Đầu tư ra nước ngoài sẽ gia tăng

10/04/2013 03:55 GMT+7

Theo đánh giá từ giới chuyên gia kinh tế, xu hướng đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng.

Theo dự báo, năm 2013 vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đạt khoảng 1 - 1,5 tỉ USD.  

Nghiên cứu kỹ thị trường

Điểm đến của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ yếu vẫn là những thị trường lân cận  như Lào, Campuchia, Indonesia, Singapore và gần đây là Myanmar…  Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2012 đã có 712 dự án của DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỉ USD và có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đầu tư ra nước ngoài sẽ gia tăng
Dự án trồng cao su tại Lào của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - Ảnh: N.S

Tại hội thảo “Cơ hội đầu tư tại nước ngoài cho DN Việt Nam” do Báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức mới đây, luật sư Pádraig Johannes Seif - cố vấn pháp luật cho nhiều Tập đoàn đầu tư tại Singapore -  cho rằng DN phải suy nghĩ cẩn thận và thấu đáo về kế hoạch này. Vì đôi khi một số DN chỉ nhìn đến mặt tích cực mà chưa thấy mặt trái. Việc phân tích, đánh giá các cơ hội đầu tư không chỉ dựa vào chủ quan của mình mà cần có sự tư vấn, những ý kiến phản biện trái chiều. Riêng đối với những dự án đầu tư có giá trị lớn, điều quan trọng không thể thiếu là phải có sự tư vấn về pháp lý, tư vấn về thuế của nước sở tại. Bên cạnh đó, DN cần có những khảo sát nghiên cứu về thị trường khá sâu trước khi quyết định đầu tư. Nếu thiếu hiểu biết, việc đầu tư ra nước ngoài có thể dẫn đến mất hết tài sản.

Chẳng hạn, nếu muốn đầu tư vào Indonesia mà không tham khảo luật sư sở tại thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc mua nhà, văn phòng. Khung pháp lý của Indonesia hoàn toàn khác với các nước, kể cả việc muốn sửa chữa nhà cũng không dễ…  

Cần hội nhập về văn hóa

Việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài của nhiều DN Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Tập đoàn cao su Việt Nam,… Điều này cũng khẳng định năng lực của doanh nghiệp không chỉ tại thị trường trong nước mà cả trong khu vực giữa bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. TS Klaus Philipp Seif - Giám đốc về pháp luật, văn hóa kinh doanh của Tập đoàn BASF - nhấn mạnh rằng thị trường chính là con người. Do đó phải biết được ngôn ngữ của nước sở tại là yếu tố quan trọng đầu tiên. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, DN muốn đầu tư sang bất kỳ quốc gia nào cũng phải hội nhập về cả văn hóa, phong tục, tập quán của quốc gia đó. Có những hành vi, cử chỉ đôi khi nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng lớn. Do đó bản thân người lãnh đạo DN cũng phải hiểu về những văn hóa giao tiếp dù là nhỏ nhất.

Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, thừa nhận khó khăn về ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khi đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam. Chẳng hạn để hướng dẫn sử dụng, giới thiệu và truyền đạt kiến thức về trồng trọt một cách rõ ràng đến những người nông dân Campuchia thì cần phải sử dụng chính ngôn ngữ của họ. Vì ngoài việc đảm bảo độ chính xác, việc đó còn thể hiện sự thân thiện, thành ý của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng ngay trên mảnh đất quê hương của họ.

Mai Phương

>> Việt Nam cần hội nhập kinh tế sâu hơn
>> Tranh chấp biển đảo đe dọa kinh tế toàn cầu  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.