Dấu ấn người Việt ở đảo Réunion: Đi phu giữa Ấn Độ Dương

23/09/2022 07:15 GMT+7

Cuối thế kỷ 19, hàng trăm người Việt , trong đó có những nghĩa sĩ yêu nước bị thực dân Pháp kết án, đã được đưa đến đảo Réunion phục vụ cho các đồn điền trồng mía. Hơn một trăm năm sau, ký ức và dấu ấn về họ nơi cùng trời cuối đất này được nhà báo Louis Raymond kể lại trong loạt bài khảo cứu gửi riêng cho Báo Thanh Niên (do Trường Khanh dịch).

Khi Hippolyte Dizac xuống tàu đi Nam kỳ vào tháng 9.1859, trong hành trang của ông có một bức thư tay do Đô đốc Darricau, Thống đốc đảo Réunion viết với mục đích giới thiệu Dizac với Đô đốc Rigault de Grenouilly (thống đốc Nam kỳ - TN). Hiển nhiên Dizac đã hy vọng chuyến công cán này sẽ thành công hơn thế.

Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ năm 1848, nhân lực cho các đồn điền trồng mía trên đảo Réunion (đảo nhỏ ở châu Phi, nằm trong Ấn Độ Dương - TN) - thuộc địa của Pháp từ thế kỷ 17, trở nên khan hiếm. Những đoàn người Ấn Độ được tuyển mộ tới đây từ năm 1849 không còn đủ nữa. Phải tìm cách đa dạng hóa nguồn nhân lực, và những nhà cai trị đảo Réunion muốn nhanh chóng tận dụng nguồn lực từ xứ sở mà nước Pháp vừa chinh phục.

Những khẩu đại bác bảo vệ thành phố Saint-Denis, thủ phủ đảo Réunion. Phía xa là những vách đá dọc con đường ven biển, đằng sau là khu cách ly La Grande Chaloupe

Adèle Fraslin

“Không ở đâu chiến tích của ngài được hoan nghênh nhiều hơn nơi đây, chúng tôi luôn quan tâm theo dõi những thành công đó bởi chúng tôi hiểu nó có lợi cho chúng tôi nhường nào, nhất là nếu được tuyển mộ nhân công tại Nam kỳ, chúng tôi sẽ có thể khai thác lúa gạo và lương thực thực phẩm khác mà hiện nay đang phải phụ thuộc Ấn Độ…”, Darricau viết ngày 6.9.1859 trong bức thư gửi Rigault. Người viết đã nhanh nhảu quá: Cùng lúc ông ta soạn bức thư trên, đội quân của Trương Định không ngừng quấy rối quân đồn trú Pháp, khiến họ hầu như không dám rời tòa thành chiếm được tháng hai năm đó.

Hippolyte Dizac đến Sài Gòn tháng 2.1860 sau khi ghé qua Singapore và Hồng Kông, nhưng rất nhanh, ông ta hiểu đang phải đối mặt với thực tế nào. Trước tiên, giới chức Pháp tại Nam kỳ cũng đang thiếu nhân lực, đến nỗi trẻ 10 tuổi cũng bị trưng dụng để làm công việc san nền. Sau nữa, nghề làm ruộng kiếm sống khá tốt, thậm chí còn để dành được tiền, vì vậy chẳng có lý do nào để một người dân Nam kỳ tình nguyện đi làm việc ròng rã nhiều năm ở một nơi xa hàng ngàn cây số. Vậy là Dizac tay trắng trở về Réunion, nhưng vẫn chưa bỏ cuộc.

