Đau thốn gót chân

16/07/2010 16:18 GMT+7

Hỏi: Kính gửi bác sĩ và tòa soạn, tôi là nữ, 52 tuổi, mắc bệnh đau lưng đã lâu, gần đây lại thêm tình trạng đau thốn gót chân, khiến tôi không thể đứng hay ngồi chồm hổm thoải mái như trước được vì rất đau. Tôi có châm cứu nhưng không thấy bớt. Mong bác sĩ tư vấn giúp: tôi mắc bệnh gì, việc chữa trị ra sao? Cảm ơn nhiều.

- Trả lời: Chị bị đau thắt lưng, nay lại đau thốn gót chân, như vậy chị vừa có vấn đề với thắt lưng, vừa có vấn đề với cân gan bàn chân. Khi cân gan bàn chân bị viêm sẽ gây đau vùng gót và lòng bàn chân, trong đa số trường hợp khi chụp phim X-quang thấy có gai xương gót. Tuy nhiên, gai xương gót không phải nguyên nhân của hiện tượng đau này. Việc điều trị bao gồm dùng các thuốc kháng viêm, hạn chế đi lại nhiều và sửa lại miếng lót giày hoặc mang loại giày dép phù hợp, gót giày không quá cao, bề mặt gót không quá cứng và giữ bàn chân ổn định, không bị xê dịch nhiều khi đi.

Đối với vấn đề đau thắt lưng thì thường do các biến chứng của quá trình thoái hóa cột sống như: thoát vị đĩa đệm, xơ hóa phì đại khớp cột sống, dây chằng cột sống, viêm gân cơ cạnh sống… gây ra. Phương pháp điều trị đầu tiên là tập vật lý trị liệu, ngoài các bài tập nhằm làm căng cơ hoặc giãn cơ, dây chằng… người ta còn áp dụng các biện pháp như nhiệt trị liệu, chườm nóng, chườm lạnh, hồng ngoại, sóng ngắn, laser, hay xoa bóp. Nếu vật lý trị liệu không giúp được thì có thể phối hợp thêm với các thuốc kháng viêm, giãn cơ. Nếu đã phối hợp cả hai phương pháp mà không đỡ thì các bác sĩ thường cho chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng để xem có cần thiết phải mổ hay không.

Khi đau cột sống thắt lưng, ngồi xổm hoặc ngồi chồm hổm là những động tác cần tránh, những động tác này cần tránh ngay cả khi không bị đau thắt lưng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài, khi ngồi xổm hoặc ngồi chồm hổm, áp lực bên trong đĩa đệm rất cao, lực tác động trên các dây chằng của cột sống rất lớn, bao đĩa đệm dễ bị vỡ ra, các dây chằng dễ bị rách đứt. Tư thế ngồi được coi là an toàn là ngồi sao cho trục của đùi và trục của thân mình tạo thành góc vuông hoặc góc tù chứ không được tạo thành góc nhọn.

Trường hợp của chị nếu tập không đỡ đau thì phải khám tại các bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh hoặc chấn thương chỉnh hình, hoặc chuyên khoa cơ xương khớp. Điều trị bằng thuốc bắc hay đông y nói chung cũng có thể có kết quả nếu điều trị đúng cách.

Chúc chị mau hết bệnh!

Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.