Đấu thầu tập trung cấp quốc gia để giảm giá thuốc

25/08/2017 06:13 GMT+7

Đấu thầu tập trung thuốc quốc gia đang được Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương thực hiện, nhằm đưa thuốc về đúng giá mà người bệnh đáng được hưởng.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, cho biết:
Thực tế các năm qua cho thấy, tổng chi phí thuốc do Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả có xu hướng giảm về tỷ trọng trong tổng chi phí cho khám chữa bệnh BHYT: từ khoảng 60% giảm còn 55 - 58%. Tuy nhiên, số tiền thực chi cho tiền thuốc thì vẫn tăng đều, trong đó năm 2016 chi phí cho tiền thuốc do Quỹ BHYT chi trả là 32.000 tỉ đồng trên tổng số khoảng 63.000 tỉ đồng thanh toán cho khám chữa bệnh BHYT; năm 2015 chi phí cho tiền thuốc là 26.000 tỉ đồng.
Ông Phạm Lương Sơn
Trong quá trình giám định, thanh tra, kiểm toán cũng cho thấy tình trạng lạm dụng trục lợi Quỹ BHYT vẫn diễn biến phức tạp với việc sử dụng thuốc không hợp lý, thuốc trúng thầu giá cao; sử dụng thuốc hàm lượng và dạng bào chế không phổ biến, ít số đăng ký, thậm chí gần như chỉ định thầu làm đẩy giá thuốc lên cao. Đặc biệt là sử dụng thuốc biệt dược gốc giá cao (chiếm đến 25% tổng chi tiền thuốc) chiếm tỷ trọng lớn với chi phí “khủng”. Vấn đề này đã được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tăng cường các giải pháp kiểm soát chi phí khám bệnh BHYT nói chung và chi phí thuốc nói riêng, giao BHXH VN và Bộ Y tế thực hiện. Một trong những giải pháp đó là khẩn trương thực hiện đấu thầu tập trung thuốc.
Điểm lợi của đấu thầu tập trung cấp quốc gia là gì, thưa ông?
Trước hết, đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia với số lượng lớn sẽ có giá tốt hơn, giá giảm hơn, hợp lý hơn và đưa về đúng giá mà người dùng đáng được hưởng. Cùng với đó là đảm bảo công bằng cho người bệnh. Vừa qua, việc đấu thầu thuốc tập trung tại cấp tỉnh nên có sự chênh lệch giá ở các vùng khác nhau với cùng một thuốc. Thậm chí, từng có tình trạng giá chênh nhau 5 - 7 lần giữa các địa phương với cùng một thuốc trúng thầu vào bệnh viện.
Chính phủ đã chỉ đạo giảm 10% so với giá đã trúng thầu trong thời gian qua. Nếu thực hiện tốt yêu cầu này, giá trị tiền thuốc thuộc 10 hoạt chất đấu thầu tập trung trong năm 2017 khoảng 500 tỉ đồng; ước giảm 10% với “nhóm nhỏ” này đã tiết kiệm được 50 tỉ đồng. Số tiền này đủ mua hơn 1 triệu thẻ BHYT cho người nghèo.
Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là phải đảm bảo đủ thuốc điều trị, chất lượng phải đảm bảo với giá phù hợp.
Trước mắt sẽ lựa chọn thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia như thế nào?
Bộ Y tế đã thành lập trung tâm đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia. Trong năm nay, trung tâm thực hiện đấu thầu các nhóm thuốc với 5 hoạt chất. Bên cạnh đó, BHXH cũng thực hiện đấu thầu tập trung thuốc với 5 hoạt chất khác, không trùng với 5 hoạt chất mà Bộ Y tế đã đấu thầu để tránh chồng chéo. Đấu thầu thuốc tập trung lựa chọn các thuốc có số lượng và giá trị sử dụng lớn; các loại thuốc có nhiều số đăng ký (tối thiểu từ 3 số đăng ký trở lên để đảm bảo tính cạnh tranh) hoặc biệt dược có 2 số đăng ký nhưng không thuộc danh mục đàm phán giá.
BHXH đã bổ sung nhiệm vụ cho trung tâm giám định và thanh toán đa tuyến phía bắc xây dựng kế hoạch chọn thầu, hồ sơ mời thầu, tổ chức xét thầu, dự kiến tháng 12 năm nay có thể công bố những nhà trúng thầu để cung ứng thuốc đó cho các cơ sở khám chữa bệnh ngay từ đầu năm 2018.
Nếu thuốc giả, thuốc kém chất lượng qua đấu thầu “trót lọt” cung ứng vào bệnh viện, ai sẽ chịu trách nhiệm trước người bệnh?
Với những thuốc đấu thầu kém chất lượng, trước tiên nhà thầu (đơn vị cung cấp thuốc) chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng các thuốc được tham gia thầu, trước hết phải là các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Để được cấp số đăng ký, thuốc đó cũng đã qua hội đồng thẩm định, xét duyệt.
Trong nước hiện có 1.200 mặt hàng thuốc biệt dược gốc, bằng 5% tổng số mặt hàng thuốc trên thị trường, chi phí thanh toán là 8.162 tỉ đồng, bằng gần 25% tổng chi cho tiền thuốc. Nguyên nhân cơ bản là các loại thuốc biệt dược gốc được đấu thầu ở một nhóm riêng, tạo sự độc quyền. Đồng thời, không có cơ chế để kiểm soát giá đối với các loại thuốc này. Theo công bố của Bộ Y tế, đã có 101 thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền đã có thuốc Generic nhóm 1 có tác dụng điều trị tương tự có thể thay thế. Tổng chi phí của 101 thuốc này là 2.024 tỉ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của thuốc Generic nhóm 1 tương ứng, sẽ tiết kiệm được trên 500 tỉ đồng. (Nguồn: BHXH VN)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.