Sử gia Daniel Varga, giáo sư môn lịch sử Trường trung học Leconte de Lisle và Bellepierre ở Saint-Denis đã phát hiện và kể lại câu chuyện này trong một bài viết trên tạp chí Outre-Mers năm 2012. “Đầu những năm 2000, tôi làm luận án tiến sĩ về quá trình phi thực dân hóa Đông Dương, và do vậy đã đến Hà Nội. Sau đó tôi được thuyên chuyển đến Réunion làm việc năm 2004. Không có thông tin gì về hòn đảo này, tôi tự hỏi có mối liên hệ nào với Việt Nam hay không. Sau khi tìm thấy dấu vết nhóm thợ Việt Nam đầu tiên, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn và đến trung tâm lưu trữ quốc gia hải ngoại ở Aix-en-Provence cũng như trung tâm lưu trữ quốc gia số 2 ở TP.HCM”, sử gia cho hay.

Nhà sử học Daniel Varga

NVCC

Như án tù khổ sai

Quả thực có rất nhiều chuyện để nói, đầu tiên là danh nghĩa của những người thợ này. Vẫn được các chủ đồn điền Réunion hậu thuẫn, Dizac quay lại Sài Gòn năm 1862, lần này ông ta đưa được nhóm thợ đầu tiên ra đi. Tuy nhiên, đó không phải là những người phu tình nguyện lựa chọn xuất ngoại có thời hạn, mà phần lớn họ là các phạm nhân chính trị, quân nổi dậy hay trộm cướp, hoặc tù binh. Hoặc những người yêu nước mà chính quyền Pháp đánh giá “ít nguy hiểm”. Trong năm 1863, có 4 chuyến tàu chở người Việt đến Réunion, khoảng 454 người theo ước tính của Daniel Varga. Tính đến năm 1868, tổng cộng 1.287 người Việt được gửi đến Réunion từ Sài Gòn. Tuy nhiên nhà nghiên cứu lưu ý rằng để đánh giá đúng con số này thì phải so sánh với số lao động tuyển mộ từ Ấn Độ, Trung Quốc hay Madagascar lên tới gần 65.000 người.

Sau khi rời khỏi tàu, họ được đưa vào khu cách ly ở La Grande Chaloupe, một nơi nằm trong khe núi giữa những vách đá khổng lồ lao ra Ấn Độ Dương, cách thành phố Saint-Denis vài cây số. Ở đó, họ vật lộn với cuộc sống chung đụng và các căn bệnh truyền nhiễm. Những người lao động này được phân tán khắp nơi trên đảo. Hoàn cảnh của họ hết sức khó khăn: bị hành hạ, ngược đãi nhưng họ không thể hủy bỏ hợp đồng một khi đã ký vào đó, hay thay đổi người chủ.

Tuy nhiên, như kinh tế gia Hồ Hải Quang, người đã sống ở Réunion từ năm 1990, nhấn mạnh trong khảo cứu mới đây của mình, “chế độ mộ phu không phải là chế độ nô lệ, chế độ nửa nô lệ hay chế độ nô lệ mới, bởi đặc trưng của chế độ nô lệ là chủ nô có quyền sở hữu đối với người nô lệ. Còn ở đây, hợp đồng có thời hạn 5 năm, được gia hạn tùy ý. Họ có quyền hồi hương miễn phí, bao gồm cả vợ và con cái. Mặc dù vậy, đây là một chế độ trả công lao động cưỡng bức, không có thỏa thuận tự do”. Nhưng nếu những người phu Ấn Độ và Trung Hoa tham gia “thị trường lao động” này một cách tình nguyện, còn những người Việt bị đưa đến Réunion để thụ án thì sao? Dưới nhiều góc độ, dường như họ là các bị án tù khổ sai. (còn tiếp)

Louis Raymond là nhà báo Pháp gốc Việt, chuyên viết về Đông Nam Á. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Lyon, ông từng sống nhiều năm ở VN và có thời gian làm việc tại Tổng lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM. Các chủ đề nghiên cứu của ông bao gồm lịch sử VN, các vấn đề thuộc địa và hậu thuộc địa trên thế giới. Hiện nay ông chủ trì Les Cahiers du Nem, một tạp chí điện tử về châu Á; thường xuyên cộng tác với hãng thông tấn Nikkei Asia và tờ Mekong Review.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.