Sau bài viết Dạy học tự nguyện, liên kết ngày càng tinh vi đăng sáng nay 16.10, Báo Thanh niên nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc với tư cách là phụ huynh học sinh, cũng là "nạn nhân" của hình thức dạy học chèn ép này.
Bạn đọc Duy Minh bức xúc: "Ôi! Nó như cái vòi bạch tuộc chặt cái này mọc ra cái khác dài hơn".
Bạn đọc Bao Bui phản ánh: "Trước khi tiếp nhận hồ sơ nộp vào trường cho con đi học, tôi đã phải ký giấy có ghi sẵn nội dung các môn học liên kết là tự nguyện. Giờ nhiều chiêu trò quá, nhất là cái eNetViet liên lạc điện tử, nó chẳng có tác dụng gì… Giờ học liên kết nhiều, học sinh không có thời gian chơi, nghỉ ngơi, con thứ hai của tôi năm nay lớp 1 mà thấy tội quá".
Bạn đọc Chau Vo cũng viết: "Tôi là phụ huynh, nhiều năm nay ngậm ngùi đóng phí học liên kết kiểu vậy mà không có quyền lựa chọn".
Cùng chung cảnh ngộ, có bạn đọc bình luận: "Ngay từ đầu năm, các môn đã được tích hợp sẵn vào các mục chọn lựa theo phương án, phụ huynh không có sự lựa chọn nếu muốn con theo học. Sách giáo khoa thì giá cao, mà có cuốn không hề dùng đến, phí học các kiểu cũng cao".
Bạn đọc Lý Đỗ chia sẻ: "Hôm đầu năm tôi đi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cũng phát cho tờ giấy đăng ký 4 môn liên kết, tự nguyện. Mọi năm đều bắt phụ huynh đăng ký hết… Đến khi họp xong giáo viên nói muốn các con học môn nào thì đăng ký môn đó, mà đơn thì giáo viên thu lại hết rồi, cuối cùng đưa phụ huynh vào thế "đã rồi". Con mình nói học mấy môn đó học không hiểu gì, chán, nên hôm nào có những môn đó con mình toàn bỏ về...".
Bạn đọc Nguyễn Thanh Xuân phản ánh: "Cấp 2 cũng vậy, nào là bảo lớp này học còn yếu môn này môn nọ rồi in một tờ giấy về bảo phụ huynh ký vào rồi bảo học tự nguyện, phụ huynh nào không ký thì nhắn tin lên nhóm Zalo làm phụ huynh khó xử. Học thêm một môn 300.000 đồng một học kỳ, trong khi học một năm phụ huynh chỉ đóng 316.000 học phí chính thức. Mong Bộ Giáo dục xem xét lại và chấn chỉnh lại cho mọi người được nhờ"…
Bạn đọc Mỹ Quyên Nguyễn thì cho rằng "không chỉ tiểu học mà ở bậc mầm non, các môn tự nguyện, liên kết này dày đặc"…
Mong chỉ đạo dứt khoát từ Bộ GD-ĐT
Bạn đọc Nguyen Khanh than: "Gia đình có điều kiện thì còn đỡ, chứ bây giờ thật sự vài trăm ngàn cũng là một gánh nặng không nhỏ. Tôi thật sự thắc mắc là: Giờ học chính khóa chỉ dạy theo chương trình quy định của Bộ GD khó khăn lắm hay sao?".
Đồng quan điểm, nhiều bạn đọc đề nghị: "Cần tiếng nói rõ ràng, dứt khoát từ Bộ GD-ĐT". Bạn đọc tên BH cho rằng: "Nhà trường còn lách luật được đều do lỏng lẻo của chính sách. Nếu chính sách rõ thì loại bỏ được kiểu lách luật".
Nặng nề hơn, bạn đọc Van Van cho rằng: "Các môn liên kết là nơi chứa "hàng lậu, hàng giả" của giáo dục".
Nhiều bạn đọc cùng mong mỏi Bộ GD-ĐT có chỉ đạo dứt điểm tình trạng này. "Tôi không phải không cho con mình học thêm, nhưng đã là môn học tự nguyện thì nên minh bạch và để phụ huynh học sinh tự nguyện. Và việc chèn các môn học phụ đạo trong giờ chính khóa là một hình thức gian lận trong giáo dục mà chính các thầy cô tạo nên, cần được chấm dứt", một bạn đọc viết.
Nhiều phụ huynh mong muốn nhà trường chuyên tâm dành giờ học chính khóa để dạy thật tốt cho các con đầy đủ chương trình của Bộ GD-ĐT. Việc học thêm, học tăng cường để các gia đình lựa chọn phù hợp với từng bé và từng hoàn cảnh gia đình…
Nhiều bạn đọc gửi gắm mong mỏi Báo Thanh Niên tiếp tục theo sát và tiếp tục đồng hành cùng phụ huynh. "Chứ phụ huynh ai cũng đau đầu với tình trạng lạm thu, lạm dạy của tất cả các trường hiện nay. Chỉ khổ phụ huynh và con trẻ. Đi học không có tuổi thơ luôn. Dẹp cái này có gì khó đâu. Chỉ ra công văn cấm tất cả các trường không được chèn môn học ngoài vào. Ai làm sai đuổi ngay người đứng đầu", một bạn đọc kiến nghị.
Bạn đọc khác cũng than: "Quá khổ với tình trạng dạy nhiều môn lằng nhằng như hiện nay, cha mẹ kiệt quệ vì tài chính, học sinh kiệt quệ sức khỏe".
Như Thanh Niên đã thông tin, dù đã có nhiều văn bản, chỉ đạo chấn chỉnh nhưng năm học này phụ huynh vẫn bức xúc khi việc dạy học tự nguyện, liên kết, dạy thêm… bằng đủ mọi cách len lỏi vào trường học với những tên gọi và hình thức tinh vi hơn năm học trước.
Bình luận (0)