Đó là một nhóm bạn trẻ ở Đà Nẵng, du học về từ nhiều nước, với những ngành học khác nhau nhưng chọn làm chung một công việc, hay nói đúng hơn là đeo duổi một dự án thiết kế, sản xuất hàng lưu niệm cho riêng Đà Nẵng. “Với năng lực và điều kiện của bản thân, chúng tôi có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập xứng đáng, nhưng rồi cả nhóm vẫn bám theo dự án gây dựng thị trường hàng lưu niệm cho Đà Nẵng dù gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nhưng vì yêu TP, muốn quảng bá hình ảnh Đà Nẵng nên chúng tôi đeo đuổi dự án đến cùng”, Bùi Đức Tuấn, phụ trách chính của nhóm dự án quà lưu niệm Đà Nẵng, Da Nang Souvenirs mở đầu câu chuyện kinh doanh khá mạo hiểm của nhóm.
Bắt tay vào dự án đã hơn 2 năm, nhưng đến tháng 4.2014 Da Nang Souvenirs mới chính thức hoạt động với hơn 200 chủng loại sản phẩm, mặt hàng lưu niệm mang “thương hiệu Đà Nẵng”. Ngay lập tức dự án nhận được sự đồng tình ủng hộ của những người tâm huyết với Đà Nẵng, với du lịch Đà Nẵng... Đặc biệt, du khách đến với TP bên bờ sông Hàn thực sự hài lòng với những sản phẩm quà tặng nhỏ nhỏ, xinh xinh mang hình ảnh của Đà Nẵng. Nguyễn Phạm Thành Trung, quản lý chính tại Da Nang Souvenirs cho biết: “Mặt hàng lưu niệm được ưa chuộng nhất ở đây là ly sứ mang thông điệp tình yêu với Đà Nẵng, là những bộ móc khóa xinh xinh về những chiếc cầu bắc qua sông Hàn được thiết kế độc đáo, áo thun, túi xách với hình ảnh biển đảo hay lễ hội pháo hoa bên sông Hàn... vì nó nhỏ gọn và đặc biệt ấn tượng trong từng đường nét.”
Với tiêu chí mỗi tuần 1 sản phẩm độc đáo cho các mặt hàng lưu niệm Đà Nẵng, đến nay, các bạn đã thiết kế hơn 2000 mẫu, trong đó có gần 200 mẫu được lựa chọn và sản xuất. Trừ các sản phẩm cần độ gia công tinh xảo phải đặt hàng ở TP.Hồ Chí Minh, các sản phẩm còn lại được ưu tiên sản xuất ngay tại Đà Nẵng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động thủ công địa phương.
“Hiện thị trường hàng lưu niệm mang hình ảnh, thương hiệu du lịch Đà Nẵng vẫn còn nhiều mảng trống. Với TP mỗi năm đón gần 4 triệu lượt khách trong và ngoài nước thì đây là thị trường rất hấp dẫn. Chúng tôi mong có nhiều đơn vị tham gia lĩnh vực này, để có thể cùng phối hợp sản xuất, thiết kế, gia công... góp phần giảm giá thành sản phẩm, và tập trung thiết kế cho những nhóm sản phẩm được ưa chuộng, lồng ghép những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương vào từng sản phẩm để chia sẻ những thông điệp, giá trị nhân văn ở một thành phố đáng sống”, Đức Tuấn chia sẻ.
An Dy
>> Du học sinh làm thêm ở Mỹ
>> “Ngôi nhà” chung của du học sinh tại Mỹ
Bình luận (0)