>> Dấu son Thanh Minh - Thanh Nga - Kỳ 4: Sóng gió thăng trầm
>> Dấu son Thanh Minh Thanh Nga - Kỳ 3: Đại gia đình nghệ thuật
>> Dấu son Thanh Minh - Thanh Nga - Kỳ 2: Đầm ấm với 2 dòng con
|
Nghệ sĩ chỉ mơ làm cầu thủ
Trong nhà, Thanh Nga là cô đào nổi tiếng nên ông Năm Nghĩa cũng muốn có thêm đứa con trai nối nghiệp gia đình. Nhưng lúc đó Bảo Quốc mới 7, 8 tuổi, còn con nít, mê đá banh hơn mê hát nên mỗi lần ba dạy nghề là như bị cực hình. Bảo Quốc không hề có ý thức nghề nghiệp như chị ba Thanh Nga, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là nghệ sĩ, mà chỉ mơ thành cầu thủ. Bình thường ông Năm Nghĩa là người dễ tính nhưng đến khi dạy nghề thì lại rất nghiêm. NSƯT Bảo Quốc kể: “Ông già dạy kỹ lắm, bắt phải nghe, phải thuộc từng nhịp đàn. Bởi khi ra sân khấu làm gì có thời gian mà đếm nhịp, dễ bị hát sai. Và chính vì tội xao lãng nên tôi bị ba đánh hoài”.
Bảo Quốc không mê hát nhưng lại hay ngồi ở cánh gà coi anh chị hát, coi hoài đâm ra thuộc tuồng lúc nào chẳng biết. Một lần nọ Bảo Quốc bị kêu ra đóng thế vai cậu bé Mộng Hùng trong vở Người vợ không bao giờ cưới, ông Năm Nghĩa thách đố: “Mày ra thế vai hát chắc gì hơn thằng Hữu Nghĩa!”. Không ngờ Bảo Quốc diễn tốt quá, làm ông Năm mừng rơn. Từ đó, hễ có vai thiếu nhi nào cần người là Bảo Quốc được vô đóng thế, mà kỳ lạ, hễ làm cascadeur thì Bảo Quốc lại hát rất hay. u là niềm an ủi cho ông Năm Nghĩa, vì sau đó mấy tháng thì ông mất.
Sau cái chết của cha, tự nhiên Bảo Quốc đổi tính. Ông khóc nhiều lắm và nghiêm túc học nghề. Các tác giả trong đoàn viết cho Bảo Quốc những vai nho nhỏ thuộc dạng kép nhí nhưng có đất diễn đàng hoàng. Lớn lên một chút, tuy là con ruột của bà bầu Thơ đoàn Thanh Minh nhưng Bảo Quốc toàn được giao vai lẳng hoặc lẳng độc, bởi lúc đó trong đoàn đang hiện diện một loạt kép chánh “thứ dữ” như Hữu Phước, Út Trà Ôn, Thành Được, Hùng Cường... Ông vẫn vui vẻ làm nghề, tích lũy kinh nghiệm, rồi được đôn lên kép chánh trong vở Hiệp sĩ mù và đoạt luôn HCV giải Thanh Tâm năm 1967. Mỗi khi nhắc về vai kép đẹp duy nhất này, ông lại cười tủm tỉm: “Điều thú vị là giải Thanh Tâm chỉ diễn ra 10 năm, thì chị ba Thanh Nga là người “khai trương” đoạt giải năm 1958, còn tôi được giải vào đúng năm cuối cùng”.
