can thiệp, và đoạn sông chảy qua Vientiane (Lào) cũng giảm hơn 9,18%.
Theo ông Eyler, sự khác biệt này là do các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn đang giữ nước, bao gồm các đập Tiểu Loan, Hoàng Đăng và đặc biệt là đập Cảnh Hồng khống chế nước nghiêm trọng từ giữa tháng 6 và kéo dài đến ngày cung cấp báo cáo.
Con số chênh lệch cao nhất được ghi nhận ở đoạn sông Mê Kông thuộc huyện Chiang Saen là do thiết bị đo của MRC đặt tại đây gần với khu vực bị giữ nước trên lãnh thổ Trung Quốc.
Tuy nhiên, do đập Nọa Trát Độ vẫn đang xả nước, dự kiến mực nước sông sẽ dâng lên vào thời điểm con đập này của Trung Quốc kết thúc đợt xả nước trong mùa mưa năm nay.
Những gì đang diễn ra phản ánh một thực tế đáng quan ngại: Các quy trình lũ lụt tự nhiên giúp bồi đắp và nuôi dưỡng các vùng đất ngập nước, vùng ngập lũ và nghề cá trên dòng Mê Kông đang diễn ra ở mức độ giảm, đôi khi ở mức nghiêm trọng.
Ảnh chụp từ các cộng đồng ngư dân ở khu vực Tam Giác Vàng đang cho thấy mực nước sông thấp và lượng đánh bắt thủy sản cũng thấp.
Tất cả đều phản ánh một khởi đầu không tốt cho mùa mưa năm 2021 ở lưu vực sông Mê Kông, theo thông tin từ Trung tâm Stimson.
Bình luận (0)