'Dạy con trong hoang mang' nhận giải Sách Hay 2018

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
16/09/2018 17:23 GMT+7

"Chúng ta muốn dạy con tốt hơn thì trước tiên chúng ta hãy chuyển hóa chính mình".

Ngày 16.9 đã diễn ra lễ trao giải Sách Hay lần thứ VIII, năm 2018. Đây là kêt quả sau hơn 5 tháng làm việc của Hội đồng Trao giải cùng với 7 Hội đồng Xét giải khác nhau. Giải Sách Hay 2018 gồm 7 hạng mục bao gồm: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi Phát hiện mới.
Trong đó, ở hạng mục Giáo dục, Ban tổ chức đã trao cho hai tác phẩm: Dạy con trong hoang mang - 2 tập (tác giả Lê Nguyên Phương) và dịch phẩm Dạy con thành công hơn cả mẹ hổ (tác giả Maya Thiagarajan).
Dạy con trong hoang mang tập hợp 30 bài viết giải đáp những vấn đề về giá trị và phương pháp giáo dục con trẻ của các bố mẹ và thầy cô Việt Nam được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua nghiên cứu của các ngành tâm lý học giáo dục, tham vấn và thần kinh. Dạy con trong hoang mang được xuất phát từ ước mong tìm kiếm cho độc giả những tri kiến về dạy con, tìm đến sự “minh triết tự thân” trong chính con cái mình, đạt được sự ung dung thanh thản trong vai trò làm cha mẹ, một “nghề nghiệp” trọn đời hết sức thiêng liêng nhưng cũng đem lại không ít đau khổ và thách thức. 
Là một chuyên gia tâm lý học đường với 20 năm kinh nghiệm từ khối mầm non đến ĐH tại Mỹ, tiến sĩ Lê Nguyên Phương từng nói trong buổi ra mắt sách: "Chúng ta muốn dạy con tốt hơn hãy chuyển hóa chính mình. Khi chúng ta giận dữ, buồn khổ, cau có, tức giận, đôi khi phát xuất từ chấn thương và nội kết của chính chúng ta trong quá khứ. Khi chúng ta chuyển hóa được, hóa giải những khổ đau đó đi, tâm chúng ta sẽ bình an, trong sự bình an đó chúng ta sẽ giải phóng nó". 
Sách  "Dạy con trong hoang mang". Ảnh: An Nhàn 's House

Trong diễn từ nhận giải, tiến sĩ Lê Nguyên Phương cũng chia sẻ: "Chúng ta nuôi con cái, dạy dỗ học sinh bằng tư duy, bộ óc của chúng ta. Hệ quả xuất hiện bởi những tham lam, uất hận, thành kiến, những “nội kết” chấn thương của chúng ta. Những nội kết chân thương đó xuất hiện không chỉ từ cá nhân, gia đình mà của cả dân tộc này trong hơn trăm năm qua. Khi con cái vui buồn, hỗn láo, ngoan ngoãn, chúng ta phản ứng trong sự không tỉnh thức, phản ứng chứ không giải quyêt. Như vậy, điều quan trọng nhất để có thế hệ mới được hạnh phúc, thành công là phải bắt đầu từ mỗi thầy cô, cha mẹ phải nuôi nấng và dạy dỗ chúng trong sự tỉnh thức".

Dự án Sách Hay là một dự án văn hóa - giáo dục phi lợi nhuận do gần 100 đồng sự tâm huyết và Trường PACE cùng khai lập năm 2007. Và kể từ năm 2011, Dự án Sách Hay được điều hành bởi Viện Giáo Dục IRED - một viện nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận hoạt động vì một nền giáo dục khai minh. Kể từ ngày thành lập, “sứ mệnh” mà Dự án Sách Hay theo đuổi là: “Góp phần nâng cao dân trí và khai minh xã hội thông qua các hoạt động đa dạng liên quan đến sách hay”. Mục đích chính của giải là để “Góp phần lựa chọn sách hay, quảng bá sách hay và lan tỏa tri thức từ những cuốn sách hay; và đồng thời gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ trong xã hội”.

Giáo dục gia đình đang là giải pháp khả dĩ của xã hội

Trong 7 mùa giải Sách Hay vừa qua, tất cả hạng mục sách Giáo dục (GD) đều nói về GD nhà trường, triết lý GD, GD quốc gia… Đây là lần đầu tiên, giải Sách Hay hạng mục sách GD vinh danh 2 đầu sách cùng là GD gia đình.

