Đã từng gặp nhiều trường hợp gọi “thực đơn một đằng, món ra một nẻo”, Võ Như Ngọc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Trong một lần đi du lịch ở biển Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), mình nhớ gọi món cá nướng giấy bạc, dù đã xem trên thực đơn nhưng khi lên món thì cá không được tươi, và hình như cũng là loại cá thường mà giá không hè rẻ. Hay trong lần đi tỉnh Tiền Giang, dù đã hỏi cẩn thận nhưng mình phải tốn 700.000 đồng cho 3 phần cháo cá lóc. Do không phải là người địa phương nên lần ấy mình cũng không dám thắc mắc hay phản hồi gì với người bán mà đành trả tiền theo ý họ”.
Khi được hỏi về vụ việc liên quan đến món bún chả tại TP.Sầm Sơn, Như Ngọc cho rằng giá cả luôn là vấn đề khiến nhiều du khách ái ngại. “Theo mình, nên có sự quan tâm và xử lý rõ ràng, không chỉ riêng vụ bún chả ở Sầm Sơn mà trước đây có rất nhiều vụ việc tương tự ở nhiều địa điểm du lịch. Do đó, bên cạnh vấn đề an toàn thực phẩm, việc chất lượng món ăn chưa phù hợp với giá tiền rất cần được cơ quan chức năng quan tâm”, Ngọc bày tỏ.
Lãnh đạo Sầm Sơn lên tiếng vụ đĩa bún với 2 miếng chả giá 35.000 đồng
Cũng không đồng tình với quán ăn tại Sầm Sơn, Nguyễn Hồng Hà (24 tuổi, ngụ tại 30/31 Huỳnh Văn Lũy, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nói: "Mình nghĩ khi đi du lịch nên đọc trước đánh giá về quán ăn đó để tránh tình trạng khó chịu mà cũng rất khó xử như vụ việc ở Sầm Sơn".
Với Đào Bảo Minh, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết cũng từng khó chịu trong một lần trải nghiệm món cơm trộn ở đường Ba Tháng Hai, Q.10 (TP.HCM). “Họ để sẵn giá và những topping (món ăn thêm vào) trên thực đơn sẽ có trứng, thịt và rau nhưng khi đem ra lại rất ít thịt, trứng và vì quá nhiều kim chi nên món ăn hơi bị chua dẫn đến mất ngon. Cũng chính vì điều này mà mình đã không quay lại quán ấy nữa”, Minh bày tỏ.
Chia sẻ về quan điểm của mình, Bảo Minh không đồng tình với việc du khách đăng tải hình ảnh kinh doanh trên mạng để “bốc phốt”, vì cơ quan chức năng cũng đã khẳng định quán bán đúng niêm yết và không mắc lỗi về an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Mỗi người sẽ có một nhu cầu riêng về khẩu phần, hương vị và số tiền dành cho món ăn ở một nơi nào đó nên có quán đáp ứng được, có quán không. Nên lần đầu trải nghiệm mà không ổn thì có thể cân nhắc không trở lại. Còn trường hợp nếu quán kinh doanh bất hợp pháp thì nên liên hệ đến các cơ quan xử lý, không nên chụp ảnh rồi “tố” người ta như vậy”, chàng trai này cho hay.
Chia sẻ về vấn đề gặp chất lượng phục vụ và trải nghiệm không tốt khi đi du lịch hoặc đến những nơi có nhiều địa điểm ăn uống, Travel blogger (người viết nhật ký du lịch) Phan Thế Anh chia sẻ loại hình kinh doanh đồ ăn, nước uống rất đặc biệt, do phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu và khẩu vị riêng của mỗi người.
“Nhiều nơi có chất lượng và hình thức món ăn khác nhau, có thể dở với người này nhưng lại ngon với người khác. Cho nên, việc đánh giá nơi đó “chặt chém” hay chất lượng đều phụ thuộc vào sự hài lòng của mỗi cá nhân. Trong trường hợp này, quán ăn đã niêm yết rõ ràng về giá và không bị mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cho nên rất khó để nói đúng hay sai cụ thể”, Thế Anh cho biết.
Theo Thế Anh, khi trải nghiệm bất cứ dịch vụ nào thì cũng nên chuẩn bị tinh thần trước, đặc biệt là ăn những quán lạ, quán mới hoặc vì có nhiều lý do như: tiện đường, được người dân giới thiệu hay đơn giản là muốn được trải nghiệm sự mới lạ. “Hiện nay, nhiều nơi cũng nổi tiếng với những bún chửi, phở chửi và mặc dù mọi người biết là đến đó bị chửi, sẽ có thái độ phục vụ không tốt nhưng họ vẫn rất muốn đến. Đó là do mọi người đã chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng trong tâm thế là sẽ trải nghiệm rồi”, Thế Anh chia sẻ.
Bình luận (0)