Xu hướng hút thuốc tăng dần từ 20% ở nhóm nam tuổi từ 14-17 lên đến khoảng 75% ở nhóm tuổi từ 22-25. Về rượu bia, có 69% bạn nam và 28% bạn nữ cho biết đã từng uống rượu, trong đó, 39,7% nam và 8,5% nữ thừa nhận đã từng một lần “quắc cần câu”.
Các bạn trẻ tham gia cuộc điều tra SAVY đều cho rằng mua rượu bia, thuốc lá rất dễ và phần lớn các bạn nam hút thuốc có bố cũng hút thuốc. Điều này không đáng ngạc nhiên khi Việt Nam được WHO xếp vào nhóm các quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới và hiện nay việc kiểm soát bán thuốc lá, bia rượu cho trẻ dưới tuổi vị thành niên chưa thật sự gắt gao. Những thực trạng trên cho thấy việc phụ huynh giúp con em mình phòng tránh nguy cơ trở thành “đệ tử lưu linh” hay “ống khói di động” là hết sức cần thiết.
Vai trò của phụ huynh
Việc hút thuốc hay uống rượu ở trẻ vị thành niên ban đầu thường chỉ là để hòa nhập cùng bạn bè. Theo kết quả của SAVY, hơn một nửa những bạn hút thuốc có lý do tập tành chuyện phì phèo nhả khói chỉ đơn giản vì “bạn bè em cũng hút”. Tuy nhiên, một khi đã thử qua và không được người lớn quan tâm hướng dẫn, sau này các em sẽ dễ dàng bị nghiện thuốc lá, nhất là khi đi làm thường có lý do “căng thẳng trong công việc” để tìm đến khói thuốc.
Ngoài những kiến thức về nguy cơ từ rượu bia, thuốc lá mà phụ huynh cần trang bị cho con em mình, cách “xử lý” khi biết con mình đã dại dột thử qua những thứ dành cho người lớn này cũng rất quan trọng. Nhiều cha mẹ khi biết con mình uống thuốc hoặc uống rượu bia sẽ ngăn cấm một cách tiêu cực (la mắng, cấm đoán mà không giải thích…) hoặc ngược lại, nhắm mắt làm ngơ vì cho rằng con mình (nhất là con trai) chỉ vui vẻ với bạn bè.
Các nhà tâm lý khuyên, nếu con bạn sau một tối tiệc tùng, về nhà trong tình trạng chếnh choáng hơi men hoặc thở ra đầy mùi thuốc lá, tốt nhất bạn nên để đến sáng, khi bạn và con đều trong trạng thái thoải mái, bình tĩnh sau khi được nghỉ ngơi. Lúc đó hãy thẳng thắn nói ra những lo lắng của mình, phân tích sự việc và tạo cơ hội cho con bạn được bày tỏ quan điểm.
Tùy theo độ tuổi
Càng giáo dục sớm cho trẻ về tác hại của rượu bia, thuốc lá, hiệu quả ngăn ngừa càng cao. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi khác nhau, tâm lý của trẻ khi nhìn nhận vấn đề cũng khác nhau. Bạn nên dựa theo đó để có phương pháp phù hợp.
Từ 8-12 tuổi, cái nhìn của trẻ khá thuận lợi cho “ý đồ” của bạn. Rượu bia thật cay và đắng, dở ẹc nếu so với nước ngọt, nước trái cây, khói thuốc lá thì không thơm tho gì, chỉ làm cay mắt bé. Ở độ tuổi này, các bé rất thích tìm hiểu những điều mới lạ. Bạn có thể nhân đó để dạy cho bé một bài khoa học về những tác hại của rượu bia và thuốc lá với sức khỏe.
Ở tuổi thiếu niên, việc đối thoại cùng người lớn đôi khi gặp nhiều khó khăn. Cá tính cũng như cơ thể của các em đang có nhiều thay đổi, những “luận điệu khoa học” có vẻ không còn hiệu nghiệm. Ung thư phổi sẽ là một điều gì đó khá xa vời khi so sánh với những phút thư giãn cụng ly côm cốp hoặc phì phèo khói thuốc cùng bạn bè. Bạn cần phải xóa bỏ những “lợi ích của thuốc lá” trong mắt con mình bằng một số “chiêu” tâm lý, chẳng hạn như:
- Thuốc lá, bia rượu không phải là biểu tượng cho sự tự do (đối với những ràng buộc của cha mẹ) mà ngược lại, chúng làm người ta bị lệ thuộc khủng khiếp. Những thứ này cũng không phải là điều kiện bắt buộc để thành người lớn.
- Hút thuốc, uống rượu bia dễ làm mất hình tượng: tình trạng một người say xỉn rất “khó nhìn” và hút thuốc thì làm vàng răng, xấu da…
- Càng nhậu, càng hút, sức khỏe sẽ không còn đảm bảo để thi thố bóng đá, bóng rổ hay cầu lông với bạn bè.
Và sau cùng, dù con bạn ở lứa tuổi nào đi nữa, việc bạn làm gương cho trẻ cũng sẽ hết sức quan trọng. Nếu bạn uống rượu bia có chừng mực, không hút thuốc hoặc đã bỏ hút, những lời khuyên của bạn đối với con sẽ có trọng lượng hơn hẳn.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)