Xưa nay, Giải Sách Hay có 2 tinh thần quan trọng: quý trọng sách hay và mỗi cuốn sách được giải là một thông điệp được sẻ chia. Những người làm giải năm nay mong muốn sẻ chia thông điệp quan trọng nhất là GD gia đình.

Vấn đề này có lẽ chưa bao giờ quan trọng như bây giờ. Hội đồng xét giải làm việc công tâm, độc lập, nhưng không hẹn mà gặp Dạy con trong hoang mang đạt đồng thuận tuyệt đối từ các thành viên. Lâu lắm chúng ta có tác phẩm của người Việt nói về việc dạy con như vậy.

Tại sao GD gia đình quan trọng? Trong bối cảnh GD còn quá nhiều bất cập hiện nay, nếu không thể trông chờ vào GD nhà trường, GD xã hội thì GD gia đình là cứu cánh.

GD gia đình là cứu cánh quan trọng nhất của xã hội ngày nay. Nếu trông chờ GD Nhà nước, nhà trường, xã hội, rất lâu và rất rủi ro. Giả sử ngay bây giờ thực hiện một cuộc cách mạng về GD thì phải mất hàng chục năm mới hoàn thành. Nhưng con cái chúng ta không thể chờ được mà phải dạy con ngay bây giờ.

Nhưng nếu như đặt gánh nặng dạy con lên GD gia đình thì nhiều cha mẹ vô cùng lo lắng. Dạy con theo kiểu nào, lối nào? Hai cuốn sách này đều đau đầu với câu hỏi ấy.

Chúng ta đang sống trong thời đại biến đổi chóng mặt và khôn lường, mọi giá trị bị đảo lộn, mọi niềm tin bị thách thức. Vậy chúng ta phải dạy con như thế nào?

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương trích 4 kiểu dạy con: theo lối cai trị, theo kiểu nuông chiều, theo phương pháp phó mặc, theo lối tư duy (vừa hỗ trợ vừa nghiêm khắc). Nhiều người ủng hộ phương pháp dạy con thứ tư.

Tôi đồng ý ý kiến quan trọng của hai tác giả: không chỉ dạy con như thế nào mà là dạy con thành người như thế nào? Nếu chúng ta không trả lời được câu hỏi dạy con thành người như thế nào thì câu hỏi “dạy con như thế nào?” không cần trả lời nữa.

Lâu nay chúng ta bàn rất nhiều đến triết lý GD như thế nào. Chúng ta nói nhiều đên triết lý GD của Nhà nước, Bộ GD-ĐT… Nhưng tôi cho rằng không chỉ bàn đến triết lý GD của nền GD quốc gia mà mỗi nhà trường cũng cần triết lý GD của riêng mình, thầy cô giáo cũng cần triết lý GD của mình, cha mẹ cũng cần triết lý GD để dạy con. Triết lý không phải độc quyền của Nhà nước mà mỗi chúng ta cũng cần triết lý GD của riêng bản thân mình.

Nếu không có, chúng ta không có triết lý GD dạy con mình, không có triết lý GD đào tạo nhân viên. Nhiều người nói rằng Việt Nam không có triết lý GD, chưa thuyết phục hoặc không rõ ràng… Không vấn đề gì! Không ai cấm mỗi giáo viên có một triết lý GD của riêng mình. Không ai cấm mỗi phụ huynh Việt Nam có triết lý GD riêng để dạy con mình.

Vì vậy, theo tôi, dạy con theo kiểu nào không quan trọng mà quan trọng là xác lập triết lý để dạy con. Dù dạy con, GD nhân viên, dạy học trò… cần trả lời 3 câu hỏi: “thế nào là con người?”, “tôi muốn con tôi trở thành người như thế nào?”, “làm thế nào để con tôi trở thành người như vậy?”. Nhưng tôi thấy người ta ít quan tâm hai câu hỏi đầu mà  tập trung quá nhiều vào câu hỏi “dạy con như thế nào?”.

Nhiều người nói trước đây dạy cọn rất thoải mái, đọc xong cuốn sách này thấy hoang mang. Tôi cho rằng như vậy là thành công. Càng biết nhiều càng hoang mang. Nhưng càng biết nhiều sẽ dạy con trong tự tin. Nhưng để dạy con trong tự tin phải dạy con trong hoang mang trước.

 Giản Tư Trung

(nhà hoạt động giáo dục, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED)

 
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.