Năm 1999, tôi được ủy ban nhân dân (UBND) huyện một sổ đỏ, tổng cộng 10 thửa đất, với diện tích 2.500 m2. Trong đó, sổ đỏ này có đất trồng cây hằng năm, thời hạn sử dụng 20 năm, nay đã là đất hết hạn sử dụng, vì chỉ có hạn đến năm 2013. Có thửa khác là đất lâu năm, thời hạn sử dụng 50 năm đến năm 2043.
Thửa đất hết hạn sử dụng từ năm 2013, hiện gia đình nhà tôi vẫn đang canh tác. Việc hết hạn này có ý nghĩa như thế nào? Có phải nếu Nhà nước thu hồi thì tôi không được đền bù không? Việc hết hạn này có ảnh hưởng đến việc tôi muốn bán cho người khác nếu có nhu cầu không?
Hiện do sổ này quá cũ nên bị rách một số chỗ, vậy tôi có thể làm lại sổ mới bằng cách tách từng thửa ra một sổ mới, chứ không chung nhiều thửa vào một sổ như hiện nay được không? Thủ tục như thế nào và có tốn kém không?
Do vợ chồng tôi đang bất hòa, vậy một mình tôi có thể đi làm lại sổ mới mà không cần phải có ý kiến của chồng được không?
Bạn đọc Xuân Nghĩa.
Luật sư tư vấn
Luật sư Trương Ngọc Liêu (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) tư vấn, đối với thửa đất trồng cây hằng năm đã hết hạn sử dụng vào năm 2013, thuộc loại đất nông nghiệp, có thời hạn sử dụng là 20 năm theo quy định của luật Đất đai 2013 (khoản 1 điều 126).
Do đó, khi hết hạn, người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn trên, mà không cần phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất (khoản 2 điều 74 Nghị định 43 năm 2014), phần đất này sẽ không bị thu hồi.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn bán thửa đất này thì bạn phải thực hiện việc gia hạn. Bởi một trong các điều kiện để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là đất phải còn thời hạn sử dụng (điểm d khoản 1 điều 188 luật Đất đai 2013).
Pháp luật hiện hành cho phép người dân được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi nôm na là sổ đỏ) trong trường hợp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng (điểm b khoản 1 điều 76 Nghị định 43 năm 2014).
Tuy nhiên, nếu muốn cấp đổi sổ đỏ mới theo từng thửa riêng biệt thì đây không phải là cấp đổi đơn thuần mà là việc thực hiện thủ tục tách thửa. Vì thế, bạn phải đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu, chiều rộng mặt tiền đường thửa đất tối thiểu để được tách thửa theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Về thủ tục cấp thửa, bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị tách thửa theo quy định, bao gồm: đơn đề nghị tách thửa theo mẫu và sổ đỏ bản gốc. Sau đó gửi bộ hồ sơ đến UBND cấp xã nơi có đất, hoặc bộ phận một cửa cấp huyện. Ngoài ra, bạn cũng có thể nộp hồ sơ tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có thửa đất, hoặc nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (nếu địa phương chưa có chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai) và chờ kết quả giải quyết.
Với thủ tục tách thửa này, bạn sẽ chỉ chịu 2 khoản phí là phí đo đạc tách thửa và lệ phí cấp sổ đỏ mới, nếu việc tách thửa không gắn liền với việc chuyển nhượng.
Đối với các thủ tục như gia hạn thời hạn sử dụng, xin cấp đổi do bị rách, nhòe… thì pháp luật không buộc cả vợ chồng phải cùng đồng ý thực hiện.
Tuy nhiên, đối với chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất… phải được sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Người vợ có thể thay mặt người chồng nếu có giấy uỷ quyền hợp pháp. Bởi theo quy định của pháp luật, sổ đỏ được cấp cho vợ chồng là tài sản chung của cả hai.
Bình luận (0)