Đầu tư bất động sản bằng công nghệ cho người ít vốn

Đình Sơn
Đình Sơn
11/10/2021 08:10 GMT+7

Dịch bệnh đã làm thay đổi mọi thứ trong đó có việc thay đổi việc bán hàng, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản khi mà công nghệ được áp dụng để tiếp cận khách hàng, nhất là các nhà đầu tư ít vốn.

Chỉ lựa chọn các sản phẩm BĐS uy tín, Houze Invest đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có nguồn vốn nhỏ lẻ

Ảnh: ĐÌNH SƠN

Đưa công nghệ vào bất động sản

Quan sát cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 5 - 6 đơn vị tiên phong phát triển mô hình đầu tư bất động sản (BĐS) trên nền tảng công nghệ, điển hình như KSInvest của Tập đoàn Đầu tư quốc tế KSFinance, Revex của CenGroup hay Houze Invest do Houze Group triển khai.

Ông Phạm Lâm, nhà sáng lập hệ sinh thái số Houze cho biết Houze Invest thuần túy là mô hình proptech. Mô hình này là trung gian kết nối giữa những người có nguồn vốn nhỏ với chủ sản phẩm đầu tư hoặc chủ đầu tư để cùng đầu tư vào một sản phẩm BĐS đã qua kiểm định, xác minh. Ứng dụng công nghệ trên nền tảng số sẽ giúp quy trình đầu tư đơn giản và dễ dàng theo dõi các khoản đầu tư. Hiện tại, nền tảng Houze Invest có các gói đầu tư gồm gói cố định, gói linh hoạt và gói kết hợp để các nhà đầu tư có thể lựa chọn khẩu vị phù hợp với nhu cầu của mình.

Tương tự như vậy, Revex cũng là nền tảng trung gian kết nối giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư BĐS. Phân khúc khách hàng mà Revex hướng đến là các cá nhân có nguồn vốn từ 1 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Các nhà đầu tư có thể góp vốn tùy theo năng lực tài chính của mình để cùng đầu tư vào một sản phẩm được giới thiệu trên Revex.

Đây được xem là giải pháp mới giúp các chủ đầu tư thanh khoản dự án, bán được sản phẩm bởi khi dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020, tồn kho BĐS bắt đầu tăng lên, việc bán hàng cũng trở nên khó khăn do rào cản không thể tiếp cận khách hàng. Nhiều công ty BĐS đã nhanh chóng thay đổi bằng cách áp dụng nền tảng công nghệ để tiếp cận khách hàng, thu hút được nhiều nhà đầu tư có dòng vốn ít, nhàn rỗi tham gia, từ đó thúc đẩy thanh khoản thị trường, giúp chủ đầu tư giải phóng được hàng tồn.

Mặt khác, mô hình đầu tư này còn giúp các nhà môi giới khai thác được hết dữ liệu khách hàng của mình và linh hoạt trong việc chào bán sản phẩm. Cụ thể, thay vì bán sản phẩm giá trị cao đến một khách hàng thì môi giới BĐS có thể bán cho nhiều nhà đầu tư.

Về phía nhà đầu tư có nguồn vốn nhỏ, giải pháp đầu tư trên nền tảng công nghệ là cơ hội giúp họ tham gia đầu tư BĐS - vốn là lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn. So về lợi nhuận, hình thức đầu tư này vượt tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, thậm chí cao hơn việc đầu tư nhà cho thuê. Nhà đầu tư sẽ sở hữu những phần đầu tư của họ thông qua hợp đồng thông minh (smart contract) ký kết với chủ sản phẩm đầu tư. Họ có quyền chuyển nhượng những phần đầu tư đó cho người có nhu cầu mua lại.

“Nhà đầu tư sẽ sở hữu những phần đầu tư của họ thông qua hợp đồng đã ký kết với chủ sản phẩm đầu tư. Họ có quyền chuyển nhượng phần đầu tư cho người có nhu cầu mua lại trên sàn thứ cấp của Houze Invest. Ngoài ra, Houze Invest cũng cho phép các nhà đầu tư cùng mua một sản phẩm có thể biểu quyết việc bán hoặc duy trì đầu tư sản phẩm đó”, ông Phạm Lâm khẳng định.

