Ngày 17.8, Văn phòng UBND TP.HCM có công văn gửi Sở Y tế truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND TP về đấu thầu trang thiết bị y tế tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP (xây mới tại xã Tân Kiên và Tân Nhựt, H.Bình Chánh), trong đó ghi rõ: “Tiêu chí các thiết bị y tế phải được sản xuất chính hãng tại các nước G7 (nhóm 7 nước công nghiệp phát triển gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ý - NV), nhà cung cấp phải được ủy quyền của hãng và có cam kết bảo hành thiết bị sau khi được sử dụng”.
Liên quan vấn đề trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cũng khẳng định: “Tôi đã chỉ đạo rất sát và kỹ rất nhiều lần, đó phải là thiết bị G7, châu Âu chứ không làm khác. Nếu làm bậy mai mốt thanh kiểm tra ra ai vi phạm thì sẽ bị xử lý”.
|
Thế nhưng theo điều tra của Thanh Niên, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế - Chủ đầu tư BV Nhi đồng TP (gọi tắt là BQL) đã làm ngược lại chỉ đạo này và sửa hồ sơ mời thầu xoành xoạch dù hồ sơ đã bán đi. Trong 11 gói thầu trang thiết bị y tế trị giá khoảng 1.300 tỉ đồng được góp ý, sửa nhiều lần, được Bộ Y tế thông qua nhưng khi đưa ra mời thầu thì gói nào cũng... sửa lại, thay đổi đủ thứ, còn nhà thầu thì nộp và gia hạn hồ sơ 2 - 3 lần. Hiện nay, mới đấu thầu xong 4 gói, còn gói thầu trang thiết bị xạ trị chuẩn bị đấu thầu lần 2 và một gói thầu khác cũng vậy.
Mới đây nhất ngày 22.8.2016, BQL có công văn gửi các đơn vị mua, nhận hồ sơ mời thầu thông báo điều chỉnh gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị hồi sức đã được Bộ Y tế phê duyệt. Từ đây lộ ra hàng loạt tiêu chí cấu hình, thông số hình thiết bị không những không tăng lên mà hạ xuống so với ban đầu.
Cụ thể, máy theo dõi bệnh nhân 6 thông số yêu cầu trong hồ sơ ban đầu được Bộ Y tế duyệt là: ắc quy dự phòng dùng liên tục lớn hơn 100 phút, BQL sửa hạ xuống còn lớn hơn hoặc bằng 90 phút; nguồn pin của ắc quy cho máy có thời gian sử dụng lớn hơn hoặc bằng 2 giờ, BQL hạ xuống còn lớn hơn hoặc bằng 90 phút. Máy theo dõi bệnh nhân 7 thông số cũng hạ 2 tiêu chí này xuống tương tự. Bộ dụng cụ cấp cứu nhi yêu cầu nhà sản xuất phải đạt chất lượng quốc tế ISO 9001 hoặc ISO 13485 hay tương đương; sản phẩm cung cấp phải đạt ít nhất một trong các chứng chỉ CE (tiêu chuẩn châu Âu) hoặc FDA (Mỹ).
Thế nhưng, BQL sửa lại bỏ luôn yêu cầu sản phẩm cung cấp phải đạt ít nhất một trong các chứng chỉ CE hoặc FDA. Nhiều sản phẩm khác như bộ mở khí quản, bơm thức ăn cho trẻ, bơm tiêm gây mê theo nồng độ đích TCI, lồng ấp vận chuyển trẻ sơ sinh, máy hút điện liên tục áp lực thấp, máy làm ấm trẻ sơ sinh... tất cả đều được BQL gạch bỏ chữ: Sản phẩm cung cấp phải đạt ít nhất một trong các chứng chỉ CE hoặc FDA. Ngoài ra một số tiêu chí về bảo trì, bảo hành chính hãng... cho thiết bị đã được bỏ ra ngoài.
Sau đó BQL tiếp tục có thông báo điều chỉnh hồ sơ mời thầu gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị phục vụ khoa phòng. Nhiều mục bảo hành, bảo trì bị bỏ, các tiêu chuẩn cao CE, FDA bị bỏ ra ngoài dù hồ sơ ban đầu có đưa vào.
Chi tiền để thông thầu (!?)
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, một công ty chuyên về trang thiết bị y tế có đơn “tố” công ty tư vấn đấu thầu BV Nhi đồng TP là Công ty Mediconsul VN. “Công ty tư vấn sẽ lập hồ sơ mời thầu đảm bảo đề xuất các tiêu chí phù hợp với thiết bị của chúng tôi tham gia đấu thầu, chúng tôi sẽ thanh toán phí tư vấn cho đơn vị tổng cộng 5% giá trị trúng thầu cho mỗi gói thầu. Chúng tôi đã nộp trước cho công ty 2%”, đơn cứu xét nêu. Tuy nhiên, sau đó Mediconsul VN đã điều chỉnh hồ sơ mời thầu bất lợi cho đối tác và nhiều gói thầu bị điều chỉnh như vậy. Sau nhiều lần liên hệ, phía Mediconsul VN nói rằng việc này do UBND TP và Sở Y tế quyết định, Mediconsul VN sẽ cố gắng nhờ can thiệp ở cấp trên nhưng kết quả thì không được như cam kết.
