Cây xanh loại 3 có tuổi từ 100 - 150 năm
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện đang quản lý 171.431 cây xanh, (trong đó UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức quản lý 54.743 cây; Trung tâm hạ tầng kỹ thuật đang quản lý 116.688 cây) trên địa bàn thành phố, nằm trên các tuyến đường, công viên, khu vực công cộng thuộc 21 quận, huyện.
Chủng loại cây xanh trồng trong đô thị hiện nay gồm: dầu, sao đen, lim sét, me tây, me, giáng hương lá lớn, bò cạp nước, viết, sọ khỉ, nhạc ngựa... Trong đó, khối lượng cây loại 3 (cây có kích thước lớn, cổ thụ) là 9.283 cây (quận, huyện và TP.Thủ Đức 1.131 cây; Trung tâm hạ tầng là 81.48 cây) chiếm khoảng 5,5% số lượng cây xanh quản lý.
Hú vía cây phượng bật gốc, đè ô tô biến dạng ở TP.HCM
Số lượng cây xanh tập trung phần lớn ở trung tâm thành phố, nơi có mật độ dân cư và giao thông lớn (Q.1, 3, 5, 10...), nhất là cây loại 3 có tuổi đời từ 100 - 150 năm. Đây là nhóm có nguy cơ, rủi ro cao về sự cố cây xanh, gây thiệt hại về người, tài sản do cành nhánh, thân cây có trọng lượng lớn khi rơi từ trên cao.
Đánh giá về các sự cố cây xanh vừa qua, Sở Xây dựng cho rằng có nhiều nguyên nhân gây nên như: giông lốc, mưa gió, thi công công trình (vỉa hè, công trình ngầm) xâm hại hệ rễ cây... Có những trường hợp cây xanh ngã đổ, ghi nhận hệ rễ có dấu hiệu bị xâm hại, bị chặt cắt từ nhiều năm trước.
Đa phần cây xanh có kích thước lớn, phân loại 3, thuộc chủng loại sao, dầu khi xảy sự cố gãy, đổ có nguy cơ gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Nguyên nhân do cây có kích thước lớn, cành và nhánh rất to nên trọng lượng rất nặng. Khi gãy đổ, rơi tự do từ độ cao từ 30 - 60 m sẽ gia tăng trọng lượng khi tiếp đất, phá hủy rất lớn.
Cũng theo Sở Xây dựng, trong 4 năm trở lại (2021 -2024), ở TP.HCM đã xảy ra 1.790 vụ cây ngã, 2.462 vụ gãy nhánh. Trong đó, năm 2021 xảy ra 383 vụ cây ngã, 569 vụ gãy nhánh; năm 2022 là 409 vụ cây ngã, 526 vụ gãy nhánh; năm 2023 là 597 vụ cây ngã, 732 vụ gãy nhánh; năm 2024 (từ tháng 1 đến hết tháng 9) là 401 vụ cây ngã, 635 vụ gãy nhánh.
Thống kê từ năm 2012 đến nay có 12 vụ tai nạn cây xanh gây chết 13 người. Trong đó, tai nạn do cây loại 3 gây ra chiếm phần lớn (10/12 vụ) và gây chết 11/13 người. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 4 sự cố, làm chết 5 người, trong đó tất cả rơi vào cây loại 3 (3 cây dầu và 1 cây sọ khỉ).
Còn ở giai đoạn trước năm 2000, các cây xanh có độ tuổi thấp nên các sự cố rơi cành nhánh ít xảy ra hơn so với hiện nay. Trong năm 2024 đã xảy ra đợt nắng nóng gay gắt bất thường làm hệ thống cây xanh bị suy yếu ảnh hưởng đến sức liên kết, chịu đựng của cành, nhánh.
Nhóm cây nào tiềm ẩn rủi ro ở thành phố?
Theo Sở Xây dựng, dù tăng cường việc cắt, tỉa cành nhánh và xử lý đốn hạ, thay thế cây xanh có nguy cơ mất an toàn, tuy nhiên tình hình sự cố cây xanh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn lớn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa hiện nay khiến mật độ dân cư và áp lực giao thông tại TP.HCM tăng lên rất nhiều (đường phố rất đông người sinh hoạt, tham gia giao thông) nên khi có sự cố rơi gãy cành nhánh, ngã đổ cây thì xác suất gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người và tài sản là rất cao;
Qua đánh giá, bước đầu xác định nhóm cây phân loại 3 cây cổ thụ, cây có kích thước lớn, là nhóm cây xanh tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cao. Tuy nhiên, việc xử lý, giải quyết vấn đề này còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhiều cây xanh cổ thụ kích thước lớn, chiều cao rất cao đến 50 - 60 m nên phương tiện chăm sóc cây xanh chỉ được trang bị xe thang có chiều cao tối đa là 24 m. Do đó, việc chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh loại 3 vẫn còn thủ công nên năng suất có hạn.
Hệ thống cây xanh cổ thụ đã và đang có tình trạng già cỗi, sức chống chịu yếu trong điều kiện sống đô thị hiện nay có xu hướng suy giảm dần và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ rơi gãy cành nhánh, gãy đổ cây gây tai nạn. Tuy nhiên, không thể thực hiện việc đốn hạ hàng loạt mà phải tiếp tục cố gắng duy trì. Việc đốn hạ, thay thế chỉ có thể thực hiện rải rác, từng bước theo thứ tự ưu tiên từng cá thể để hạn chế dư luận xã hội.
Hiện trạng cây cổ thụ sao, dầu là nét đặc trưng, lịch sử để lại cho đô thị TP.HCM, do đó việc ứng xử, tác động để đảm bảo an toàn (hạ thấp tán, thay thế) luôn gặp nhiều phản ứng về mặt dư luận xã hội.
Bình luận (0)