Đất 'vàng' Ba Thê

26/04/2014 09:27 GMT+7

Núi Ba Thê thuộc thị trấn Óc Eo (H.Thoại Sơn, An Giang) từng được mệnh danh là vùng đất vàng với những cánh đồng chứa đầy mạt vàng cùng con suối mà người xưa kể lại nước chảy mang theo vàng óng ánh…

Đất 'vàng' Ba Thê1

Di tích gò Cây Thị ở Ba Thê còn nhiều bí ẩn - Ảnh: Thanh Dũng

Đất 'vàng' Ba Thê

Cánh đồng ở Ba Thê - Ảnh: Thanh Dũng

Từ đồng vàng…

Ông Trần Hữu Phước (82 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND H.Thoại Sơn) kể lại khoảng hơn 70 năm trước, nhiều người dân Ba Thê khi cày ruộng đã  vô tình lượm được các chuỗi hồng ngọc và các món trang sức bằng vàng như nhẫn vàng, mão vàng, vàng nén thỏi to bằng quả trứng gà... trên cánh đồng. Ban đầu, người dân địa phương chưa nhận rõ giá trị nhưng rồi sau đó những người lạ, những ông thầy địa lý xuất hiện liên tục nên họ mới biết vùng đất này có kho báu.

Thế rồi người ta kéo nhau đến đào bới tìm các ngôi mộ xưa ở gò Cây Thị, gò Cây Trôm vì tin rằng đây là gò cao nên quanh đó là mộ quý tộc được chôn tùy táng các trang sức bằng vàng. Người bòn vàng còn suy luận người xưa chôn cất các công chúa, hoàng tử... làm nghi lễ hoàng tộc đi rải mạt vàng trên một phạm vi rộng quanh mộ người chết, sau đó do biến động địa chất nên vàng mạt bị vùi dưới đất rồi lại trồi lên. Ông Phước kể vì lẽ đó, năm 1940, các tay săn vàng kéo về vùng đất Ba Thê nườm nượp. Họ mang theo các chảo to múc lớp đất mặt lên bỏ vào chảo bòn đãi cho sỏi, cát, đá văng ra hết, lúc đó trong chảo còn lại vàng mạt nhỏ li ti như cát. Tìm được vàng họ trút vào các chai nhỏ đem bán lại cho thương lái về nấu thành vàng thỏi. Ngoài ra, các tay bòn vàng còn phát hiện được nhiều khu hầm chứa thủy ngân mà người xưa dùng để phân tách vàng nên họ lấy cất vào các chai lọ để sau này nấu tách vàng. Ông Phước nhớ lại lúc đó, phạm vi bòn vàng còn mở rộng đến một vài xã khác ở H.Thoại Sơn, đặc biệt tại các cánh đồng ở xã Vĩnh Chánh, người ta đã bòn được nhiều vàng mạt trong thời gian dài.

... đến suối vàng

Sau đó, dân bòn vàng còn đồn nhau nước suối chảy ra từ núi Ba Thê mang theo mạt vàng nên mới óng ả như vàng. Ông Phước nhớ lại: “Nhưng lần này mọi người thất vọng, vì bòn nát con suối vẫn không thu được gì, có thể do hiện tượng khúc xạ nên nhìn con suối óng ả như dát vàng! Sau đó, tốp người này đi, tốp người khác đến suối đãi tìm vàng nhưng đều về tay không. Con suối ấy bây giờ bị bồi lấp nên không còn ai nhớ đến”. Ông Phước cho biết thêm sau đó, nhà khảo cổ học người Pháp L.Malleret đến An Giang và tình cờ mua được các cổ vật, trang sức ở Ba Thê nên lần theo địa chỉ tìm về. Năm 1944, L.Malleret tiến hành khai quật từ đấy vén một phần bí ẩn của Vương quốc Phù Nam.

Đến năm 1976 có đoàn khảo cứu trong nước về khai quật tiếp nền văn hóa xưa và phát hiện thêm những cổ vật cùng những hạt lúa cổ nằm vùi sâu dưới lớp đất của vùng Óc Eo. Những thông tin dồn dập về kho báu Vương quốc cổ Phù Nam đã khiến các tay bòn vàng mở rộng tìm kho báu.

Tiến sĩ Ngô Quang Láng, Trưởng ban quản lý Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, cho biết hiện nay gò Cây Thị nằm trong khu vực nền văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam xưa vẫn còn giá trị về mặt khảo cổ. Nạn bòn vàng bây giờ không còn, có chăng kho báu còn ẩn trong lòng đất cổ ở vùng Ba Thê, Thoại Sơn nói riêng và vùng Thất Sơn nói chung là những đồ cổ xưa của người Phù Nam để lại cùng một nền văn minh còn ẩn chứa những điều huyền bí.

 Thanh Dũng

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.