|
Đi nội địa đắt hơn đi nước ngoài
|
Từ 15.10, các hãng hàng không đã đồng loạt điều chỉnh giá vé tăng từ 1 - 4%. Trong đó, Vietnam Airlines (VNA) tăng từ 20.000 đồng/vé trên mỗi chiều tùy thuộc vào đường bay và từng hạng đặt chỗ. Cao nhất là vé thương gia linh hoạt, đường bay giữa TP.HCM - Hà Nội hiện là 5,154 triệu đồng và thấp nhất là vé siêu tiết kiệm có giá 1,584 triệu đồng/một chiều cho những chuyến bay gần ngày. Cũng 2 loại vé này, nếu mua trước khoảng 2 tháng, vé thương gia linh hoạt cũng ở mức 4,4 triệu đồng và vé siêu tiết kiệm là 1,309 triệu đồng/một chiều.
Giá vé phổ thông cao nhất chiều Hà Nội - TP.HCM của hãng này tăng tới 2,981 triệu đồng/một chiều bao gồm cả phí phục vụ và thuế VAT. Mức tăng này vẫn nằm trong biên độ cho phép của đợt tăng trần hồi tháng 12.2011 là 20% (giá trần Bộ Tài chính cho phép chiều Hà Nội - TP.HCM là 3,4 triệu đồng/một chiều chưa tính thuế, phí). Việc tăng giá "trước một bước" trước khi công bố giá vé tết của VNA khiến nhiều người lo ngại về giá vé tết của hãng này. Quả thật, vé hạng thương gia linh hoạt của VNA trong những ngày cao điểm tết đã lên đến 5,544 triệu đồng/một chiều.
Ông Trần Duy Khiêm, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Khang Minh, trụ sở ở TP.HCM, người thường xuyên đi lại bằng máy bay do nhu cầu công việc, nhận xét: giá vé máy bay nội địa so với thu nhập của đại bộ phận người Việt Nam hiện nay là quá đắt. Một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan… mặc dù thu nhập đầu người cao hơn Việt Nam nhiều nhưng giá vé máy bay rẻ hơn. Đơn cử giá vé máy bay tuyến TP.HCM - Singapore của hãng Jetstar Pacific là 1,21 triệu đồng/chặng/khách, nhiều thời điểm khuyến mãi, giá chỉ còn 550.000 đồng/chặng/khách. Giá vé khứ hồi đã bao gồm các loại thuế khoảng 65 USD/khách. Như vậy có thể thấy, vé giá rẻ khứ hồi TP.HCM- Singapore rẻ hơn nhiều vé một lượt từ TP.HCM đi Hà Nội.
Ngay cả ở Đức và Mỹ, giá vé máy bay nội địa cũng thấp hơn ở Việt Nam. Ông Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều Đức cho biết, vé máy bay giá rẻ từ Đức sang Anh (khoảng 2,5 giờ bay) chỉ từ 19 - 29 euro/chiều. Từ Đức đi một số nước châu Âu với đường bay khoảng từ 1,5 - 2 tiếng, có những vé giá chỉ từ 50 - 60 euro. Vé máy bay nội địa ở Đức với những đường bay ngắn (khoảng 50 phút bay), bay khứ hồi chỉ có 99 euro. Còn ở Mỹ, trên đường bay nội địa khoảng 3 giờ bay (gấp rưỡi Hà Nội - TP.HCM), vé giá rẻ hoặc vé chờ (bán cho những hành khách chịu khó chờ đến giờ bay mà máy bay còn chỗ trống), giá chỉ có 50 - 60 USD so với mua vé cận ngày bay có khi 300 - 400 USD/một chiều. "Giá vé máy bay nội địa ở Việt Nam là quá đắt so với thu nhập của đại đa số người dân hiện nay”- ông Đồng nhận xét.
