Nâng tiền đặt cọc
Việc buộc ký quỹ đấu giá cao là việc cần làm để ràng buộc người trúng đấu giá. Ngoài ra cũng cần phải có quy chế đấu giá rõ ràng, để nếu người trúng đấu giá “cao chạy xa bay” thì có thể khởi kiện. Có như vậy mới loại bỏ được chuyện đấu giá trúng rồi bỏ, đấu giá ủng hộ từ thiện cũng... bỏ luôn. Không thể chấp nhận được hành vi đấu giá kiểu như thế. Theo tôi thấy, giá khởi điểm của cặp chóe là 900 triệu đồng mà tiền ký quỹ chỉ có 50 triệu đồng là quá thấp. Nên quy định mức phần trăm ký quỹ thật cao để hạn chế việc người trúng đấu giá bỏ đi.
Vũ Ngọc Đăng (TP.Tuy Hòa, Phú Yên)
Tư cách đại diện đấu giá
Trước khi đấu giá diễn ra, ban tổ chức cần thẩm tra tư cách tham gia của người đấu giá một cách cẩn thận, kỹ lưỡng. Trong vụ việc Tân Hoàng Minh xù trả tiền đấu giá cặp chóe, ông Vũ Mạnh Hùng là người đại diện đấu giá thay cho ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Và ông Dũng có thể đổ lỗi cho ông Hùng là đã đấu giá quá cao, vượt xa thẩm quyền cho phép để “xù” trả tiền đấu giá. Đó là một lý do, nhưng mang tính chất cá nhân, không thể biện minh cho việc “bỏ chạy” sau khi đấu giá. Đây là một bài học kinh nghiệm cho các công ty đấu giá cũng như các buổi đấu giá từ thiện khác diễn ra trong tương lai.
Đỗ Tiến Đức (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Có chế tài phù hợp
Cần xem xét kỹ lưỡng và hoàn thiện khung pháp lý để có chế tài với hành vi “bỏ chạy” của người tham gia đấu giá. Nếu không thì các buổi đấu giá từ thiện sẽ trở thành nơi để nhiều cá nhân, doanh nghiệp, thương hiệu lợi dụng quảng cáo, đánh bóng tên tuổi, để “nổ” sự giàu sang của mình chứ không phải họ tham gia đấu giá vì mục đích mà chương trình đặt ra.
Ngô Thanh Tuyên (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Nguyễn Ngọc Giao (An Khê, Gia Lai)
Trần Văn Lời (TP.Long Xuyên, An Giang)
|
Bình luận (0)