Rẽ hướng sang diễn hài
Định mệnh đã khiến Bảo Quốc rẽ sang diễn hài một cách tình cờ khi ông cùng Thanh Nga qua đoàn Dạ Lý Hương hát, gặp hôm danh hài Thanh Việt bị bệnh ngay trước giờ mở màn vở Con ma nhà họ Hứa. Vé đã bán hết không biết làm sao, Thanh Nga bất ngờ động viên Bảo Quốc: “Em cũng có khiếu hài, em đóng thử coi”. Thế là ông nhảy vô đóng vai cậu học sinh đi theo “nữ quái” Hồng Nga vô căn nhà ma quỷ, hợp vai đến bất ngờ và nổi tiếng luôn. Từ đó, các soạn giả như Nguyễn Phương, Hoàng Khâm đo ni đóng giày cho Bảo Quốc hàng loạt tuồng như Người chồng triệu phú, Bóng chim tăm cá... toàn vai lẳng hài duyên dáng, đưa ông trở thành cây hài danh tiếng trẻ nhất, xếp chung với những tên tuổi như Thanh Việt, Kim Quang, Hoàng Mai, Văn Chung, Tư Rọm... Sau 1975, ông lại có những vai diễn để đời như Chương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh, Tất Đạo trong Bên cầu dệt lụa, Y xì-ke trong Bóng tối và ánh sáng, ông Tám nổ trong Cánh đồng gió cùng các vai hài khác trong Hoa Mộc Lan, Tấm lòng của biển... Ngoài ra, ông còn tham gia loạt chương trình Trong nhà ngoài phố, gây ấn tượng sâu sắc với khán giả truyền hình. Hôm ông diễn Y xì-ke cho đoàn Trần Hữu Trang phát lên truyền hình, bà bầu Thơ ở nhà coi ti vi rưng rưng cảm động vì thấy con trai đã trưởng thành, nối nghiệp ba giữ danh tiếng của gia đình.
NSƯT Bảo Quốc chưa bao giờ thấy “tủi thân” khi từ kép mùi của giải Thanh Tâm trở thành diễn viên hài. Ông nói: “Tôi đi đúng sở trường của mình nên mới hoạt động được cho tới bây giờ. Tôi còn thấy vinh dự vì đã “nâng cấp” hài lên trong mắt khán giả. Hồi xưa vai hề trong đoàn hát chỉ xếp thứ tư, đứng sau đào kép chánh, phụ và độc lẳng nên chỉ lãnh lương bậc 4. Nhưng khi tôi về Nhà hát Trần Hữu Trang đã lãnh lương hạng A, bằng với vai chánh”. Thật vậy, mấy chục năm nay tên tuổi Bảo Quốc luôn được khán giả ái mộ bởi chất hài nghiêm túc và sâu sắc. Làm nghề bấy lâu ông không hề có một câu nói bậy, nói tục hay lạm dụng hình thể trên sàn diễn. Dù đã lớn tuổi không còn hoạt động nhiều nhưng mỗi khi ông bước ra sân khấu, khán giả vẫn vỗ tay nhiệt liệt.
Tiếp nhận nền nếp, truyền thống gia đình tốt đẹp từ bà bầu Thơ nên mấy mươi năm gia đình Bảo Quốc luôn đầm ấm, thủy chung. Đi đâu người ta cũng thấy ông bà sánh đôi, nói năng nhỏ nhẹ. Về nhà thì bà quán xuyến hết mọi việc để ông chuyên tâm làm nghệ thuật. Những đứa con đều ăn học đàng hoàng, có cơ sở làm ăn rất lớn ở Việt Nam lẫn bên Mỹ. Riêng cô con gái Hồng Loan theo nghề sân khấu, dù sống ở Mỹ. Cháu nội Gia Bảo kế thừa máu làm bầu của bà cố Nguyễn Thị Thơ, rất mát tay, làm sô nào, vở nào cũng thắng. Mấy năm nay ông bà Bảo Quốc đi Mỹ như đi chợ vì quá mê cháu nội, ngoại, cứ qua thăm suốt, mà mỗi lần thăm là mấy tháng trời, chỉ quay về khi nào Bảo Quốc phải tập tuồng, biểu diễn. Qua Mỹ, đại gia đình ấy vẫn tập trung với nhau vào cuối tuần để nấu ăn, mua sắm, ca hát. Đặc biệt, đứa cháu nội, con của con trai thứ, mới vô tiểu học thôi mà đã ca vọng cổ ngọt lịm, khiến Bảo Quốc sung sướng.
Vũ Anh
>> Dấu son Thanh Minh - Thanh Nga - Kỳ 4: Sóng gió thăng trầm
>> Dấu son Thanh Minh Thanh Nga - Kỳ 3: Đại gia đình nghệ thuật
>> Dấu son Thanh Minh - Thanh Nga - Kỳ 2: Đầm ấm với 2 dòng con
>> Dấu son Thanh Minh - Thanh Nga: Cơ đồ trong tay nữ tướng
Bình luận (0)