Vì thế trong tiến trình chuẩn hóa và hội nhập quốc tế, “tiền đâu để đầu tư cho ĐH?” được xem là câu hỏi nóng hổi nhất trên các diễn đàn liên quan.
Hôm qua, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội thảo Giáo dục đại học - chuẩn hóa và hội nhập quốc tế.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay đầu tư tài chính cho giáo dục ĐH của ta rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Chẳng hạn, từ 2013 tới nay, chi ngân sách cho giáo dục ĐH chỉ chiếm khoảng 9 -10% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục; khoảng 2% so với tổng chi ngân sách nhà nước và chỉ bằng hơn 0,5% so với GDP của cả nước.
[VIDEO] Sinh viên trả lời câu hỏi "ra trường muốn mức thu nhập bao nhiêu" - Thực hiện: Truyền hình báo Thanh Niên
|
Suất đầu tư cho sinh viên ít hơn các nước trong khu vực
Theo ông Phúc, một khảo sát cho thấy phần đóng góp của người học và gia đình tại VN rất nhiều, lên tới hơn 50%. Trong khi ở các nước phát triển, nhà nước đóng góp phần lớn, phần còn lại là từ các nguồn tài trợ của xã hội. Người học chỉ đóng góp rất ít. “Chúng ta là một trong những nước mà người học và gia đình phải đóng góp nhiều nhất cho GD-ĐT thông qua học phí”, ông Phúc nói.
tin liên quan
‘Giáo dục đại học phấn đấu đuổi theo giáo dục phổ thông’PGS Thái Bá Cần, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, cho biết dù chi phí bình quân cho 1 sinh viên (SV)/năm ở VN trong những năm qua đã tăng lên (từ khoảng 9,24 triệu đồng/SV vào năm 2009 lên 16,2 triệu đồng năm 2017), nhưng: “Suất đầu tư cho 1 SV của các trường ĐH VN ít hơn nhiều lần suất đầu tư của các trường ĐH trên thế giới và ngay cả ở khu vực Đông Nam Á. Với thị trường mở như hiện nay, giá cả các thiết bị, vật tư đầu tư cho công tác giảng dạy, học tập ở các nước về cơ bản là như nhau. Do đó, với nguồn tài chính hạn hẹp, các trường VN khó có thể đạt được các chuẩn mực đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường ĐH tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”. Theo PGS Cần, đề xuất suất đầu tư nên từ 37 - 79 triệu đồng/SV/năm.
Sử dụng, kinh doanh cả bất động sản nhằm gia tăng nguồn thu
Tiền đâu để tăng suất đầu tư khi mà nguồn chi cho giáo dục ĐH công lập ở ta hiện nay chủ yếu là từ ngân sách nhà nước và từ học phí, trong khi không thể nâng mức chi ngân sách nhà nước, và học phí cũng khó mà thu quá cao? Giải pháp mà PGS Cần đưa ra là giảm số SV công lập mà ngân sách nhà nước phải chi trả. “Hiện nay số SV công lập chiếm 87% tổng số SV. Vì vậy, nếu chúng ta giảm số SV công lập đi 20% thì sẽ đạt mức chi ngân sách gần 50% GDP bình quân đầu người cho giáo dục ĐH”, PGS Cần nói.
Phát biểu tại hội thảo, GS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng nếu giữ cách chi rải như hiện nay thì tăng đầu tư bao nhiêu cũng vẫn là thấp do tổng số trường ĐH công lập hiện nay quá lớn. Nên tái cấu trúc hệ thống ĐH công, phân loại các trường để đầu tư có mục đích, giảm bớt gánh nặng ngân sách.
Còn GS Nguyễn Trọng Hoài, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lại đề xuất Chính phủ cần nới lỏng các quy định về tài chính cho trường ĐH, cho phép hoạt động theo cơ chế như một doanh nghiệp. Đây là tiền đề để trường ĐH có thể vay mượn nguồn tài chính từ thị trường tài chính, hoặc mua bán bất động sản, sử dụng bất động sản để kinh doanh dịch vụ gắn với năng lực đào tạo và nghiên cứu nhằm gia tăng nguồn thu phục vụ cho hoạt động.
Không phân biệt công, tư
|
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết đầu tư dựa trên kết quả đầu ra là hướng mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới. Theo ông Nhạ, nói các trường ĐH tự chủ không có nghĩa là cắt ngân sách mà chuyển từ việc cấp phát sang giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Việc cấp tiền cũng không phải cấp theo đề án, dự án mà cấp theo kết quả đầu ra có thể chứng minh. “Không phải cứ đăng ký trường trọng điểm thì được đầu tư mà phải căn cứ vào kết quả, năng lực thực tế”, ông Nhạ nói và cho hay các trường tư cũng có thể được đầu tư một cách bình đẳng thông qua đấu thầu, thậm chí là rót vốn. Các trường tư tốt, có năng lực có thể đấu thầu các dự án nghiên cứu dùng tiền ngân sách, như vậy khu vực công và khu vực tư cạnh tranh một cách lành mạnh về chất lượng, không có sự phân biệt.
Đi sau các nước châu Á đến 3 thập niên
Theo GS Nguyễn Trọng Hoài, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thách thức của tiến trình tự chủ ĐH VN là điểm xuất phát quá muộn, đi sau các nước châu Á khoảng 3 thập niên. Đã vậy đến thời điểm này việc thực hiện tự chủ vẫn còn trong giai đoạn thí điểm, và do còn nhiều tranh luận trái chiều nên hệ thống giáo dục ĐH của ta vẫn chưa tìm được hướng đi cụ thể. Chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế về tìm nguồn thu cho trường ĐH, GS Hoài đề cập các chính sách tạo nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu. Theo đó, nguồn tài chính của trường ĐH đến từ 3 nguồn: hỗ trợ của chính phủ; tài trợ của các quỹ nghiên cứu của chính phủ; các nguồn khác từ chính phủ, tư nhân, quốc tế, nguồn thu do trường ĐH tạo ra.
|
Bình luận (0)