Phép màu cho bệnh nhân
Ngồi cạnh giường bệnh của con tại khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ, chị Đ.K.P (ngụ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) không khỏi xúc động khi nhìn con tỉnh táo, nói chuyện với bác sĩ. Em T.T.Đ.Q (16 tuổi) con chị P. đang hồi phục kỳ diệu sau những thời khắc tưởng chừng khó giữ được mạng sống bởi tình trạng sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa cơ quan, viêm phổi cấp, suy tim cấp… Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, gắn máy trợ thở thông số cao và sử dụng đến 3 thuốc vận mạch liều cao để nâng huyết áp duy trì sự sống.
BVĐK Trung ương Cần Thơ là cơ sở y tế trọng điểm, chuyên sâu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ĐBSCL |
Các bác sĩ đã quyết định can thiệp ECMO (ô xy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể hay còn gọi là tim, phổi nhân tạo - PV) hỗ trợ cả tim và phổi cho bệnh nhân. Kỹ thuật vốn được xem là cơ hội cuối cùng cho những bệnh nhân nguy kịch. Kỳ diệu là sau một tuần can thiệp, Q. đã tỉnh táo, gọi biết, ngưng ECMO thành công, các dấu hiệu sinh tồn khả quan. Biết con gái đã thoát khỏi tử thần, chị P. mắt ngấn lệ: “Thực sự cảm xúc của gia đình không thể diễn tả được. Các bác sĩ nỗ lực hết sức mình để đem con tôi từ cõi chết trở về”.
Những năm qua, khó có thể liệt kê hết những ca nguy kịch như bé Q. được các bác sĩ BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu thành công. Nhiều trường hợp hồi sinh như phép màu giống như cô gái bị tai nạn xe ben cán ngang người; những ca nhồi máu cơ tim vào viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Hay rất nhiều trường hợp phẫu thuật tim nặng đa tổn thương như u nhầy kèm hở van động mạch chủ nặng, suy tim nặng… Cùng với đó là rất nhiều bệnh nhân đột quỵ, vỡ túi phình mạch não, tai nạn vỡ gan, vỡ lách, dị vật xuyên sọ, sốc nhiễm trùng nguy kịch… đã được cứu sống.
Đặc biệt, năm 2021, BVĐK Trung ương Cần Thơ phải chia thành 2 chiến tuyến. Một nơi là tuyến đầu điều trị COVID-19 riêng biệt và một nơi là các khoa, phòng chuyên môn khác cũng phải nỗ lực gấp bội để vừa chống dịch, vừa khám chữa bệnh an toàn, hiệu quả cho nhân dân. Chỉ trong 7 tháng, đã có hơn 1.100 ca COVID-19 nặng nguy kịch được tiếp nhận, điều trị. Nhiều trường hợp được cứu sống kỳ diệu như những ca can thiệp ECMO sản khoa giữ được tính mạng cả mẹ lẫn con.
Ê kíp phẫu thuật tim của BVĐK Trung ương Cần Thơ đang phẫu thuật cho bệnh nhân |
Đình Tuyển |
Vai trò bệnh viện tuyến cuối
Theo BS.CK2 Ông Huy Thanh, Phó giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ, sự phát triển của BVĐK Trung ương Cần Thơ có ý nghĩa rất lớn với các BV tuyến trước không chỉ trong hỗ trợ cấp cứu mà còn trong đào tạo nhân lực. “Chẳng hạn, nhiều trường hợp chấn thương sọ não hay vết thương mạch máu vượt quá khả năng, chúng tôi không thể chuyển đi thì BVĐK Trung ương Cần Thơ đều sẵn sàng cử ê kíp qua cùng chúng tôi cấp cứu cho bệnh nhân”, BS Thanh nói.