Với giá vé nội địa như vậy, ngay cả với một người làm nghề kinh doanh như chị Nguyễn Hồng My ở TP.Cà Mau, vẫn không dám chọn máy bay làm phương tiện đi lại làm việc và thăm gia đình ở TP.HCM. Chị so sánh, máy bay tuyến TP.HCM - Cà Mau hiện mỗi ngày chỉ có một chuyến, giá vé một chiều từ 1,309 triệu - 1,584 triệu đồng (chưa bao gồm thuế và một số phụ phí khác) trong khi giá vé xe đò chất lượng cao từ TP.HCM - Cà Mau khoảng 185.000 đồng/lượt/khách (xe Phương Trang). Còn loại vé xe thường do các doanh nghiệp tại Bến xe Miền Tây bán giá dao động 120.000 - 140.000 - 160.000 đồng/lượt/khách.
Ngất ngưởng vé tàu hỏa
|
Vé tàu hỏa hiện cũng cao ngất ngưởng, thậm chí còn đắt hơn vì hành trình dài hơn. Như giữa Hà Nội và TP.HCM, hành khách chỉ mất khoảng 2 giờ bay (không kể thời gian chờ và làm thủ tục tại sân bay), trong khi đi tàu phải mất từ 30 - 40 tiếng. Hành trình nhanh nhất là tàu SE3 và SE4 giữa Hà Nội - TP.HCM (khoảng 30 tiếng), rẻ nhất là 694.000 đồng (dịp hè là 782.000 đồng) cho một vé ngồi cứng. Giá này gần bằng vé máy bay khuyến mãi của các hãng hàng không giá rẻ. Loại vé cao nhất của tàu này là giường mềm điều hòa tầng 1 hiện đang là 1,76 triệu đồng (dịp hè vừa qua đã lên đến 1,857 triệu đồng), ngang ngửa với loại vé tiết kiệm của VNA.
Với những đoàn tàu Thống Nhất hành trình chậm do dừng nhiều ga (tàu có mác TN), giá vé thấp hơn tàu mác SE từ 200.000 - 500.000 đồng. Tuy nhiên, giá vé cao nhất của tàu TN1 và TN2 hiện cũng tương đương, thậm chí cao hơn vé máy bay hạng phổ thông của Jetstar Pacific và hạng Eco của VietJetAir (khoảng từ 1,15 triệu - 1,7 triệu đồng) cho chiều giữa Hà Nội và TP.HCM. “Vé thì đắt, chất lượng phục vụ thua các hãng xe có thương hiệu, lịch trình thì luôn bị chậm so với dự kiến" - chị Nguyễn Thị Mai, Q.10, TP.HCM ngao ngán nói.
Ngày thường đã vậy, ngày tết còn cao hơn. Các hãng vận tải thi nhau tăng giá. Giá vé tàu hỏa tăng từ 10 - 39%. Xe đò ngày lễ, ngày tết cũng tăng từ 20 - 60%, gây khó cho phần lớn người dân lao động từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào TP.HCM mưu sinh.
Giá cước quá cao, nhiều gia đình phải lùi thời gian về quê ăn tết để bớt chi phí đi lại. Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Tiến (Quảng Nam) 5 năm nay vẫn thường về quê vào ngày mùng 2 tết thay vì về trước tết như trước đó. Chị Tiến tính toán, ngày thường đi xe đò từ TP.HCM về quê chỉ 250.000 đồng nhưng những ngày giáp tết giá vé tăng gần gấp đôi, 450.000 - 500.000 đồng. Thôi đành chờ ra tết chứ biết làm sao.
Trên tuyến tàu cánh ngầm TP.HCM - Vũng Tàu (và ngược lại), giá vé hiện nay là 250.000 đồng/lượt, cao hơn nhiều giá vé xe đò trên tuyến (khoảng 100.000 đồng/lượt). Do vậy, khách chủ yếu chỉ là những người đi du lịch, người có thu nhập tương đối khá. Còn với nhiều người lao động có thu nhập trung bình thì "mua một cặp vé khứ hồi bằng 20 bữa ăn sáng giá bình dân tại TP.HCM, thôi đi xe đò cho khỏe" - một người chua chát kết luận.
M.Vọng - M.Hà - Đ.Mười
Bình luận (0)