Dấu xưa mùa nước nổi - Kỳ 4: Lịch sử nghề cá bè

14/10/2013 02:55 GMT+7

Nước lụt tràn về mang theo tôm cá dồi dào và trở thành nguồn lợi lớn cho nghề hạ bạc. An Giang đã đi tiên phong trong nghề nuôi cá hầm, cá bè mở đầu cho lịch sử hoàng kim của nghề nuôi cá.

>> Dấu xưa mùa nước nổi - Kỳ 3: Truyền thuyết lúa ma, lúa nổi
>> Dấu xưa mùa nước nổi - Kỳ 2: Kênh Ông Kiệt
>> Dấu xưa mùa nước nổi: Sợ con rồng dữ

Dấu xưa mùa nước nổi - Kỳ 4: Lịch sử nghề cá bè
Thu hoạch cá linh trong lũ - Ảnh: T.D

Xứ cá ngày xưa

Lũ về mang theo cá đen (là cá sống ở đồng gồm cá lóc, cá bông, cá rô, cá sặt, cá trê…) và cá trắng (là cá sống ở sông gồm cá linh, cá trèn bầu, cá chốt, cá kết, cá thác lác...) kéo về đồng ruộng, sông rạch ẩn náu sinh đẻ.

Từ tháng 2 - 3 âm lịch là mùa đánh bắt cá đen, tháng 10 - 11 âm lịch là mùa tôm càng xanh, các tháng còn lại là cá sông. Sôi động nhất từ mùng 10 tháng 10 âm lịch kéo dài đến hết tháng sau là mùa cá linh, còn gọi là “cá chạy” vì chúng lội ào ào xanh cả mặt nước, bắt không kịp. Cá linh là nguồn lợi được người dân ủ chế biến làm nước mắm ngon nức tiếng miền Tây. Thời đó dầu lửa hiếm nên khi nhận ra cá linh có nhiều tinh dầu, họ cắt đầu cá ủ làm dầu mỡ để đốt.

Vào mùa cá linh, cả khúc sông Tiền, sông Hậu và các kênh rạch như ngày hội. Ở miệt dưới Bến Tre, Minh Hải, Hậu Giang…, diêm dân chạy ghe chở muối cục lên thượng nguồn bán cho người dân dùng ủ cá linh, rồi mua cá linh ủ trở về dưới bán. Lúc đó, Sài Gòn và các tỉnh thích ăn món cá linh nhưng cá chỉ sống được trong nước chảy, còn nhốt trong nước đứng chúng sẽ chết trên đường đi. Từ đây người dân An Giang lần mò chế chiếc ghe đục trứ danh, thân giữa ghe bị đục thủng rồi dùng tấm vỉ sắt bịt lại cho nước sông chảy ra vào nên cá linh nhốt trong ghe đục vẫn sống khỏe. Nhắc lại không ai nhớ người nào chế đầu tiên, nhưng sau đó nó phổ biến khắp sông rạch miền Tây, có vai trò trong lịch sử vận chuyển buôn bán cá sông.

Theo cuốn Monographie de la province de Châu Doc xuất bản năm 1905, vào năm này ở Châu Đốc có 8.470 người khai thác cá trên sông và phải trả tiền thuê. Nếu khai thác ở sông Tiền tiền thuê là 2.900 đồng/năm, ở sông Hậu tiền thuê 1.002 đồng/năm, trên Trà Sư là 2.600 đồng/năm, thuê khai thác ở Rạch Giá 500 đồng/năm. Ở Châu Đốc mỗi năm xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 1.200 tấn cá tươi, hơn 400 tấn cá khô và hơn 200 tấn cá muối.

Còn Địa phương chí An Giang ghi vào năm 1966, tỉnh An Giang cũ (không kể Châu Đốc) có 4.376 ngư dân sử dụng 2.385 tàu đánh bắt được 7.195 tấn cá, 2.500 tấn tôm. Đến năm 1967 số lượng thủy sản khai thác lên đến 9.558 tấn. Còn tính từ thời kỳ 1970 - 1972, sản lượng thủy sản ở An Giang gồm cá đồng trên 76.000 tấn, tôm càng xanh hơn 800 tấn, sản phẩm thủy sản chế biến gần 100.000 tấn và trên 1 triệu lít nước mắm cá linh. Còn từ năm 1993 sản lượng cá khai thác tự nhiên là 89.834 tấn, từ 1995 - 1997 sản lượng giảm còn khoảng 70.000 tấn.  

