Đầu năm du xuân ở xứ ‘đệ nhất’ Phật giáo Nam tông Khmer

01/02/2022 18:13 GMT+7

Du lịch tâm linh là nét văn hoá đặc sắc của người Việt Nam vào dịp đầu năm mới. Với người dân tỉnh Sóc Trăng lại càng đặc biệt vì nơi đây hội tụ nhiều ngôi chùa nổi tiếng độc đáo hàng đầu Việt Nam.

Sóc Trăng là nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Hàng trăm năm qua, người Khmer cùng với người Hoa và người Kinh đã tạo thành một cộng đồng gắn bó thân thiết trên mãnh đất ở cửa biển Trần Đề - cuối nguồn sông Hậu đổ ra biển Đông.

Tượng Phật nằm khổng lồ cũng là cách mà người dân địa phương dùng để gọi tên chùa Chùa Som Rong

Chí Nhân

Người Khmer có tết cổ truyền dân tộc gọi theo tiếng Khmer là Chôl Chnăm Thmây vào tháng 3 âm lịch nhưng vào ngày đầu năm họ vẫn lên chùa lễ Phật, người Kinh và người Hoa vẫn đi lễ ở chùa của người Khmer. Tất cả những điều này tạo nên nét văn hoá tâm linh vô cùng đặc sắc và tính cách cởi mở, phóng khoáng của người dân Sóc Trăng.

Nhân dịp đầu năm mới, chúng tôi xin phép chọn lọc giới thiệu với quý độc giả 3 ngôi chùa nổi tiếng đặc sắc nhất của địa phương này.

1. Chùa Dơi

Chùa Dơi hay người dân địa phương còn gọi là chùa Mã Tộc nhưng tên đúng tiếng Khmer là Mahatup nằm tại phường 3, TP Sóc Trăng. Chùa được khởi công vào từ năm 1569. Khoảng 30 năm về trước, trong bán kính 1km có thể thấy đàn dơi hàng ngàn con bay đi kiếm ăn rợp cả góc trời với mỗi lúc chạng vạng. Dơi tìm đến đây trú ngụ vì trong khuôn viên chùa có rất nhiều cây cổ thụ để chúng làm tổ. Ngày nay số lượng dơi đã giảm đi rất nhiều. Trong đó có giống dơi ngựa quý hiếm mà người địa phương thường gọi là dơi quạ, trọng lượng 1 - 1,5kg, có sải cánh 1-1,2 m, những con lớn nhất có sải cánh lên tới 1,5m. Dơi con mới đẻ cũng đã có sải cánh dài 0,5m. Ban ngày dơi dốc đầu treo mình trên các cành cây ngủ yên lành.

Chánh điện chùa Dơi

Chí Nhân

Trẻ em chơi nhạc Ngũ âm của người Khmer để Cúng dường Đức Phật và phục vụ du khách trong ngày tết

Chí Nhân

Ở một góc khác, người lớn chơi nhạc truyền thống của bà con dân tộc Khmer

Chí Nhân

2. Chùa chén kiểu

Có tên Khmer là Wath Sro Loun, để dễ phát âm nên từ Sro Loun được đọc chạy thành Sà Lôn. Sro Loun có nguồn gốc từ chữ Chro Luong – là tên của 1 con rạch chạy dọc theo đường làng trước đây ở gần chùa. Chùa nằm trên địa bàn xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên cách Trung tâm Thành phố Sóc Trăng khoảng 12km về hướng Bạc Liêu. Năm 1815, chùa được xây dựng bằng các vật liệu những vật liệu sẵn có của địa phương như lá cây dừa nước, gỗ, đất...

Ngôi chánh điện là điểm nhấn về trang trí và kiến trúc nơi đây

Chí Nhân

Đến năm 1969, chùa Chén Kiểu được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay. Được biết trong quá trình xây dựng, do thiếu vật liệu nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến là quyên góp chén, đĩa từ bà con trong phum sóc (thôn xóm) để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí khác lạ. Cũng từ đó, chùa còn được nhân dân biết đến với tên gọi thứ hai: "Chùa Chén Kiểu".

Đây là điểm đặc biệt thú vị làm cho ngôi chùa trở nên độc đáo

Chí Nhân

Người Khmer mà đặc biệt là các nhà sư nổi tiếng về sự khoé tay và óc thẩm mỹ

Chí Nhân

Cộng đồng người Khmer rất mộ đạo và sống đời làm một người phật tử thuần thành

Chí Nhân

Từ bé đã biết đi chùa lễ Phật

Chí Nhân

Chùa có nhiều điểm nghỉ chân cho du khách dạo mát và ngắm cảnh

Chí Nhân

3. Chùa Phật nằm

Nói theo ngôn ngữ hiện đại, một ngôi chùa Khmer đang “hot” trong mấy năm gần đây ở Sóc Trăng là “chùa Phật nằm”- và dĩ nhiên đây là cách gọi dân gian. Chùa có tên chính xác là Bôtum Vong Sa Som Rong (người dân địa phương gọi là Chùa Som Rong…. Ở số 367 Tôn Đức Thắng, Khóm 2, Phường 5 (TP Sóc Trăng). Đến nay chùa Som Rong có niên đại trên 600 năm, đã trải qua 12 đời trụ trì.

Tượng Đức Phật Thích Ca trong tư thế nhập Niết bàn, mặt quay về hướng đông

Chí Nhân

Trưa ngày Mùng 1 Tết, bà con Phật tử mang lễ vật lên chùa cúng dường. Quý sư đọc kinh cầu an cho tất cả chúng sanh trước giờ thọ thực.

Chí Nhân

Bàn chân bức tượng cao hơn chiều cao trung bình của một người bình thường

Chí Nhân

Công trình vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng đã thu hút rất đông du khách

Chí Nhân

Chùa có nhiều điểm hấp dẫn thú vị nhưng điểm nhấn đặc biệt chính là tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn. Tượng có chiều dài 63 m, cao 22,5 m, nặng 490 tấn, được xem là một trong những tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tượng được khởi công xây dựng từ tháng 10.2017, đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.