Đặt ra mục tiêu cơ bản, cốt lõi

28/09/2012 03:10 GMT+7

Tôi không đánh giá GD Việt Nam qua những con số khô khan và đôi khi “khó kiểm soát” như tỷ lệ tốt nghiệp, số sinh viên/10.000 dân, số tiến sĩ được đào tạo, tỷ lệ dân cư biết đọc viết… mà đánh giá thông qua hiệu quả GD đem lại cho xã hội.

Chẳng hạn xã hội có văn minh hơn hay không, con người cư xử với nhau có tốt hơn không, có lương thiện hơn không?… Xét theo các tiêu chí này thì GD Việt Nam đang đứng thấp hơn chính nó vài chục năm qua. Có nhiều nguyên nhân, theo tôi, đó là sai lầm trong triết lý GD, gồm sứ mạng, mục tiêu, phương pháp, cách đánh giá, chương trình… GD chúng ta quen với việc đặt ra những mục tiêu to tát. Điều 2 luật GD sửa đổi năm 2010 và trước đó nữa đều ghi: “Mục tiêu của GD Việt Nam là đào tạo con người VN phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…”. Điều này mênh mông, chung chung quá, tham vọng lớn quá mà không phải nội dung nào cũng có tính thuyết phục về khoa học và thực tiễn. Cuối cùng trong hành động hằng ngày thì nhà trường lạc mất mục tiêu, chỉ còn biết chăm chăm… chạy theo tỷ lệ lên lớp và thi đậu mà không phải lúc nào cũng nhờ học thật, thi thật. Giá như chỉ đặt ra mục tiêu gọn thôi, thật cơ bản, thật cốt lõi như “dạy làm người lương thiện và công dân có trách nhiệm” như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nêu thì thầy cô giáo có thể tập trung mà dạy, mà rèn học sinh - sinh viên đi đúng hướng.

Phải đặc biệt coi trọng tính khai sáng của GD. Khi đó chương trình - nội dung sách giáo khoa sẽ bớt đi nhiều tính áp đặt, ôm đồm. Người học sẽ có thêm thời gian, không gian để phát triển nhân cách, tự đào tạo thành con người phát triển toàn diện. Tôi từng nghe cô giáo chủ nhiệm lớp chuyên của một trường THPT khá nổi tiếng ở thành phố dặn dò học sinh là các em mà trúng tuyển vào lớp này rồi thì chỉ có học, cố mà học ngày đêm để thi đậu đại học, không có văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động gì khác hết. Chắc chắn đây là suy nghĩ đang chi phối rất đông giáo viên hiện nay. Tôi không trách các đồng nghiệp này vì cái cơ chế đánh giá hiệu quả GD buộc anh chị em phải thế. Cho nên, tôi hết lòng mong muốn nước mình có một nền GD hướng đến việc đào tạo con người lương thiện - công dân có trách nhiệm bằng quan điểm GD khai sáng.

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng (Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.