1.000 tỉ đồng chưa phải là con số rất lớn, nhưng ý nghĩa của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia vừa ra mắt lại vô cùng lớn, khi nó nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ của đất nước thông qua hỗ trợ các tổ chức - mà trọng tâm là các doanh nghiệp.
Lấy đổi mới công nghệ ở doanh nghiệp (DN) làm trọng tâm thực sự là một tư duy rất mới, hy vọng nó sẽ dẫn dắt thành công tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của VN.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng khoa học công nghệ lạc hậu, phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài là tử huyệt của kinh tế VN. Theo một điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), hiện có đến 80% máy móc của DN vừa và nhỏ được sản xuất từ năm 1990. Còn theo một nghiên cứu của Viện Quản lý kinh tế T.Ư thì 97% DN gặp khó khăn trong việc nâng cấp công nghệ; 42% số DN cho biết chỉ có thể đầu tư công nghệ mới so với chính DN (mới hơn công nghệ cũ đã dùng); 55% DN có công nghệ mới so với thị trường và chỉ có 3% DN có công nghệ mới của thế giới.
Trong khi đó, 2 yếu tố chính quyết định đến tăng trưởng kinh tế là nguồn lực (gồm vốn, nhân lực, quản trị…) và công nghệ của DN.
Có lẽ đây chính là lý do khiến mặc dù có rất nhiều cố gắng, nhưng năng lực cạnh tranh công nghiệp của VN vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực. VN bị tụt hậu so với Indonesia 15 bậc và sau Philippines 25 bậc ở thời điểm 2013.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, quỹ sẽ tập trung đầu tư cho các DN vừa và nhỏ. Đây là hướng hoàn toàn đúng vì điều kiện tiếp cận vốn của các DN này hạn chế hơn DN lớn. Tuy nhiên, để cho đồng vốn nhỏ nhưng quý, thực sự trở thành chìa khóa tạo động lực, ngoài tài trợ vốn cho DN nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, nhập khẩu công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài phục vụ đổi mới công nghệ, bảo lãnh vốn vay… cơ quan vận hành quỹ nên có cơ chế định hướng, hỗ trợ DN lựa chọn công nghệ. Bởi vì, có thực tế, VN đang nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn và thiết bị, công nghệ mà DN mua, hiện phần lớn là từ Trung Quốc. Nhưng những công nghệ mà DN VN áp dụng vẫn chủ yếu sử dụng sức người (80% số DN đang sử dụng máy, thiết bị do con người vận hành, chỉ có 8% số DN sử dụng dây chuyền sản xuất, thiết bị được điều khiển và vận hành bằng máy). Đa phần các DN hiện có tâm lý nâng cấp công nghệ chỉ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đang sản xuất chứ ít vì mục tiêu mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Những hạn chế này nếu không sớm được khắc phục, nguồn vốn sẽ chỉ có ít nhiều tác dụng ngắn hạn mà không có giá trị thay đổi trong dài hạn.
Bình luận (0)