Những mô hình đầu tư mới giúp chủ đầu tư thanh khoản dự án, giải quyết vấn đề tồn kho BĐS trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19

Ảnh: ĐÌNH SƠN

Chọn chủ đầu tư, đơn vị môi giới uy tín

Chuyên gia kinh tế - tài chính TS Cấn Văn Lực bày tỏ quan điểm cởi mở với những mô hình đầu tư như KSInvest, Houze Invest, Revex,... Tiến sĩ cho rằng việc đưa công nghệ vào trong BĐS sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư với số vốn nhỏ lẻ của mình có thể tham gia đầu tư. Tính thanh khoản của đầu tư cũng tương đối cao. Nếu có cơ chế cho phép mua đi bán lại những chứng nhận đầu tư đó (như cổ phiếu để đầu tư BĐS), thị trường sẽ tăng cao khả năng thanh khoản và còn giúp thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của người dân vào một kênh đầu tư mới.

Về hành lang pháp lý cho những mô hình kể trên, luật sư Phạm Hoài Nam, Giám đốc hãng luật Giải Phóng, cho biết đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào để điều chỉnh trực tiếp đối với hoạt động đầu tư này. Tuy nhiên, về nguyên tắc, mọi người được phép làm những gì pháp luật không cấm. Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự 2015, các quy định của luật Đầu tư 2020 được sửa đổi bổ sung, quy định của luật Xây dựng 2020, quy định của luật Kinh doanh BĐS, luật Giao dịch điện tử 2005 sẽ là một trong những cơ sở pháp lý để điều chỉnh, xử lý đối với các mô hình đầu tư.

“Đây là một loại hình đầu tư tài chính BĐS trên nền tảng công nghệ. Đấy là khái niệm tôi tạm đưa ra và trên cơ sở này, rõ ràng là các nhà đầu tư nhỏ lẻ được phép sử dụng đồng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư thông qua các ứng dụng”, luật sư Nam nói và cho biết thêm với các quy định hiện hành thì những hợp đồng giao dịch điện tử vẫn được pháp luật công nhận.

Giá trị giao dịch của hợp đồng điện tử cũng được công nhận như các giao dịch dân sự khác, các hoạt động kinh tế khác. Do đó, nhà đầu tư khi tham gia các hoạt động đầu tư này có thể yên tâm; nhưng vẫn cần phải nghiên cứu kỹ các nội dung của hợp đồng, tính pháp lý của sản phẩm mà chủ sản phẩm đầu tư đưa lên. Về khía cạnh này, ông Phạm Lâm cho biết, công ty ông chỉ chọn BĐS của những chủ đầu tư uy tín và mỗi sản phẩm được giới thiệu trên Houze Invest đều phải qua kiểm tra, thẩm định pháp lý minh bạch, đầy đủ nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân.

“Khách hàng phải chọn chủ đầu tư, những nhà môi giới uy tín và chúng ta cũng cần có sự tư vấn của các chuyên gia tài chính hoặc chuyên gia pháp lý để nghiên cứu về sản phẩm, về hợp đồng. Khi giao dịch, phải lưu lại các chứng cứ, tài liệu của giao dịch điện tử để khi có vấn đề phát sinh, tranh chấp thì có tài liệu, chứng cứ để giải quyết tranh chấp giữa các bên”, luật sư Nam khuyến cáo.

Nhiều ý kiến cho rằng, trên thế giới, mô hình này đã phát triển từ khá lâu và xuất hiện nhiều thương hiệu nổi bật làm thay đổi khá nhiều hành vi của nhà đầu tư trong ngành BĐS như: Groundfloor, PeerStreet, Roofstock One, Cadre, Fundrise (Mỹ), Crowd Estate (Estonia, Bắc Âu), PropertyShare (Ấn Độ), Brickx (Úc).

Ở Việt Nam, trong giai đoạn các mô hình đầu tư này vẫn còn khá mới mẻ như hiện tại, tâm lý lo lắng, e ngại lúc ban đầu là không tránh khỏi đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân chưa am hiểu thị trường. Do đó, ngoài việc tự trang bị cho mình các kiến thức về đầu tư BĐS, nhà đầu tư nên tìm đến những đơn vị cung cấp giải pháp đầu tư có thương hiệu, uy tín, năng lực được chứng thực để được đảm bảo quyền lợi và hạn chế rủi ro không đáng có.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.