Đấu trộm nước sạch sông Đà: Khách hàng bị xử lý thế nào?

09/01/2023 19:12 GMT+7

Vụ việc đấu trộm nước sạch sông Đà được cho là lớn nhất từ trước đến nay đang gây xôn xao dư luận, khách hàng sẽ bị xử lý như thế nào?

Như Thanh Niên đã đưa tin, Công ty CP Viwaco mới đây có đề nghị Công an Q.Cầu Giấy (Hà Nội) lập biên bản, ghi nhận hiện trạng vụ việc đấu trộm nước sạch sông Đà được cho là lớn nhất từ trước đến nay.

Đường ống đấu nối nước sạch trái phép bị phát hiện

khắc hiếu

Theo đại diện công ty, cuối tháng 12.2022, trong quá trình cải tạo mạng lưới cấp nước, công ty phát hiện 1 đường ống nối trái phép từ mạng lưới cấp nước vào nhà hộ dân trên đường Hồ Tùng Mậu (P.Mai Dịch, Q.Cầu Giấy). Tính toán từ đơn vị này, con số thiệt hại có thể lên tới 1 tỉ đồng.

“Do chưa làm việc được với khách hàng nên các phương án tính toán thiệt hại được công ty ước lượng. Thiệt hại cụ thể như thế nào sẽ dựa trên kết luận từ phía cơ quan công an”, đại diện công ty cho hay.

Thông tin thêm về vụ việc, ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND P.Mai Dịch, khẳng định cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: nếu xác định khách hàng đấu trộm nguồn nước với số lượng lớn như vậy (theo ước tính của Viwaco), hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, việc lén lút đấu trộm nguồn nước của Công ty CP Viwaco trái pháp luật có dấu hiệu của hành vi trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, để có căn cứ xem xét xử lý hành vi của khách hàng, cần có kết luận định giá tài sản nhằm xác định thiệt hại của Công ty CP Viwaco bị gây ra bởi hành vi đấu trộm nước.

Trường hợp thiệt hại dưới 2 triệu đồng, khách hàng có thể bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản, theo điểm a khoản 1 điều 15 Nghị định 144/2021, với mức phạt từ 2 - 3 triệu đồng.

Trường hợp thiệt hại trên 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, khách hàng có thể bị xem xét xử lý về tội trộm cắp tài sản theo điều 173 bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều luật này có 4 khoản quy định về khung hình phạt, thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù, tùy thuộc vào giá trị tài sản mà người phạm tội gây ra.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Một vấn đề cũng được nhiều người quan tâm là: trường hợp cơ quan công an đã khởi tố điều tra mà giữa công ty và khách hàng tự thỏa thuận bồi thường với nhau, hoặc công ty đề nghị không truy cứu nữa, liệu khách hàng có bị xử lý?

Luật sư Tâm dẫn chứng điều 155 bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung). Theo đó, trường hợp tội phạm thực hiện được quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của bộ luật Hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại khi bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Nếu người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.

Như vậy, tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 173, không thuộc nhóm tội phải khởi tố theo yêu cầu của bị hại, cũng không thể đình chỉ nếu bị hại rút yêu cầu khởi tố.

Trường hợp phía bị hại có đơn xin bãi nại, đây có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người thực hiện tội phạm trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.