Thôn Thượng, xã Cự Khê, Thanh Oai là một ngôi làng thuần nông nằm cách trung tâm TP Hà Nội 20km. Cuộc sống người dân nơi đây bỗng đổi thay trong nháy mắt. Ông trưởng thôn Lê Đức Vinh cho biết khi dự án khu đô thị mới Thanh Hà (A, B) được triển khai từ tháng 3-2008, có đến hơn 90% đất nông nghiệp của thôn Thượng bị thu hồi.
Tháng 2 và 3-2010 chủ dự án và ban giải phóng mặt bằng huyện Thanh Oai đã tiến hành trả tiền đền bù trực tiếp cho dân với giá 351 triệu đồng/sào Bắc bộ (360m2). Bình quân một lao động ở thôn có ba sào, như vậy một người nghiễm nhiên có hơn 1 tỉ đồng trong tay.
Ra ngõ gặp tỉ phú
Ông trưởng thôn nhẩm tính trong số hơn 300 hộ với trên 1.000 nhân khẩu ở đây đã có đến 770 suất được đền bù với tổng số tiền trên 800 tỉ đồng. Như vậy ngoại trừ những đứa trẻ, thiếu niên thì dân làng Thượng giờ đây ai cũng là tỉ phú. Cả đời ông Nguyễn Hữu Hảo, 52 tuổi, một người dân trong thôn, chỉ biết cày cuốc ngoài đồng, mong đủ ăn đủ mặc. Vậy mà bỗng chốc vợ chồng ông có gần 2,7 tỉ đồng tiền đền bù. Còn nhà ông Lê Đức Tiên, 65 tuổi, có sáu suất đều trong độ tuổi lao động với số tiền đền bù hơn 1,1 tỉ đồng/ người thì hộ ông đã “bê” về nhà cục tiền 6,7 tỉ đồng...
Chỉ béo “cò” Trong cơn sốt đất lên đến cao điểm khoảng tháng 4 và 5-2010, chỉ những tay “cò” môi giới nhà đất là béo bở nhất. Sau mỗi vụ dẫn dắt khách mua đất thành công, L. - một tay “cò” môi giới dạng “trùm” ở vùng Yên Bài, được nhận hoa hồng 20-30 triệu đồng và có thể cao hơn tùy giá trị mảnh đất giao dịch. Ngoài môi giới đất cho dân Hà Nội lên mua, “cò” L. còn thu gom đất của các hộ dân đợi lúc sốt đất mới tung ra bán. Không những có ôtô riêng, nhà xây to đùng..., “cò” L. còn thu “tiền vào như nước”. Thời điểm sốt đất vừa qua “cò” L. kiếm được 6-7 tỉ đồng. |
Ông Vinh cho biết trước đây thôn Thượng khi còn thuộc về địa giới của tỉnh Hà Tây cũng có một số công ty, xí nghiệp về lập dự án lấy đất nông nghiệp nhưng với mức giá đền bù chỉ 30-50 triệu đồng/sào Bắc bộ. Từ khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội giữa năm 2008 thì mức giá đền bù đất nông nghiệp được nâng lên rất cao.
Hơn nữa trong thời gian tới sẽ có một trục đường kéo từ quận Hà Đông đến Cầu Giẽ đi qua thôn Thượng, chính vì thế đất nông nghiệp ở đây mới được đền bù giá 351 triệu đồng/sào. Đất được đền bù với giá cao, ra đường gặp ai cũng mang danh tỉ phú. Đó là câu chuyện thật 100% mà người dân thôn Thượng mấy năm trước có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ tới.
Trong khi đó những thông tin còn chưa chắc chắn về đề án quy hoạch Hà Nội năm 2030-2050 đã trở thành tin đồn gây ra một cơn sốt đất chưa từng có ở vùng Sơn Tây, Ba Vì. Nông dân ở đây đua nhau bán đất để tiêu xài. Người bán, người mua đều qua tin đồn của “cò” môi giới.
