Đầu tư cho văn hóa Đà Nẵng

12/02/2014 10:37 GMT+7

Ngày 11.2, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trần Thọ đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo các sở ngành và quận, huyện nhằm mổ xẻ những vấn đề liên quan đến văn hóa tại Đà Nẵng đang bị xếp ở thứ hạng 39 so với cả nước.

Đầu tư cho văn hóa Đà Nẵng
Lễ hội Đình làng Túy Loan - một trong những lễ hội nổi tiếng về văn hóa của Đà Nẵng - Ảnh: Diệu Hiền

Thiếu đầu tư cho văn hóa

Trong báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương của Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế NCIEC, Đà Nẵng là địa phương xếp thứ 39 về lĩnh vực phát triển văn hoá trong các tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, trong một xếp hạng khác của trung ương, Đà Nẵng là 1 trong 3 tỉnh, thành có đầu tư kinh phí thấp nhất cho lĩnh vực văn hoá. “Đây là xếp hạng không thể chấp nhận được. Chúng ta là một thành phố trung ương, là thành phố trọng tâm của miền Trung, và một trong những thành phố lớn của cả nước, nhưng lại thua cả những tỉnh miền núi, các tỉnh nghèo về việc đầu tư cho văn hoá, đó là vấn đề không thể chấp nhận được. Đã đến lúc chúng ta cần phải có những quyết sách quyết liệt trong đầu tư cho văn hoá. Kinh tế, môi trường của chúng ta đã phát triển rồi, nhưng văn hoá thì chưa xứng tầm, chứ chưa nói là quá thấp”, ông Trần Thọ nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề đầu tư cho văn hóa của TP.Đà Nẵng, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL cho hay, từ năm 2010-2013, mức đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng mỗi năm từ 15-25 tỉ, nhưng đến năm 2013 thì tụt xuống còn 8,4 tỉ... Mức đầu tư quá thấp nên việc xây dựng các thể chế văn hóa gặp quá nhiều khó khăn. Ông Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.Đà Nẵng đưa ra một con số hết sức cụ thể trong vấn đề đầu tư: trong năm 2013, Đà Nẵng đầu tư cho xây dựng cơ bản là 7.300 tỉ đồng, riêng văn hóa chỉ có 18 tỉ đồng (chiếm 0,002%, trong đó có nhiều hạng mục đến nay vẫn chưa giải ngân). Trong 4.100 tỉ chi thường xuyên thì văn hóa-du lịch chỉ 67 tỉ đồng, chiếm 0,016% trong tổng mức đầu tư. “Rõ ràng, mức chi cho văn hóa hiện nay có tỉ lệ quá sức thấp trong tất cả những mục chi khác”, ông Vũ Hùng nói thêm. Ông Bùi Công Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật TP.Đà Nẵng kể lại câu nói vui mà ông nghe được, đó là chỉ cần xin một chân cầu Thuận Phước để đầu tư cho văn hóa, thì sẽ làm được khá nhiều điều cho văn hóa Đà Nẵng.

Ông Bùi Công Minh, đưa ra một ví dụ đáng buồn, ví như việc tổ chức “Ngày thơ” ở Đà Nẵng, trong khi nhiều tỉnh còn rất nghèo mỗi năm dành đến 200 triệu đồng để tổ chức, thì Đà Nẵng chỉ chi ra 15 triệu đồng, quá ít ỏi để thực hiện một chương trình. “Tôi dự Ngày thơ tổ chức ở Đà Nẵng rồi, buồn tẻ và đơn điệu, hầu như không nhận được sự quan tâm nào của các cấp lãnh đạo; không có điểm nhấn, không có gì để nhớ! Một vấn đề liên quan rất gần đến văn hóa mà như vậy...”, ông Huỳnh Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP.Đà Nẵng chia sẻ.

