“Cổng Trời” là cái tên có ở nhiều nơi dọc Trường Sơn, chỗ cao nhất trên những con đường qua biên giới Lào - Việt. Nhưng “Cổng Trời” ở huyện Nam Giang (Quảng Nam) lại hấp dẫn nhiều người, bởi con đường đến đây gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa của người Kinh lẫn người Cơ Tu, Giẻ Triêng trong lịch sử cận và hiện đại.
Tham gia một tour du lịch đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam trong dịp đầu năm, anh bạn tôi từ Pháp về cứ đòi phải đưa lên “Cổng Trời” để ở lại một đêm cho biết, vì như anh nói: Đọc Nhật ký chiến tranh của cố nhà văn Chu Cẩm Phong, anh cứ nhớ mãi địa danh này. Tôi bảo, còn hơn thế nữa, bởi ngày nay, con đường này đã có nhiều thay đổi.
Bắt đầu từ ngã ba Bến Giằng, làng Rô nổi tiếng trong thơ Tố Hữu trên đường Hồ Chí Minh là cây cầu De Lattre của hãng Effel được đưa từ Đà Nẵng lên cách đây hơn chục năm để thay cho bến phà cách trở. Qua khỏi trung tâm hành chính của huyện mới Nam Giang, chúng tôi tiếp tục đi theo đường 14D qua các xã Tà Bhing, Chà Vàl, Đắc Ốc, qua các căn cứ xây dựng trong hai cuộc chiến tranh như Dốc Thở, Bôt Xit, thôn Ving, sân bay Chà Vàl suốt chiều dài 74 cây số. Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh chạy dọc hai bên đường cùng những thác nước, con suối, cầu treo bên những xóm làng người dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng còn khá nguyên sơ.
|
|
Những đồi lúa tỉa cuối năm đã vàng ươm dưới nắng. Những cô gái Cơ Tu đi thành từng nhóm, vai mang gùi, dừng lại bên con suối trong xanh. Những đám bướm rừng màu vàng chanh bay rợp một góc rừng khi có tiếng động. Những cây đoác cao vọi, cung cấp loại rượu tà vạt lên men nổi tiếng của vùng này. Những ngôi nhà rông cuối năm vừa được làm mới với những hoa văn, đầu thú, cột xờ nua của lễ đâm trâu, cờ phướn… biểu thị sự sung túc của mỗi làng. Trên đầu nóc nhà rông, đầu những con gà chạm khắc trên gỗ cũng được sơn mới. Con gà, đó là “tiếng gọi” dân làng thức khuya dậy sớm, chăm lo vụ mùa, theo giải thích của một người ở Tà Bhing…
Đường 13, nay là quốc lộ 14D kết thúc ở cửa khẩu Đắc Ốc trên độ cao 1.200 mét, sau khi vượt qua con đèo dài 20 km giữa những cánh rừng nguyên sinh ngút mắt. Người Pháp đã mở con đường 13 và lập ra căn cứ Bôt-xit (Đồn số 6) để khống chế cả vùng biên giới từ năm 1937. Khi quân Mỹ đến Việt Nam đã tiếp tục sử dụng Bôt Xit làm bàn đạp và xây dựng thêm sân bay Chà Vàl gần đó, có thể sử dụng loại máy bay vận tải Dakota-C41 và trực thăng để thực hiện các cuộc hành quân chớp nhoáng đến vùng biên giới. Năm 1960, quân giải phóng đánh sập Bôt Xit và năm 1967 sân bay Chà Vàl bị tập kích và xóa sổ.
Năm 1973, Sư đoàn chủ lực 472 thuộc đường dây 559 của quân giải phóng mở tiếp con đường từ Dốc Thở đến Pà Rồng về hướng tây, nối Đông và Tây Trường Sơn với tỉnh Sê Công thuộc Nam Lào... Những nhân vật như bà Zơ Thị Nhâm, thầy giáo Blup Dzứ trong nhật ký Chu Cẩm Phong giờ vẫn còn sống ở làng Đắc Ốc, như những chứng nhân lịch sử. Đêm ở Đắc Ốc, trong không khí se lạnh đầu xuân, chúng tôi đã ngồi xem các cô gái múa điệu Za Zá trong tiếng sáo đinktuk đến mê hoặc.
Bên kia Cổng Trời là huyện Đắc Chưng nổi tiếng với giống ngựa thồ quý hiếm và là nguồn cung cấp cây dược liệu sa nhân nổi tiếng. Khuya, trên đỉnh Cổng Trời, chúng tôi ngủ lại trong nhà khách trạm biên phòng cửa khẩu và nghe các chiến sĩ trẻ kể chuyện thâu đêm. Trong giá lạnh 11 độ C, bên ngoài, những chuyến xe chở vật tư sang Lào làm thủy điện Xê Ca Mán và những máy ủi đang san nền xây dựng khu kinh tế cửa khẩu vẫn hoạt động. Một dự án khách sạn gần “Cổng Trời” nghe nói cũng đang được xây dựng từ khi Đắc Ốc được nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia...
Con sông Pứt trong nhật ký Chu Cẩm Phong vẫn chảy rì rào dưới chân “Cổng Trời”. Phía xa nữa, bên ngã ba sông Thanh, Bến Giằng như còn vang vọng đâu đó những câu thơ về hạnh phúc của một thời chiến tranh trong thơ Dương Dương Ly, nơi “con sông Giằng gầm réo miên man…”.
T.Đ.T
Bình luận (0)