Nghề cá phát triển mạnh

Biên khảo về Lịch sử đất An Giang do Sơn Nam ghi chép như sau: mùa nước lụt cá lên đồng tìm thức ăn, khi gió bấc thổi mạnh làm nước trên đồng giựt nhanh thì cá trắng lội trở ra sông, cá đen tấp xuống đìa. Người dân An Giang sớm biết khai thác cá đồng, cá sông hơn các vùng khác. Từ đó xuất hiện thầy nghề rọ, thầy xây rọ xem xét từng khúc rạch bởi bố trí sai rọ cá lội đi ra ngoài hết. Vùng Châu Đốc, Long Xuyên cung cấp nhiều thầy chuyên xây rọ cho phía Rạch Giá, U Minh.

Những người già thường nhắc ngày xưa cá tôm nhiều vô kể, chỗ nào có trũng nước là có cá; ra đồng lúa sạ hay đồng lúa ma là thấy tôm càng xanh ôm cây lúa đỏ lừ. Ở sông hay đìa lấy cây đập mạnh xuống nước làm cá giật mình nhảy rộ lên. Nhưng cá nhiều rồi cũng ít đi. Tình cờ dân cù lao Vĩnh Trường, Tân Châu trong mùa nước nổi vớt được nhiều đùm trứng bầy nhầy đã bỏ vào lu nước, không ngờ đó lại là cá tra con và từ đó manh nha nghề nuôi cá. Năm 1948, nhiều người tiên phong nuôi cá hầm, con cá tra được chọn vì so với các loài cá khác chúng sống khỏe trong nước tù, nước đứng và ăn tạp nên tăng trọng nhanh, vận chuyển xa nhốt trong ghe tỷ lệ cá chết rất thấp. Nay nhắc lại người dân vẫn nhớ ngày xưa tỉnh Châu Đốc có rất nhiều hầm cá vồ.

Ông Lê Minh Tùng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết diện tích cá hầm ở An Giang năm 1993 có khoảng 288 ha, đến năm 2000 tăng lên 1.209 ha. Theo ông Tùng, lượng cá tra bột khai thác giữa thập niên 1990 khoảng 100 - 150 triệu con/năm. Đến năm 1999, Công ty xuất nhập khẩu An Giang đã cung cấp cho ngư dân hơn 100 triệu cá tra bột sinh sản nhân tạo. Cá bột không đủ cung nên người nuôi phải tranh mua cá tra con độ 2 phân từ các chủ rọ, các ghe lưới hay qua nước bạn giành nhau mua cá.

Sau cá hầm đến cá nuôi bè, chủ yếu là cá ba sa được Việt kiều từ Campuchia đem về Châu Đốc từ năm 1968. Nhà văn Sơn Nam viết, lúc ấy bè cá bằng tre làm đơn giản sau đó mới hoàn thiện làm bè cây như bây giờ. Lúc ấy cá giống ba sa khan hiếm nên phải thuê các thợ câu tay lưới lên Campuchia “mua bãi” câu hay đánh lưới bắt cá giống đưa về thả bè.

Ông Lê Minh Tùng nhớ lại: “Bè cá tập trung ở Châu Đốc vì nơi đây chất lượng nước và lưu tốc dòng chảy mạnh thích hợp cho nuôi cá bè. Khoảng năm 1974, sản lượng cá bè khoảng 12.000 tấn. Từ năm 1993 - 1996, nghề nuôi cá bè ở An Giang phát triển từ 1.469 bè lên 2.503 bè, sản lượng cá bè từ 17.000 tấn lên đến 25.903 tấn. Năm 2000 có 3.086 bè cho sản lượng 41.695 tấn. Trong giai đoạn 1996 - 2000, hằng năm tỉnh xuất khẩu hơn 5.000 tấn thủy sản đông lạnh chủ yếu là cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh sang 14 nước”.

Từ trôi nổi trong nước lụt, cá tra thành loài cá nuôi hầm rồi nuôi bè, mở đầu cho nghề nuôi cá hầm trải rộng khắp ĐBSCL và giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người. Theo thống kê của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đến giữa tháng 8.2013, vùng ĐBSCL thả nuôi 4.696 ha cá tra. Từ cá tra người ta mới thả nuôi các loài tôm cá, ếch khác và cứ thế lịch sử nghề cá sang trang bất tận.

Thanh Dũng 

>> Chợ 'độc' mùa nước nổi
>> Đặc sản mùa nước nổi
>> Mưu sinh mùa nước nổi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.