Đậu mùa khỉ đã có ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam

04/10/2022 18:00 GMT+7

Đó là thông tin được Giám đốc Sở Y tế TP.HCM công bố vào cuộc họp ngày 3.10. Đây cũng là hồi chuông cho thấy, đã đến lúc chúng ta nâng cao cảnh giác và nắm kỹ những thông tin về đậu mùa khỉ, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe.

Tính đến ngày 3.10, đã có 106 quốc gia ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, với tổng cộng 68.265 bệnh nhân và 25 ca tử vong. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (136), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1) và New Caledonia (1). Tổ chức Y tế thế giới đánh giá nguy cơ lây nhiễm toàn cầu ở mức trung bình, khu vực châu Âu và châu Mỹ ở mức cao, khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) ở mức thấp đến trung bình, các khu vực khác ở mức trung bình.

Sức khỏe người mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam ra sao?

Trong thời gian vừa qua, số ca mắc đậu mùa khỉ trên thế giới đang có chiều hướng gia tăng nhanh, phần lớn nguyên nhân là do sự gia tăng di chuyển giữa các quốc gia hậu “mở cửa” Covid-19

Riêng trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 3.10.2022, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về kết quả xét nghiệm giải trình tự gen, khẳng định bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox vi rút thuộc clade IIb. Bệnh nhân là nữ 35 tuổi, thường trú tại TP.HCM, khởi phát bệnh vào ngày 18.9.2022 khi đang du lịch tại Dubai với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, trên cánh tay, thân mình và mặt xuất hiện các nốt đỏ, ngứa. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.

Trước tình hình này, nhiều người dân lo ngại đậu mùa khỉ có thể bùng phát thành một loại dịch bệnh mới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh Covid-19 và sốt xuất huyết vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, mặc dù hô hấp cũng là một trong những con đường gây lây nhiễm đậu mùa khỉ, nhưng khả năng căn bệnh này bùng phát thành dịch như Covid-19 là không cao. Dù vậy, Bộ Y tế vẫn kêu gọi người dân chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về đậu mùa khỉ, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh, từ đó bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cả những người xung quanh.

Dù đã xuất hiện ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn nên giữ tâm lý bình tĩnh, đồng thời nâng cao cảnh giác và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo từ Bộ Y tế. Hãy hành động ngay hôm nay để chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh bạn nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.