Đầu tư hàng ngàn tỉ đồng dẫn nước tưới cho nông dân

Giang Phương
Giang Phương
05/04/2019 11:33 GMT+7

Đó là cách mà Tây Ninh áp dụng với mục tiêu phát triển nông nghiệp và chống hạn hiệu quả nhất từ trước đến nay.

Nước tưới quyết định cây trồng

Với hơn 50 ha đất trồng mía và mì ở Tây Ninh, ông Phan Trí Tuệ (ngụ P.3, TP.Tây Ninh) không khỏi băn khoăn: “Hệ thống tưới tiêu sẽ quyết định tới hướng phát triển cây trồng cũng như cho người dân biết trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng”. Ông Tuệ lý giải, do hạ tầng thủy lợi, giao thông vẫn chưa tương xứng nên hầu hết người dân phải tự định hướng trồng các loại cây dù không theo đúng quy hoạch.
Thấy được tầm quan trọng của hệ thống thủy lợi trong sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm 2018 đến nay, Tây Ninh đã đầu tư, nâng cấp nhiều nhánh kênh thủy lợi quan trọng với số vốn gần 1.500 tỉ đồng từ nguồn vốn T.Ư và địa phương. Cụ thể, dự án sửa chữa, nâng cấp kênh Tây, thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng với tổng mức đầu tư của dự án là 400 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ NN-PTNT quản lý. Hệ thống sẽ nâng cao năng lực tưới, tiêu; giảm ô nhiễm nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 4 huyện phía bắc của tỉnh Tây Ninh là Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành và TP.Tây Ninh (dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng toàn tuyến trong năm 2021).
Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa (thuộc Bộ NN-PTNT) cho biết, dự án sửa chữa, nâng cấp kênh Tây ở thời điểm hiện tại là hết sức quan trọng và kịp thời nhằm tạo nguồn phục vụ tưới ổn định cho 21.000 ha, tiêu thoát nước cho gần 9.000 ha; cấp nước tưới bổ sung cho khu vực huyện biên giới Tân Biên, kết hợp nuôi trồng thủy sản gần 6.500 ha; cấp nước công nghiệp, sinh hoạt ổn định cho một số khu vực trong tỉnh Tây Ninh; đồng thời làm kênh nhánh tách biệt nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống kênh tiêu của TP.Tây Ninh qua suối Xa Cách đổ vào kênh Tây như hiện nay, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường xung quanh...
Trong những ngày tuyến kênh được nâng cấp, anh Lê Hoàng Hải (43 tuổi, ngụ ấp 5, xã Trà Vong, H.Tân Biên) không giấu được sự phấn khởi cho biết, trước đây, 2 ha đất của gia đình lâu nay trồng lúa. Nhưng rồi, vài năm gần đây, tuyến kênh hụt nước vì lòng kênh cạn, mặt kênh hẹp, lượng nước tưới thường xuyên bị thiếu hụt nên gia đình anh cũng như những hộ xung quanh không còn mặn mà với cây lúa mà chuyển sang trồng mì. “Khổ nỗi, nếu trồng mì thì chỉ được một mùa nắng còn mùa mưa thì bỏ đất không. Nhưng sau này, tuyến kênh hoàn thành, gia đình tôi có thể trồng xen vụ lúa thay vì phải bỏ đất hoang”.

Đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông

Tính riêng 2 huyện biên giới ở phía tây sông Vàm Cỏ Đông là Châu Thành và Bến Cầu, thực tế nông dân chưa thể phát huy được lợi thế của vùng đất thuần nông nghiệp do phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên. Theo ông Trần Hoàng Thái (44 tuổi, ngụ H.Châu Thành), dù nơi đây có sông Vàm Cỏ Đông đi ngang qua với chiều dài thuận lợi nhưng vào mùa khô thiếu nước trầm trọng, người dân không thể lấy được nước tưới, chi phí tưới lớn và nhất là những vùng cách xa sông hơn 1 km.
Do đó, từ tháng 4.2018, dự án tưới tiêu khu vực phía tây sông Vàm Cỏ Đông được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt đã chính thức khởi công. Dự án có tổng giá trị đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư (vốn trái phiếu Chính phủ) đầu tư 650 tỉ đồng, còn lại sử dụng vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án sẽ được hoàn thành trong năm 2022. Công trình có nhiệm vụ dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp; đồng thời, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi cho người dân 2 huyện biên giới.
Công trình gồm kênh chuyển nước từ hồ Dầu Tiếng đưa sang dài 16,67 km, lưu lượng thiết kế đầu kênh là 14,81 m3/giây; trong đó, công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,361 km bằng cầu máng qua ống thép. Ngoài ra, công trình có kênh tưới chính dài 29,41 km, lưu lượng thiết kế đầu kênh là 12,14 m3/giây và kênh cấp 1 có tổng chiều dài 71,70 km.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.