Dấu ấn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với quê hương Vĩnh Long

09/11/2022 08:00 GMT+7

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn liền với những trang sử oanh liệt, vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam; đồng thời góp phần làm rạng danh quê hương Vĩnh Long giàu truyền thống yêu nước.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt dự lễ kỷ niệm 62 năm Nam Kỳ Khởi nghĩa tổ chức ở H.Vũng Liêm (23.11.1940 -23.11.2002)

ẢNH: BẢO TÀNG VĨNH LONG

Luôn chăm lo cho nhân dân

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tên khai sinh là Phan Văn Hòa), xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long. Sớm kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước và trực tiếp chứng kiến cảnh sống cơ cực, lầm than của người dân dưới ách áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai, năm 16 tuổi, người thanh niên yêu nước đã quyết tâm tham gia cách mạng, năm 17 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó, ông đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, không ngừng bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt trên chiến trường miền Nam, đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiều cương vị công tác khác nhau từ cơ sở đến khi trở thành người đứng đầu Chính phủ.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng vào ngày 11.6.2004

ẢNH: BẢO TÀNG VĨNH LONG

Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (nhiệm kỳ 2020 - 2025) chia sẻ: Thủ tướng Võ Văn Kiệt nổi tiếng là một con người hành động, quyết đoán với ý chí tiến công, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, không màng danh lợi cá nhân. Tất cả những điều đó đã làm nên một nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, đã sống, hoạt động và cống hiến cho đất nước, cho dân tộc đến hơi thở cuối cùng. Mỗi chuyến về thăm quê hương Vĩnh Long, ông đều xuống thăm cơ sở, khi thì là một gia đình nông dân sản xuất giỏi xã Chánh An (H.Mang Thít, Vĩnh Long); lúc là bà con lao động TT.Vũng Liêm; đến tận nơi khảo sát việc phòng chống lũ, bảo vệ vườn cây ăn trái các xã cù lao; nghe chuyện cặp bờ sông Cổ Chiên phát triển lò gạch, gốm sứ, xí nghiệp đóng tàu... Từ đó, ông hiểu thêm những vấn đề đặt ra với các địa phương, đơn vị để từ đó đúc rút thành những chủ trương, chính sách đem lại hiệu quả thực tiễn.

Bên cạnh quan tâm đời sống tinh thần của nhân dân, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân. Ông đã vận động nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở y tế ở khu vực xa trung tâm giúp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bác sĩ Trần Tuấn Kiệt, Trưởng trạm y tế xã Trung An, H.Vũng Liêm, cho biết trạm y tế này được Thủ tướng Võ Văn Kiệt vận động xây dựng từ năm 2008. Nếu không có trạm y tế này, người dân phải đi xa hơn 12 km mới đến được bệnh viện huyện. “Từ khi trạm y tế này được đưa vào sử dụng, người dân rất phấn khởi, vì có nơi gần nhà để chăm sóc sức khỏe. Bình quân mỗi năm trạm tiếp nhận và điều trị bệnh thông thường cho trên 10.000 lượt người”, bác sĩ Kiệt vui vẻ nói.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với bà con cô bác ở quê hương Trung Hiệp - Vĩnh Long

ẢNH: BẢO TÀNG VĨNH LONG

Quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cùng lãnh đạo các tỉnh, nhà khoa học dành thời gian nghiên cứu sách vở, tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm để làm sáng tỏ các vấn đề góc cạnh của lịch sử bằng cả sự tâm huyết và trách nhiệm. Chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người vận động đúc tượng Phan Thanh Giản, hiện được đặt trang trọng trong Khu di tích Văn Thánh Miếu (Vĩnh Long). Song song đó, ông còn quan tâm và có nhiều ý kiến thiết thực về công tác bảo tồn, bảo tàng, xây dựng khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng…

Toàn cảnh Khu tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tọa lạc TT.Vũng Liêm, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long)

Ảnh: BẢO TÀNG VĨNH LONG

Bà Nguyễn Thị Minh Trang, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, cho biết ngoài những công trình trên, dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn để lại cho tỉnh nhà nhiều công trình, sự kiện khác như: Đọc bản thảo và viết lời giới thiệu sách Lịch sử tỉnh Vĩnh Long 1732 - 2000; tham dự và có ý kiến chỉ đạo tại Hội thảo khoa học Lịch sử phát triển tỉnh Vĩnh Long; chỉ đạo xây dựng công viên Nam Kỳ Khởi nghĩa; dựng bia, viết văn bia kỷ niệm sự kiện Nam Kỳ Khởi nghĩa (TT.Vũng Liêm, H.Vũng Liêm); vận động, đóng góp trùng tu, xây dựng Đình Bình Phụng (xã Trung Hiệp, H.Vũng Liêm) - nơi hội họp thường xuyên cũng là xuất phát điểm cho sự kiện Nam Kỳ Khởi nghĩa ở Vĩnh Long…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.