Đầu tư hơn 100 tỉ đồng, hơn 5 năm vẫn chưa thể khởi công dự án

Nguyên Nga
Nguyên Nga
13/12/2021 13:42 GMT+7

Sau 5 năm đi lại, gõ cửa đủ các cơ quan ban ngành để có giấy phép xây dựng dự án nhà máy giết mổ hiện đại mà thành phố đã có chủ trương, nay giấy phép đã có, thế nhưng... khó khăn chưa "buông" doanh nghiệp.

Đã có chủ trương cho đầu tư và doanh nghiệp đã nhập khẩu toàn bộ máy móc trị giá hơn 100 tỉ đồng, sau 5 năm, dự án đã được cấp phép. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, dự án quá khó triển khai đúng hẹn vì… muốn làm đúng luật nhưng không được.

Đất thuộc tài sản của doanh nghiệp đang chờ để đầu tư làm nhà máy giết mổ gia súc

ng.ng

100 tỉ đồng máy móc "trùm mền”

Ngày 12.12, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ, thông tin sau hơn 5 năm thăng trầm, vướng mắc liên tục và sự bất đồng trong quan điểm của các cơ quan quản lý, đến ngày 24.11 vừa qua, Công ty đã được cấp giấy phép xây dựng nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ trên diện tích rộng hơn 30.000 m2 tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM. Đây là dự án do Công ty An Hạ triển khai từ 5 năm trước theo chủ trương kêu gọi đầu tư của UBND TP.HCM từ năm 2015. Công ty được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2017. Năm 2018, công ty nhập hết thiết bị, máy móc để làm nhà máy với tổng chi phí hơn 100 tỉ đồng. Thế nhưng, việc chậm trễ cấp giấy phép khiến toàn bộ máy móc của công ty nhập được trùm mền, rỉ sét từ 4 năm qua.

Bà Thắm cho biết, tổng đầu tư dự án ước tính 270 tỉ đồng, trong số đó, công ty muốn thế chấp đất vay thêm 100 tỉ mới đủ đầu tư và làm đúng tiến độ giấy phép cho phép trong vòng 12 tháng phải khởi công dự án. Thế nhưng, công văn số 3845/QÐ-UBND của UBND TP.HCM với sự tư vấn bởi Sở TN-MT đã “giáng đòn kết liễu” sự nhiệt huyết, tâm huyết và nỗ lực của nhà đầu tư. Trong đó, UBND TP.HCM cũng chỉ cho phép doanh nghiệp đóng tiền thuê đất hằng năm, thay vì 50 năm như luật định. Đến nay, công văn này lại là văn bản được coi là có hiệu lực pháp lý mới nhất để các cơ quan chức năng và công ty thi hành.

Máy móc trị giá 100 tỉ đồng được doanh nghiệp nhập về từ năm 2018 đến nay vẫn còn phủ bụi trong kho

ng.ng

Thế nên, để làm hồ sơ xin vay được tiền để xây nhà máy, các đơn vị từ Ngân hàng Nhà nước đến ngân hàng thương mại đều yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất nguyên thời gian cho phép của dự án là 50 năm, chúng tôi sẵn sàng đóng đủ hết 50 năm tiền thuê đất để được vay. Và Công ty đã nhiều lần làm đơn gửi UBND TP.HCM và Sở TN-MT cho đóng tiền thuê đất một lần từ năm 2020 đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Bà Thắm nói thẳng: “Đóng tiền thuê đất từng năm thì ngân hàng nào cho chúng tôi vay vốn để đầu tư? Trước đó, để xây dựng cơ sở hạ tầng và nhập khẩu máy móc, chúng tôi đã huy động toàn bộ nguồn tiền từ gia đình đổ vào hơn 100 tỉ đồng từ năm 2018 đến nay. Toàn bộ máy móc nhập về cũng bị rỉ sét do để không quá lâu. Chúng tôi quá khổ. UBND TP rất nhiệt tình hướng dẫn cho doanh nghiệp, về dưới các sở, cán bộ sở trả lời quan liêu thì biết bao giờ dự án mới khởi công được. Sở TN-MT không biết dựa vào quy định nào hoặc muốn phải bảo đảm nguồn thu hằng ngày của cơ quan hay sao lại tư vấn cho UBND TP.HCM không cho doanh nghiệp đóng tiền thuê đất 50 năm một lần mà… đóng từng năm một. Trong khi UBND TP.HCM đã gia hạn từ cuối năm nay đến cuối năm khác phải xóa sổ các nhà máy giết mổ kiểu thủ công. Chúng tôi đầu tư theo chủ trương thu hút đầu tư của UBND TP.HCM, làm đúng luật, sao lại cứ làm khó chúng tôi mà không dựa trên quy định pháp lý nào vậy?”.

Luật không quy định, sao cứ áp dụng?

Thực tế, chủ trương đầu tư xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại thay thế cho các nhà máy giết mổ thủ công là chủ trương của UBND TP.HCM từ năm 2015. Những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục hành chính đã kéo dài thời gian thực thi chủ trương này và đặc biệt đã khiến không ít nhà đầu tư mệt mỏi bỏ cuộc. Tuy đã sở hữu đất để xây nhà máy, nhưng thời gian xin cấp giấy phép kéo dài 3 - 5 năm vẫn chưa được khiến có nhà đầu tư đòi chuyển mục đích sử dụng, bán đất để lấy vốn đi làm việc khác. Tại cuộc họp vào tháng 11.2020 do Sở NN-PTNT tổ chức tại TP.HCM, bà Thắm đã bật khóc trước đại diện các sở ban ngành của TP và đã không kìm được cảm xúc nói rất nhiều lần muốn “nhảy lầu” tự tử vì thấy bế tắc. Bà nói nhiều lần lên gặp Sở TN-MT, cán bộ tại đây nói rõ ràng là luật không có quy định bắt phải đóng tiền thuê từng năm nhưng UBND TP.HCM “muốn” vậy.

Ngoài ra, bà Thắm chia sẻ, gia đình có 4 đời làm nghề giết mổ, nay các anh em trong gia đình bà muốn xây dựng nhà máy công nghiệp hiện đại tiếp nối nghề ông cha nên mới chật vật theo đuổi dự án thế này. “Nếu không vay được vốn để hoàn thành dự án, công ty đối diện nguy cơ phá sản khi thành phố khai tử nhà máy giết mổ thủ công và thay nhà máy hiện đại. Hiện tại, TP có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, trong đại dịch, nhà máy chúng tôi bị đóng cửa hoàn toàn vì F0, nay chúng tôi khẩn thiết lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở TN-MT xem xét kiến nghị và có hướng hỗ trợ giải quyết cho doanh nghiệp sớm ngày nào chúng tôi cảm ơn ngày đó”, bà Thắm khẳng định.

Theo luật Ðất đai năm 2013, doanh nghiệp sử dụng đất cho mục đích sản xuất, kinh doanh được lựa chọn hình thức thuê đất đóng tiền hằng năm hay một lần cho cả thời gian thuê. Cũng tại cuộc họp cuối tháng 11.2020, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng cho rằng việc không cho Công ty An Hạ nộp tiền thuê đất một lần là quá cứng nhắc và hoàn toàn không đúng quy định. Đất mà Công ty An Hạ xây dựng nhà máy là của công ty mua, bản chất đây là đất sở hữu của công ty tư nhân chứ không phải đất nhà nước cho thuê. Do đó, công ty hoàn toàn có quyền được đóng tiền thuê đất một lần chứ không phải hằng năm theo tham mưu của Sở TN-MT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.