Cũng đánh giá cao vai trò tuyến cuối của BVĐK Trung ương Cần Thơ, BS.CK2 Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc BVĐK tỉnh Hậu Giang cho rằng, sự phát triển của BVĐK Trung ương Cần Thơ là cả quá trình đầu tư bài bản. “15 năm trước, khi dời về cơ sở mới, BVĐK Trung ương Cần Thơ đã có một chiến lược quy hoạch, đào tạo nhân lực rất rõ ràng cùng với thu hút nhân tài. Sau vài năm, nhân lực được đào tạo trở về cộng với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại đã giúp BV nhanh chóng triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Đặc biệt các chuyên khoa như mổ tim, can thiệp mạch, chấn thương chỉnh hình…”, BS Phúc nói.
Cũng theo BS Phúc, khi chất lượng điều trị tại BVĐK Trung ương Cần Thơ được nâng lên thì người dân ĐBSCL được hưởng lợi đầu tiên. “Có thể thấy rõ nhất ở các trường hợp mổ tim, can thiệp mạch, đột quỵ… những ca cấp cứu vốn phải chắt chiu từng phút, từng giây. Khi BVĐK Trung ương Cần Thơ làm chủ được các kỹ thuật chuyên sâu, những ca cấp cứu nặng như vậy không phải chuyển lên tuyến trên nữa. Điều đó cũng có nghĩa là không còn mất 3 - 4 giờ vàng để di chuyển và cơ hội cứu sống của bệnh nhân cao hơn rất nhiều”, BS Phúc chia sẻ.
Mục tiêu bệnh viện hạng đặc biệt
Nhiều năm qua, Bộ Y tế đã quan tâm, xác định BVĐK Trung ương Cần Thơ là cơ sở y tế trọng điểm, chuyên sâu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ĐBSCL. Mục tiêu là sớm đưa BV này trở thành BV hạng đặc biệt của Bộ Y tế vào năm 2025.
BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết từ chỉ đạo của Bộ Y tế, BV đã không ngừng nỗ lực phát triển cả về chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện rất nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu đã được triển khai thường quy như: Phẫu thuật tim hở, phẫu thuật nội soi ổ bụng, khớp gối, khớp vai, thay khớp gối, khớp háng, phẫu thuật phình động mạch chủ, phẫu thuật thần kinh, vi mạch máu, vi phẫu tạo hình thẩm mỹ. Cùng với đó là phẫu thuật cột sống, lồng ngực, mạch máu, sản khoa. Các kỹ thuật can thiệp mạch như can thiệp vành, mạch não, nội mạch điều trị chấn thương gan, thận, lách… Đặc biệt, bệnh viện đã trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại như: 3 hệ thống máy DSA (trong đó có 1 hệ thống DSA hai bình diện); 2 máy MRI, trong đó có 1 máy 3.0 TESLA hiện đại nhất hiện nay; 3 máy CT Scanner đa lát cắt, máy nội soi phóng đại, siêu âm đo độ đàn hồi gan Fibroscan, siêu âm xuyên sọ; 7 máy lọc máu liên tục; 3 hệ thống ECMO…
Người dân ĐBSCL không phải lặn lội đi xa, tốn thêm chi phí khi phải dồn lên tuyến trên như trước đây |
Về cơ sở hạ tầng, BV cũng chuẩn bị xây dựng khu phức hợp để mở rộng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, khoa Đột quỵ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và khu hành chính bệnh viện. Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ được đưa vào công tác chẩn đoán và điều trị. “Trước mắt, đến năm 2023, BV sẽ phấn đấu nâng từ 1.000 lên 1.200 giường. Cùng với đó là chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực để triển khai đề án ghép tạng, phẫu thuật tim nhi, phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu, thành lập đơn vị nhịp học triển khai điện sinh lý, thành lập đơn vị nhi - sơ sinh nhằm phát triển toàn diện hơn. Mục tiêu cao nhất là không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để phục vụ người dân ĐBSCL ngày một tốt hơn”, BS Phong cho hay.
Bình luận (0)