Làng Bài, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, nằm sát sườn Đông dãy núi Ba Vì. Đất đai vùng sơn cước này trước đây giá rẻ như bèo. Nhưng từ tháng 5-2010, tin đồn về trung tâm hành chính quốc gia trong tương lai sẽ ở đây làm cho câu chuyện đất cát ở địa phương “nổi sóng” từng giờ.
Ông Khuất Cao Tuấn, trưởng thôn Bài, tự hào nói trong số 250 hộ dân ở đây thì nhà nào đất cũng rộng, có nhà 2-3 mẫu (1 mẫu 3.600m2), ít thì cũng ngót 1 mẫu. Thôn chẳng có nghề phụ gì khác ngoài nghề nông và chăn nuôi lợn, gà... Nghe tin đồn và có người về hỏi mua đất với giá cao thì dân thôn Bài thi nhau cắt từng mảnh vườn nhà mình mà bán.
Trên con đường liên xã chạy qua thôn Bài, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những mảnh vườn đã được chia thành từng ô, xây tường bao xung quanh. Bà Phùng Thị Lý vừa bế cháu vừa cười khà khà, tâm sự: “Người dân ở đây đất rộng, tội gì mà họ không bán. Có nhà bán một mảnh lấy tiền ăn tiêu hết, sau đó lại cắt mảnh khác bán”.
Những đoàn ôtô nối đuôi nhau lên vùng sơn cước này mua đất. Đất sốt, có khi sáng một giá, trưa một giá và chiều lại được đẩy lên giá khác. Từ vài triệu đồng/sào Bắc bộ mấy năm trước bỗng vụt lên đến 250-300 triệu đồng/sào. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thôn Bài và thôn Chóng là hai thôn có số hộ bán đất nhiều nhất ở xã Yên Bài với khoảng 80% số hộ đã cắt đất đem bán.
Còn vùng Cổ Đông, thị xã Sơn Tây lại đua nhau bán đất vì tin đồn trục đường tâm linh Hồ Tây - Hòa Lạc sẽ đi qua xã. Thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông là một ngôi làng nằm sát Trường Sĩ quan lục quân 1 có phong trào bán đất thổ cư rầm rộ nhất thời gian qua. Do nằm trong địa giới hành chính của thị xã nên đất ở thôn vào thời điểm sốt có giá 500-700 triệu đồng/sào Bắc bộ, thậm chí còn cao hơn nếu ở những vị trí đẹp trong làng. Có 80-90% số hộ đã bán đất trong dịp sốt đất vừa qua. Mỗi hộ ở đây chỉ bán 1-2 sào đã có tiền tỉ trong tay. Ông Nguyễn Quang Trung, trưởng thôn, cho biết cá biệt có nhà anh Sứng bán đến 10 sào đất được 7 tỉ đồng.
“Con gà tức nhau tiếng gáy”
Một cảnh tượng đập ngay vào mắt chúng tôi khi về thôn Thượng là những đống gạch, ngói, cát sỏi, ximăng ngổn ngang trong các ngõ ngách. Con đường chạy qua thôn cũng như đường ngõ, xóm bị băm nát bởi những chiếc xe chở vật liệu xây dựng qua lại suốt ngày.
Ông trưởng thôn Lê Đức Vinh nhớ lại sau khi nhận được tiền đền bù vào đầu năm, người ta nghĩ ngay đến việc xây nhà và mua sắm. Có ngày ở thôn Thượng đồng loạt 20-30 hộ gia đình khởi công xây nhà mới. Đến nay khoảng 150 hộ trong thôn phá nhà cũ xây nhà mới kiểu biệt thự với giá 1-1,5 tỉ đồng/căn.
