Ông Phạm Nhất Hải, Chủ tịch UBND xã Tiên An (H.Tiên Phước, Quảng Nam) xác nhận, hàng chục hộ dân tại thôn 3 và thôn 4 hết sức hoang mang trước thông tin vùng đất đen nơi họ sinh sống nhiều năm qua có chứa chất phóng xạ, có thể gây ra căn bệnh ung thư. “Những ngày gần đây, khoảng 40 hộ dân đang cư trú tại khu vực này không khỏi lo lắng. Ngoài việc hoang mang, sợ bị nhiễm bệnh, người dân còn lo thông tin này sẽ khiến nhiều thanh niên mặc cảm, khó xin việc ngoài địa phương”, ông Hải nói. Theo ông Hải, trước tình hình này, chính quyền địa phương đã làm việc với Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) H.Tiên Phước, đồng thời đã có công văn đề nghị UBND huyện kiểm tra thực tế để an dân.
|
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, vùng đất đen này có diện tích khoảng 1 ha nằm giữa thôn 3 và 4, đặc biệt, trong toàn xã chỉ có đất ở khu vực này có màu đen sẫm như than chì. Đất vẫn tơi xốp và có thể trồng trọt bình thường. Mạch nước ngầm ở đây vẫn sạch và rất trong. Tuy nhiên, nếu dùng tay chà xát mạnh thì đất sẽ bóng lên như ruột bút chì. Khi đưa ra ánh sáng, phần đất dính trên tay sáng ánh kim. Ông Đoàn Ngọc Long (36 tuổi, trú tại thôn 3), cho biết gia đình ông đã sống trên đất đen 7 năm qua nhưng không thấy biểu hiện gì bất thường. “Cả vật nuôi và cây trồng trên đất đều sinh trưởng và phát triển tốt. Thế nhưng, mới đây khi nghe thông tin đất có chứa chất phóng xạ gây ung thư, cả nhà tôi vô cùng lo lắng. Đi không nỡ, ở không xong...”, ông Long nói. Nhiều hộ dân khác cũng cho biết, đã nhiều lần các đoàn chuyên gia nước ngoài vào địa phương thăm dò nhưng đến nay họ vẫn không biết gì thêm về vùng đất kỳ lạ này.
Ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở TN-MT Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh có 3 vùng đất đen, trong đó, ngoài Tiên Phước, đất đen còn có ở huyện Nông Sơn và Nam Giang. Mặc dù, những vùng đất này đã được nghiên cứu và có hồ sơ riêng cách đây hơn 10 năm nhưng do là những thông tin mật nên không thể cung cấp được. “Trên lý thuyết, những vùng đất đen này có chứa chất phóng xạ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nhưng trên thực tế, dân đã sống trên vùng đất này hàng chục năm qua nhưng không sao cả, bởi nồng độ phóng xạ không đến mức nguy hiểm. Sở đã đến làm việc với các huyện và có khuyến cáo: về lâu dài không nên xây dựng các công trình kiên cố để nếu cần thiết có thể di chuyển người dân đến nơi khác. Người dân không nên cày hoặc xới đất xuống sâu nhằm đề phóng chất phóng xạ có sẵn lan ra ngoài không khí, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ em”, ông Công nói thêm. Cũng theo ông Công, trước đây, các chuyên gia của Nga đã vào khảo sát nhưng cũng chưa lý giải được việc đất có phóng xạ nhưng lại không tác động đến sức khỏe người dân. Sắp tới, đoàn công tác của Bộ TN-MT sẽ vào nghiên cứu để có biện pháp xử lý.
Hoàng Sơn
>> Ăn tỏi sống giảm nguy cơ ung thư phổi
>> Nguy cơ ung thư và tiền sử gia đình
>> Nguy cơ ung thư ở phụ nữ 'chân dài
>> Quả óc chó và ung thư tuyến tiền liệt
Bình luận (0)