Dấu ấn nông thôn mới

25/03/2014 10:01 GMT+7

Sau 3 năm triển khai, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần nâng cao đời sống người dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn ĐBSCL.

Dấu ấn nông thôn mới
Bộ mặt nông thôn tỉnh Cà Mau đã có nhiều khởi sắc - Ảnh: Chí Tín

Kết quả khả quan

3 năm qua, tổng vốn các tỉnh, thành ĐBSCL huy động cho xây dựng NTM khoảng 121.340 tỉ đồng. Đến cuối năm 2013, bình quân các xã đã đạt 9,23 tiêu chí, tăng 3,19 tiêu chí so với năm 2011 (bình quân cả nước đạt 8,36 tiêu chí). Xây dựng NTM trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, kể cả đồng bào các dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ đã có bước trưởng thành lớn trong nhận thức, khả năng vận động quần chúng và tổ chức quản lý xây dựng NTM. Hạ tầng nông thôn phát triển rõ nét, nhất là giao thông, điện; thu nhập bình quân đầu người tăng 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%; có 1,4% xã đạt chuẩn NTM.

Tại Cà Mau, từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực xây dựng hoàn thành 1.588 cầu nông thôn. 100% xã hoàn thành đồ án quy hoạch và phê duyệt xong đề án xây dựng NTM, sau đó được UBND các xã thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, bàn bạc trước dân, đảm bảo công khai dân chủ, được người dân đồng tình. Hiện có 35 xã đạt từ 9 - 15 tiêu chí, 37 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí, 10 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Năm 2014, tỉnh Cà Mau phấn đấu xây dựng đạt 848 tiêu chí, bình quân khoảng 10,34 tiêu chí/xã, tăng 2,21 tiêu chí/xã so với năm 2013. Trong đó, tập trung đầu tư cho 4 xã điểm của tỉnh bình quân đạt 13,75 tiêu chí/xã và 19 xã điểm của huyện bình quân đạt 13,48 tiêu chí/xã.

Nhiều mô hình kinh tế, xóa đói giảm nghèo hay và cách làm ăn hiệu quả xuất hiện ở các địa phương. Như Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Cà Mau triển khai có hiệu quả Đề án khuyến công góp phần xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội Cà Mau, với kinh phí hàng tỉ đồng để đầu tư dây chuyền sản xuất máy móc, thiết bị; tổ chức các lớp đào tạo nghề; khởi sự doanh nghiệp… Qua đó, giúp nhiều ngành nghề phát triển, giải quyết việc làm, người dân nông thôn được đào tạo nghề có thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Trung tâm còn mời gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khuyến khích các đoàn thể, cá nhân cùng các cấp, các ngành tham gia hoạt động khuyến công để mở các lớp đào tạo, truyền nghề cho nông dân. Tìm hiểu, xây dựng các ngành nghề phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, nhằm khai thác thế mạnh và giúp việc đưa nghề mới về nông thôn hiệu quả…

Dấu ấn nông thôn mới
Nâng cao chất lượng nông sản là một yếu tố bảo đảm ổn định đời sống nông dân - Ảnh: Chí Tín

Không chạy theo thành tích

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng NTM ở ĐBSCL hiện còn gặp khó khăn do nhiều tỉnh có địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; trình độ dân trí còn thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao; kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch còn thiếu; mức sống của một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt… Những yếu tố trên đã tác động làm chậm tiến trình xây dựng NTM. 

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL tập trung củng cố Ban Chỉ đạo xây dựng NTM từ cấp tỉnh, thành đến cơ sở; phân công cán bộ then chốt, am hiểu để nắm sát tình hình thực hiện xây dựng NTM. Chỉ đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, lấy độ hài lòng của người dân làm thước đo thành công của các tiêu chí, không chạy theo thành tích. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân, quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo thu nhập ổn định, bền vững cho nông dân. Đó cũng là động lực để các địa phương tại ĐBSCL hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đúng kế hoạch.

Chí Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.