Theo chân bà Nguyễn Thị Tư, một người dân trong làng, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Thỉnh, 64 tuổi, khu 4, thôn Xa Mạc.
Từng là một bác sỹ Đông y bốc thuốc cứu người có tiếng trong vùng, vậy mà nay ông phải bất lực trước căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối trong người.
Khuôn mặt rầu rĩ, vợ ông Thỉnh bảo: “Từ khi phát hiện ra ông ấy bị ung thư đến nay đã được gần một năm rồi. Trải qua biết bao liệu pháp từ Đông đến Tây y nhưng vẫn bó tay, vì khối ung thư đã di căn. Bao năm chữa bệnh cứu người mà đến khi chính mình mắc phải bệnh hiểm nghèo lại đành chịu phận”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Thỉnh còn cho biết, không riêng chồng bà mà ngay khu 4, chỉ với mấy chục nóc nhà đã có hơn hai chục người mắc các loại bệnh ung thư; nhiều nhà có hai, ba người cùng mắc ung thư.
Vừa bấm đốt tay, bà kể ra hàng loạt những cái tên như ông Lần, ông Trung, bà Cánh, chị Hương... Trong số đó, nhiều người đã qua đời trong hoàn cảnh rất đáng thương.
Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hương (23 tuổi) vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ là một ví dụ. Khi đi xét nghiệm làm hồ sơ xin việc mới phát hiện ra mình bị ung thư máu giai đoạn cuối. Chạy chữa chưa được bao lâu thì chị Hương mất.
Đau xót hơn là trường hợp của gia đình anh Đỗ Văn Tạo, một gia đình được coi là có số người mắc ung thư nhiều nhất làng. Bố mẹ anh Tạo mới mất cách đây chưa lâu vì căn bệnh ung thư phổi, còn anh sau khi đi xét nghiệm cũng được xác định mắc ung thư dạ dày.
Rời nhà ông, bà Thỉnh, chúng tôi tới nhà anh Bùi Văn Miện (41 tuổi, khu 2, thôn Xa Mạc). Từng được mệnh danh là người khoẻ nhất trong xóm, làm việc nặng nhọc không ai bì kịp, thế mà giờ anh đang phải đối mặt với sự hành hạ của căn bênh ung thư hạch giai đoạn cuối.
Vợ anh, chị Dự sụt sùi bảo: “Anh ấy mới được phát hiện mắc ung thư cách đây hơn một tháng, nhưng đã sụt mất hơn chục cân rồi. Ở nhà, anh ấy là lao động chính, vậy mà giờ thế này...”.
Cách nhà anh Miện không xa là gia đình nhà anh Nguyễn Văn Khái (khu 2, thôn Xa Mạc). Mẹ anh Khái, bà Nguyễn Thị Thọ (hay còn gọi là bà Tặng), mới mất được hơn 50 ngày vì căn bệnh ung thư vú thì người chị gái của anh, Nguyễn Thị Thơ sau khi đi xét nghiệm cũng đã phát hiện mắc bệnh ung thư dạ dày. Hiện chị Thơ đang được điều trị tại Bệnh viện U bướu trung ương với 4/5 dạ dày đã bị cắt bỏ hoàn toàn.
Tâm sự với chúng tôi, anh Khái cho biết: “Làng tôi không có công nghiệp gì. Cả làng toàn làm nông, ăn uống đều dùng các thứ tự làm ra, chả mấy khi dùng đồ mua ngoài chợ, vậy mà những căn bệnh ung thư quái ác vẫn cứ tằng tằng kéo đến mà không rõ nguyên nhân. Ai cũng lo, nhưng cũng chẳng biết làm gì cả...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quang Hưởng, Trưởng thôn Xa Mạc xác nhận: vài năm trở lại đây, tỷ lệ người mắc ung thư ở thôn đang có chiều hướng gia tăng khá cao.
Các trường hợp mắc ung thư chủ yếu rơi vào độ tuổi từ 45 - 55 tuổi, là những lao động chính trong các gia đình, một số trong đó rơi vào các cụ già.
Ông Hưởng cũng cho biết thêm, do một số nguyên nhân nên đến nay việc thống kê trên sổ sách thực tế số người đã mất và số người hiện đang mắc các loại bệnh ung thư vẫn chưa được thực hiện.
Thông tin về ai chết do ung thư là từ người dân sau khi đi khám, xét nghiệm về báo với y tế địa phương và do người dân tự truyền tai nhau.
“Tháng 10.2007 đã có đoàn cán bộ ở trên về kiểm tra nguồn nước của người dân trong thôn đang sử dụng, nhưng từ đó đến nay vẫn không thấy hồi âm gì về kết quả xét nghiệm...”, ông Hưởng chia sẻ.
Thành Chung - Nguyễn Hoài
Bình luận (0)