Dấu ấn thể thao Việt Nam qua các kỳ ASIAD

18/08/2018 10:21 GMT+7

Ngày 18.8, Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018 chính thức khởi tranh tại Indonesia, trong đó đoàn thể thao Việt Nam với 352 VĐV, đặt mục tiêu đoạt từ 3 đến 5 HCV. Kể từ khi góp mặt ở ASIAD 1982 đến nay thể thao Việt Nam vẫn chưa “bay cao” như kỳ vọng của người hâm mộ.

Sau đây là những cột mốc đáng nhớ của thể thao Việt Nam qua các kỳ ASIAD:

Lần đầu tham gia ASIAD 1982 tại Ấn Độ, đoàn thể thao Việt Nam đã để lại dấu ấn với tấm HCĐ của xạ thủ Nguyễn Quốc Cường ở nội dung súng ngắn bắn nhanh. Đó là tấm huy chương lịch sử, giúp thể thao Việt Nam xếp hạng 22/33 quốc gia tham dự. Lần đó chúng ta chỉ tranh tài 3 môn gồm bắn súng, điền kinh, bơi lội với 40 VĐV.

Trần Quang Hạ (trái) đoạt tấm HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam ở ASIAD Tấn Đạt

4 năm sau (năm 1986), thể thao Việt Nam không tham dự ASIAD nhưng trở lại đấu trường lớn nhất châu lục vào năm 1990 tại Trung Quốc với thành phần đông đảo 104 VĐV. Chúng ta tham gia thi tài 11 môn: điền kinh, bơi, bắn súng, vật tự do, judo, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, quyền anh, wushu nhưng không đoạt tấm huy chương nào.

Năm 1994, đoàn thể thao Việt Nam cử 84 VĐV góp mặt ở ASIAD Nhật Bản và đã làm nên kỳ tích với tấm HCV ở môn taekwondo. Người làm rạng danh thể thao Việt Nam ở đấu trường châu lục là võ sĩ Trần Quang Hạ ở hạng cân 58 kg.

Người hâm mộ thể thao Việt Nam hẳn không quên hình ảnh chàng trai nhỏ nhắn Trần Quang Hạ thi đấu với thể lực sung mãn, khôn ngoan và gan lì đã làm nên thành tích lịch sử chỉ sau vài tháng đến với taekwondo. Cũng kỳ ASIAD đó, thể thao Việt Nam có thêm 2 HCB của Phạm Hồng Hà, Trần Văn Thông cùng môn karatedo.

Hồ Nhất Thống (phải) tiếp nối Trần Quang Hạ bảo vệ thành công HCV cho taekwondo Việt Nam ở ASIAD Bạch Dương

Năm 1998, thể thao Việt Nam lại có thêm HCV ASIAD diễn ra ở Thái Lan và người lập công cũng là võ sĩ taekwondo Hồ Nhất Thống (hạng cân 58 kg). Thành công của Trần Quang Hạ 4 năm về trước là bước đệm để taekwondo được đầu tư mạnh mẽ và Hồ Nhất Thống là quả ngọt từ việc đầu tư đúng hướng. Từ đây taekwondo Việt Nam trở thành thế lực đáng gờm ở nội dung đối kháng hạng cân 58 kg.

Tượng đài thể hình Việt Nam Lý Đức tỏa sáng với tấm HCV ASIAD năm 2002 Khả Hòa

Ở ASIAD 2002 diễn ra tại Hàn Quốc, thể thao Việt Nam tạo đột phá với 4 tấm HCV do công của Lý Đức (thể hình), Trần Đình Hòa (billiards), Vũ Kim Anh, Nguyễn Trần Bảo Ngọc (karatedo). Thành tích này giúp thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu 3 HCV đề ra.

Đây là kỳ ASIAD thành công của các môn ngoài Olympic như billiards, thể hình và cũng đánh dấu thất bại của taekwondo khi không bảo vệ được HCV.

Các cô gái cầu mây Việt Nam đoạt cú đúp HCV ở ASIAD 2006 Ngô Nguyễn

Tại ASIAD năm 2006 ở Qatar, thể thao Việt Nam góp mặt với 247 VĐV ở 25 môn thể  thao, đoạt 3 HCV. Tuyển cầu mây nữ Việt Nam với các chủ lực Lưu Thị Thanh, Hải Thảo, Bích Thùy đoạt 2 HCV ở đôi nữ và đồng đội nữ. Tấm HCV còn lại do công của Vũ Nguyệt Ánh (karatedo). Đó cũng là năm mà đoàn thể thao Việt Nam có thêm 13 nội dung vào tranh HCV nhưng chỉ về nhì.

Lê Bích Phương (phải) đoạt HCV duy nhất cho thể thao Việt Nam ở kỳ ASIAD 2010 Lan Phương

Ở ASIAD 2010 tại Trung Quốc, đoàn thể thao Việt Nam tiếp tục gia tăng số lượng với 260 VĐV tranh tài 26 môn. Sở hữu hàng tá niềm hy vọng vàng nhưng cuối cùng đoàn thể thao Việt Nam chỉ đoạt được 1 tấm HCV của Lê Bích Phương (karatedo), còn lại có đến 17 HCB. Đây là kỳ ASIAD thảm bại của thể thao Việt Nam.

Dương Thúy Vi đoạt HCV wushu trong kỳ ASIAD 2014 mà thể thao Việt Nam không đạt chỉ tiêu, chỉ đoạt 1 HCV Độc Lập

Năm 2014 tại Hàn Quốc, đoàn thể thao Việt Nam quyết tâm trở lại với mục tiêu đoạt từ 2-3 HCV nhưng tiếp tục gây thất vọng khi chỉ có 1 HCV của Dương Thúy Vi ở môn wushu. Đó là kỳ ASIAD mà thể thao Việt Nam đầu tư mạnh mẽ cho nhiều môn thể thao mũi nhọn nhưng gây thất vọng tràn trề khi xếp sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia,Myanmar.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.