Phí vận chuyển chiếm 25% giá thành
Ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty thép Việt, cho biết chi phí vận chuyển của Việt Nam quá cao, thậm chí cao hơn cả chi phí vận tải quốc tế. Ví dụ trong khi giá cước vận chuyển thép từ Bắc Kinh (Trung Quốc) về đến TP.HCM là 20 USD/tấn thì giá cước vận chuyển từ TP.HCM ra đến Hà Nội cũng tương đương. Quan trọng nhất là phí trung chuyển sản phẩm từ nhà máy ra đến cảng rất nặng. Thậm chí, phí vận chuyển thép từ TP.HCM sang các nước khu vực ASEAN còn rẻ hơn phí vận chuyển thép từ TP.HCM ra Hà Nội. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao các DN thép trong nước chỉ loanh quanh phát triển thị trường gần nhà máy hơn là cố gắng phủ sóng trên toàn quốc. “Với giá cước cao thì giá hàng hóa đến được tay người tiêu dùng sẽ không rẻ. Tình trạng này cũng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi muốn xuất khẩu đi các nước”, ông Thái nói.
|
Theo đại diện Công ty xi măng Vicem Hà Tiên, chi phí vận chuyển nguyên liệu chiếm hơn 10% giá thành sản phẩm của công ty. Còn phí vận chuyển sản phẩm thì phụ thuộc vào cự ly. Đơn cử 1 tấn xi măng chuyển từ TP.HCM lên đến Đà Lạt có giá bán tại TP này khoảng 1,7 triệu đồng. Trong đó phí vận chuyển 300.000 đồng, cộng thêm khoảng 150.000 đồng phí vận chuyển nguyên liệu khi sản xuất, tổng cộng 1 tấn xi măng đã gánh đến 350.000 đồng chi phí vận chuyển. Như vậy chi phí vận chuyển của 1 tấn xi măng đến tay người tiêu dùng tại Đà Lạt chiếm 26% tổng giá thành, một tỷ lệ rất cao.
Đại diện một DN may tại Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, bên cạnh việc phí vận chuyển tại cảng Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực từ 10 - 15%, còn có rất nhiều loại chi phí không tên. Một container hàng lưu tại cảng phải chịu đủ loại phí từ 200.000 - 300.000 đồng. Một tháng các chi phí này ngốn của DN tới 40 - 50 triệu đồng. Theo doanh nhân này, điều DN bức xúc nhất là giá cước vận tải luôn đồng hành với giá xăng, cùng nhịp điệu tăng nhiều mà giảm ít.
Ngốn hết lãi
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan), chi phí vận chuyển hàng hóa nội địa quá cao khiến các DN tại TP.HCM luôn gặp khó trong quá trình phân phối hàng hóa về khu vực ĐBSCL và thu mua nguyên liệu ngược lại. Ông Đặng Quốc Hùng, giám đốc một công ty xuất khẩu mỹ nghệ ở TP.HCM, cho biết chỉ tính riêng tiền thuê xe chở container từ nhà máy ở Hóc Môn ra cảng Cát Lái mất 2 triệu đồng. Nếu tính cả các phí cẩu container từ xe xuống tàu, dịch vụ xuất nhập khẩu, các chi phí phát sinh khác trên đường đi thì DN mất tổng cộng trên 8 triệu đồng/container. “Chúng tôi xuất khẩu mụn dừa, một container chở được 1.000 bao, giá 1 bao khoảng 1 USD. Chỉ chi phí vận chuyển thôi đã lấy mất của chúng tôi 400 bao. Còn 600 bao phải phân bổ cho nhiều chi phí khác... Nói cách khác, vận chuyển “ăn” sạch lãi của DN”, ông Hùng than thở.
Theo ông Nguyễn Văn Đấu, Giám đốc Công ty rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), thị trường trong nước chỉ chiếm 10% tỷ trọng xuất khẩu của công ty. Nhưng để phân phối hàng trong nước, Antesco phải đầu tư đội ngũ xe tải giao hàng, lực lượng kinh doanh chuyên nghiệp...
Ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia Theo một báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), những năm qua chi phí cho hoạt động logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20%, thậm chí có lúc 25% GDP cả nước, khoảng 12 tỉ USD mỗi năm. Đối với các DN, chi phí logistics thay đổi từ 4% đến trên 30% doanh thu. Trong khi đó tại Mỹ, chi phí logistics chỉ chiếm 9,9% GDP. Trong chi phí dành cho logistics thì chi phí vận tải chiếm đến khoảng 60%. Nếu như dịch vụ vận tải không phát triển sẽ kéo năng lực cạnh tranh đi xuống và làm chi phí vận tải của một đơn hàng tăng khoảng 10%, gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia. |
Mai Phương - N.T.Tâm
>> Kỳ 3: Chi phí vận chuyển nhấn chìm du lịch
>> Kỳ 2: Đủ thứ làm đội giá
>> Đắt như cước vận tải
Bình luận (0)