Công ty cổ phần kỹ thuật và thiết bị y tế Sài Gòn, do bà Giám đốc Cẩm Thị Thu Hiền, gửi đơn cho BQL đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu liên quan đến gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Việc điều chỉnh chấm điểm 0 nếu không đạt mục 43 - dung lượng nhiệt Anode tối đa lớn hơn hoặc bằng 3.5 MHU là nhằm hạn chế gần như phần lớn các trang thiết bị lớn có tên tuổi và chất lượng như Siemens, Philips, Toshiba và chỉ có duy nhất hệ thống thiết bị DSA của Hãng GE (Mỹ) có thể đáp ứng được. Như vậy, việc chấm điểm như trên sẽ dẫn đến việc chỉ định thầu cho Hãng GE. Công ty này cũng đề nghị giữ nguyên cách chấm điểm như hồ sơ mời thầu ban đầu chứ không sửa nữa. Công ty TNHH sản xuất và thương mại T.L dù đã trúng 2 gói thầu trang thiết bị nhưng cũng có đơn gửi UBND TP đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu của các gói thầu của BQL.
Với gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị chống nhiễm khuẩn, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên thì có 5 nhà thầu mua hồ sơ nhưng chỉ có 2 nhà thầu nộp hồ sơ, trong đó có một công ty chuyên về may mặc chẳng dính dáng gì đến trang thiết bị y tế. Theo các đơn vị, sở dĩ họ không nộp hoặc không mua hồ sơ là do một số yêu cầu trong hồ sơ mời thầu quá khắt khe, kiểu chỉ định thầu cho một ai đó khiến họ đương nhiên bị loại. Thí dụ trong gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị chống nhiễm khuẩn có đến 69 mặt hàng, có thể chia thành 2 - 3 các gói nhỏ, nhưng đơn vị tư vấn đã cố tình gom hết thành 1 gói lớn. Điều này dẫn đến việc tư vấn mời thầu đưa ra quy định năng lực nhà thầu quá cao khiến các nhà thầu nhỏ và vừa “văng” ra ngoài như: Giá trị hợp đồng tương tự đã thực hiện là 70 tỉ đồng và doanh thu hằng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh tối thiểu là 138 tỉ đồng. Điều này cũng có thể dẫn đến 2 nguy cơ, buộc các nhà thầu nhỏ có từng mặt hàng độc lập đang là đại lý trực tiếp cho các hãng thiết bị nước ngoài bán hàng lại cho nhà thầu trúng thầu, vì thế giá cả sẽ đắt đỏ hơn. Mặt khác, vì chỉ có ít nhà thầu đủ năng lực nên họ có thể làm giá đẩy giá lên cao.
Song song đó, đơn vị tư vấn đã chia nguồn gốc xuất xứ thiết bị ra làm 3 nhóm, trong đó họ chẻ thiết bị nhóm G7 ra làm 2 để đánh giá và chênh lệch giữa 2 nhóm đến 20% là không khoa học. Nhóm còn lại đơn vị tư vấn đã “lùa” vào một “chuồng” tất tần tật các thiết bị, tức đánh đồng hàng Trung Quốc, hàng các nước kém phát triển với các nước tiên tiến khác như Hàn Quốc, Thụy Điển, Phần Lan... Với cách làm như vậy, rõ ràng họ đã nhắm vào một nhóm hàng nào đó là thiếu sự lành mạnh.
Lắp camera giá... khủng
UBND tỉnh Long An vừa chỉ đạo Sở Nội vụ tỉnh này tham mưu cho ủy ban việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo Sở Y tế Long An trong việc để xảy ra sai phạm ở gói thầu lắp đặt camera tòa nhà 4 cơ quan thuộc Sở.
Theo kết luận của thanh tra tỉnh, tháng 4.2014, Công ty TNHH TM DV Đông Nam Á (Công ty Đông Nam Á) đề xuất gói thầu lắp đặt camera cho tòa nhà 4 cơ quan (thuộc Sở Y tế), gồm: lắp đặt 15 camera an ninh, trong đó có 2 camera quay quét 360 độ (giá 171 triệu đồng/cái) và 13 camera hồng ngoại cố định giá 77 triệu đồng/cái. Tổng giá trị gói thầu 1,92 tỉ đồng, thiết bị “đúng hiệu” của Nhật Bản và Mỹ, thời gian thực hiện 60 ngày. Tuy nhiên, đến ngày 12.7.2014, Công ty Đông Nam Á xin thay đổi xuất xứ các thiết bị. Cụ thể chuyển hạng mục từ ti vi Sony xuất xứ Nhật Bản đổi sang ti vi Sony xuất xứ Malaysia. Đối với ổ cứng lưu trữ Seagate (xuất xứ Mỹ) đổi sang ổ cứng Western xuất xứ Thái Lan (ti vi và ổ cứng nằm trong bộ camera theo dõi). Riêng thiết bị camera xuất xứ Nhật Bản đổi sang xuất xứ Trung Quốc, thời gian thực hiện cũng xin kéo dài thành 150 ngày. Tất cả những thay đổi này đều được Sở Y tế đồng ý.
Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai sót trong hồ sơ đấu thầu, như: cán bộ thẩm định giá không làm rõ nhiều tiêu chí đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, dẫn đến việc xét trúng thầu cho Công ty Đông Nam Á không đủ năng lực tài chính và phải điều chỉnh thời gian kéo dài. Đối với việc thay đổi xuất xứ thiết bị, ký phụ lục hợp đồng không điều chỉnh giá dẫn đến thanh toán cho nhà thầu cao hơn thực tế, chênh lệch gần 700 triệu đồng... theo kết luận thanh tra, trách nhiệm những sai phạm trên thuộc về BQL điều hành công trình (thuộc Sở Y tế).
Khôi Nguyên
|
Bình luận (0)