Đối xử thiếu thận trọng với các thiết chế văn hóa

Bên cạnh việc đầu tư kinh phí quá thấp cho vấn đề văn hóa, thì việc đối xử với các thiết chế văn hóa ở Đà Nẵng cũng là một trong những vấn đề mà các đại biểu tham gia cùng nhau bàn luận sôi nổi. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL đưa ra nhận định: “Chúng ta cần thận trọng đối xử với các thiết chế văn hóa. Ví dụ như thư viện, đã dự định di dời rồi, giờ lại tiếp tục di dời tiếp. Trung tâm văn hóa thành phố di dời 3 lần rồi, đến nay vẫn chưa biết thế nào! Hiện nay tại các quận, huyện, các hoạt động văn hóa muốn hoạt động đều phải sử dụng những trung tâm thể thao... Vì vậy, đầu tư cho văn hóa của Đà Nẵng, theo tôi, việc đầu tư cho xây dựng các thiết chế văn hóa là nóng nhất!”.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đưa ra nhận xét của mình về các thiết chế văn hóa của Đà Nẵng: Hiện Đà Nẵng thiếu vắng quá nhiều thiết chế văn hóa lớn - không có quảng trường trung tâm đúng nghĩa; thư viện hiện giờ không thể gọi là thư viện khi sách thì thiếu lại mục nát; nhà hát thành phố không đúng thiết chế của nhà hát lớn; công viên thì chỉ có một, tết Giáp Ngọ vừa qua lại quá tải; các điểm vui chơi, các thể chế văn hóa cơ sở không có... “17 năm qua chúng ta đã đầu tư rất mạnh cho việc xây đường, cầu, xây dựng thành phố đẹp rực rỡ như hôm nay. Nhưng giá mà chúng ta trích một phần nhỏ trong ấy để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thì không thể bị hụt hẫng như ngày hôm nay, để phải đánh giá thấp trong bảng xếp hạng về văn hóa!”, ông Nguyễn Xuân Anh nói. “Chúng ta quá ít di tích so với các tỉnh, thành lân cận, nên phải chăm chút hơn cho những thứ đã có! Đằng này, việc đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa còn quá ít ỏi!”, ông Huỳnh Văn Hoa nói thêm.

Phải đầu tư, phát triển văn hóa

Trước rất nhiều ý kiến đóng góp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể và tích cực. “Đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài, chứ không phải một sớm một chiều. Phải làm ngay từ bây giờ mới kịp. Chúng ta phải làm ngay, làm quyết liệt chứ không phải là tính toán nữa. Chúng ta đang đầu tư cho văn hóa quá thấp, không đầu tư thì làm sao đòi hỏi sản phẩm được? Tôi chỉ đạo là trong năm nay, chúng ta phải tăng cường đầu tư. Đầu năm thì không kịp rồi, vậy phải điều chỉnh 6 tháng cuối năm 2014 phải tăng đầu tư cho văn hóa. Năm 2014 phải tăng kinh phí lên 1,5 lần, năm 2015 tăng lên 2 lần, rồi theo đà đó tăng lên theo các năm. Nếu thiếu kinh phí thì lấy kinh phí dự phòng bỏ vào”, ông Trần Thọ chỉ đạo. “Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, UBND TP.Đà Nẵng căn cứ vào đó mà triển khai, không bàn nữa mà phải thực hiện”, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nhắc nhở lần nữa, thể hiện quyết tâm và mục tiêu đặt ra của lãnh đạo thành phố là quyết liệt đầu tư mạnh để vực dậy văn hóa Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Trần Thọ cũng chỉ ra những việc cụ thể phải làm ngay như: Tập trung xây dựng công viên văn hóa và vui chơi giải trí Đông Nam Đài tưởng niệm; nâng cấp công viên 29.3; công viên Khuê Trung - công viên Thanh Niên dứt khoát phải triển khai trong năm 2014-2015; các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em ở các xã, phường nếu không sửa chữa được thì chuyển đổi thành công viên mini cho người dân; nâng cấp thư viện cũ, tính toán xây dựng thư viện mới; nâng cấp Bảo tàng điêu khắc Chăm trong năm 2014-2015; Quy hoạch triển khai địa điểm xây dựng Trung tâm văn hóa thành phố; từ nay đến 2015, phải đề xuất 1 công trình trọng điểm trong lĩnh vực văn hóa; việc thu hút đào tạo nhân tài cho ngành văn hóa cũng phải xúc tiến trong thời gian gần nhất...

 Đầu tư cho văn hóa Đà Nẵng

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.