Sáng 26.4, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam và Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Chuỗi Giá Trị, chủ đầu tư dự án Bãi đỗ xe tham quan lăng vua Tự Đức - Đồng Khánh, đã làm lễ đặt đá xây lại lăng mộ cho bà Tài nhân họ Lê (bậc Cửu giai, thụy Thục Thuận, phi tần vua Tự Đức) tại vị trí cũ sau sự cố lăng mộ bị san ủi tại P.Thủy Xuân, TP.Huế, Thừa Thiên - Huế.
Việc xây dựng lại lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê, phi tần vua Tự Đức, được thực hiện theo bản vẽ tổng thể mặt bằng của Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế và bản vẽ kỹ thuật do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đề xuất, được các bên nhất trí.
Cụ thể, lăng mộ bà Tài nhân họ Lê được xây dựng ngay tại ngay vị trí đã phát hiện, gồm tổng diện tích mặt bằng là 202 m2, diện tích lăng chính 35 m2, thiết kế theo khuôn mẫu lăng mộ bậc Tài nhân của vương triều nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức (1829-1883). Diện tích còn lại được lát đá và trồng cây xanh, tạo cảnh quan....
Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, ngày 21.6.2017 người dân phản ánh đơn vị thi công Bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh đã san ủi lăng mộ của một bà phi của vua Tự Đức, đến ngày 11.7.2017, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc đã có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ngành chức năng đề nghị xem xét, chỉ đạo đơn vị đầu tư khôi phục ngôi mộ của bà Tài nhân, phi tần vua Tự Đức.
Sau hơn 5 năm ngôi lăng mộ bị san phẳng, ngày 1.8.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đã có văn bản thống nhất chủ trương xây dựng lại lăng mộ của bà Tài nhân họ Lê tại vị trí phát hiện bị san ủi trước đó.
TS Trần Đình Hằng, Giám đốc Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật VN tại Thừa Thiên - Huế, cho biết theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam thực lục quy định chốn nội cung triều Nguyễn như sau: trên Nhất giai, đặt một hoàng quý phi để giúp hoàng hậu là ngôi chủ quỹ trong cung, giữ nội chính cho được tề chỉnh.
Nhất giai gồm: Quý phi, Hiền phi, Thần phi; Nhị giai gồm: Gia phi, Thục phi, Huệ phi; Tam giai gồm: Quý tần, Hiền tần, Trang tần; Tứ giai gồm: Đức tần, Thục tần, Huệ tần; Ngũ giai gồm: An tần, Hòa tần, Lệ tần. Các bậc kế tiếp có: Lục giai (Tiệp dư), Thất giai (Quý nhân), Bát giai (Mỹ nhân), Cửu giai (Tài nhân).
Về tên thụy, theo TS Trần Đình Hằng, đối với các hoàng thân, công chúa, cung, giai, trừ người nào biểu hiện là có đức vọng phẩm hạnh lâm thời sẽ chuẩn cho tên thụy.
Còn theo quy định thì mỗi hạng tên Thụy chung bằng chữ hay cùng với 2 tên Thụy chung định trước, như Mỹ thục cho các công chúa, Huy thuận cho các phi bậc 1, Ý thuận cho các phi bậc 2, Nhã thuận cho các cung tần bậc 3, Nhàn thuận cho các cung tần bậc 4, Lệ thuận cho các cung tần bậc 5, Nhu thuận cho các Tiệp dư bậc 6, Trang thuận cho Quý nhân, Cẩn thuận cho các Mỹ nhân bậc 8 và Thục thuận cho Tài nhân (bậc 9, Cửu giai).
Bên cạnh quy định về thứ bậc trong cung còn có lệ định cách thức nhà thờ ở lăng và mộ các phi tần. Theo đó, từ Tiệp dư trở xuống, các mộ phía trong xây tường gạch cao 3 thước 2 tấc, dài 2 trượng 1 thước, chiều ngang 1 trượng 8 thước; bên ngoài tường gạch cao 4 thước, dài 3 trượng 6 thước, chiều ngang 3 trượng 2 thước. Cửa mặt trước ở trước bình phong có bia đá, khắc chữ theo thể thức: Tiệp trữ (hoặc Quý nhân, Mỹ nhân, Tài nhân) mỗ thị chi mộ.
Bình luận (0)