Nhiều căn nhà tầng, mái bằng vẫn còn đẹp, mới xây nhưng khi có tiền đền bù người ta cũng đập đi để xây nhà khác bởi suy nghĩ “con gà tức nhau tiếng gáy”. Một nhà xây là nhà bên cạnh phải xây cao hơn, to hơn. Ông Vinh cho biết từ nay đến cuối năm 2010, những hộ còn lại ở thôn sẽ tiếp tục khởi công xây nhà mới.
Những căn biệt thự đang xây hoặc đã hoàn thiện mọc lên như nấm sau mưa. Khắp làng đâu đâu cũng thấy biệt thự mới toanh vươn lên bao vây vài căn nhà cấp bốn cuối cùng. Anh Lê Đức Hùng, một người dân địa phương, cho biết: “Những căn nhà cấp bốn còn lại chắc đang tham khảo kiểu dáng để làm cái “oách” hơn, nổi hơn những nhà xung quanh”. Anh Hùng cho biết căn biệt thự của anh đang trong giai đoạn hoàn thiện với kinh phí dự toán cũng tầm 1 tỉ đồng. Đó là chưa tính đến tiền mua đồ đạc, nội thất bên trong.
Sau khi có nhà to đẹp rồi người dân bắt đầu mua sắm vật dụng thật hiện đại, mắc tiền cho oai. Chúng tôi vào nhà anh Hảo, người dân trong thôn, khi các cụ cao niên đang tập trung ở đây xem tivi. Chiếc LCD Sony 40 inch và dàn loa, đầu kỹ thuật số anh vừa tậu với giá 32 triệu đồng. Cả đời anh làm công nhân cơ khí có để dành cũng chẳng bao giờ mua được bộ tivi, dàn âm thanh cao giá như vậy.
Anh Hảo cười tự hào: “Dân làng bây giờ oách lắm, chơi toàn LCD, LED chứ chẳng còn ai mua loại tivi thường “đít lồi” như ngày xưa. Nhà nào kém nhất cũng phải kiếm bộ tivi, dàn âm thanh trên 10 triệu đồng. Tiền đền bù nhiều như vậy nên dân địa phương thi nhau tậu về làng hơn 100 xe tay ga (toàn loại Air Blade, SH...) và hàng chục chiếc ôtô con”.
Đường sá bị cày xới, lầy lội nhưng không ai quan tâm đầu tư làm lại mà chỉ lo xây nhà mình to, đẹp. Nhiều cụ cao niên cho biết phong trào học tập ở thôn còn kém lắm. Nhiều năm cả thôn chẳng có học sinh thi đậu đại học.
Mặc dù giờ đây có tiền đền bù, cuộc sống khấm khá nhưng chuyện đầu tư cho con em học hành trong các gia đình vẫn chưa được chú trọng. Hàng trăm thợ xây dựng cùng với những “thiếu gia”, công tử mới bỗng dưng có tiền ăn chơi nên vấn đề an ninh trật tự ở vùng nông thôn ngày càng trở nên phức tạp. Hiện tượng cờ bạc, rượu chè, cá độ đã xuất hiện ở các làng quê vốn yên bình này.
Tương lai bấp bênh
Từ nay đến cuối năm 2010, cả năm thôn còn lại của xã Cự Khê sẽ được giải ngân đền bù với mức vài trăm tỉ đồng/thôn. Cùng với đó, 80% đất nông nghiệp của xã sẽ biến mất. Câu chuyện về làng tỉ phú không nghề nghiệp gì sẽ còn là bài toán nan giải trong thời gian tới. Cơn sốt đất thời gian qua cũng nổi lên ở một số thôn, xã khác của Hà Nội như Xuân Nộn, Kim Chung - Đông Anh, Tân Lập - Đan Phượng, Đắc Sở - Hoài Đức, Sơn Đông - Sơn Tây... Người dân ở những vùng quê này đều mang tư tưởng bán đất xây nhà to đẹp, mua sắm và gửi tiết kiệm để ăn tiêu dần. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)