Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT trao đổi với PV Thanh Niên về thực trạng giảng dạy các môn nghệ thuật trong nhà trường hiện nay.
>> Dạy nghệ thuật trong trường phổ thông: Chỉ làm cho có
Xin ông cho biết yêu cầu tối thiểu đối với học sinh (HS) sau khi hoàn thành bậc tiểu học về các môn âm nhạc, mỹ thuật?
Đối với các môn học đòi hỏi năng khiếu thì chúng tôi luôn yêu cầu là cần coi trọng truyền thụ kiến thức, hình thành kỹ năng, bồi dưỡng hứng thú học tập, không quá thiên về đánh giá thành tích theo yêu cầu đào tạo chuyên ngành. Nghĩa là, giáo dục cho HS những hiểu biết ban đầu về nghệ thuật. Giáo dục âm nhạc và giáo dục mỹ thuật thực ra là hướng HS tới cảm thụ cái đẹp, biết thưởng thức cái đẹp... Bởi vậy, Bộ đã quy định không đánh giá các môn nghệ thuật bằng điểm số, nghĩa là không đánh giá như chuẩn kiến thức kỹ năng đối với toán, tiếng Việt.
|
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với những môn đòi hỏi tính sáng tạo cao như âm nhạc, mỹ thuật nhưng sách giáo khoa (SGK) và giáo viên thì vẫn cứ bắt HS phải vẽ theo mẫu hoặc hướng dẫn rất máy móc?
Để lựa chọn một bài hát đưa vào chương trình giáo dục môn âm nhạc, những tiêu chí được quan tâm hàng đầu bao giờ cũng là: bài hát hay, có giá trị nghệ thuật, đảm bảo tính phổ thông, sự chuẩn mực, tính phù hợp và vừa sức... Khi biên soạn SGK, việc lựa chọn và đề xuất bài hát đưa vào chương trình cũng dựa vào cảm nhận của từng cá nhân và nhóm tác giả. Việc lựa chọn đó có thể đôi khi vẫn phiến diện và chắc hẳn không bao giờ làm hài lòng tất cả mọi người. Còn về mỹ thuật, có những phần làm mẫu nhưng Bộ cũng luôn nhắc nhở giáo viên không vì thế mà bắt buộc HS phải làm đúng theo mẫu, cũng không tạo ra bất cứ áp lực nào cho HS. Giáo dục nghệ thuật hay bất cứ môn học nào thì mọi sự áp đặt đều vô lý.
|
|||
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT |
|||
Theo ghi nhận của phóng viên thì ở thành phố lớn, rất ít trường công lập dành một phòng học riêng cho các môn học nghệ thuật dù Bộ có quy định.
Đúng là như vậy. Hầu như rất hiếm trường công lập có phòng học nhạc, mỹ thuật riêng. Quy định thì đầy đủ cả nhưng không thực hiện được. Ở vùng khó khăn thì không có kinh phí để đầu tư đủ trang thiết bị, vùng thành thị thì phòng học còn đang rất thiếu nên không có những phòng học nghệ thuật như mong muốn. HS ngồi vẽ cứng nhắc như ngồi học toán thì đúng là rất khó để sáng tạo. Giờ học nhạc, không có phòng riêng, lớp này hát, phòng bên cạnh học toán, ảnh hưởng đến nhau lắm chứ. Chúng tôi cũng biết vậy nhưng đầu tư về cơ sở vật chất thì phải phụ thuộc chủ yếu vào sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Nhưng rõ ràng môn nghệ thuật không được các địa phương, nhà trường và gia đình quan tâm đúng mức?
Quan tâm hay không còn là do vấn đề nhận thức và tính thực tế, Bộ không thể bắt phụ huynh và HS phải quan tâm đến môn hát, nhạc khi người ta không muốn. Về mặt quản lý, chỉ đạo thì Bộ quan niệm tất cả các môn học đều quan trọng như nhau, học giỏi mỹ thuật hay âm nhạc cũng là học giỏi.
Giáo dục tích hợp là một xu hướng của các nước đối với giáo dục phổ thông. Hiện nay chúng ta có quá nhiều môn học trong khi chất lượng những môn như nghệ thuật đưa vào cũng chưa hiệu quả. Bộ có tính đến vấn đề này?
Bản chất của giáo dục tiểu học là tích hợp, khi học thủ công là sẽ bao gồm cả toán học, mỹ thuật; học toán là bao gồm có cả tiếng Việt chứ không có môn học nào chỉ mục đích dạy một nội dung đó. Nhưng mong muốn của Bộ là thay vì dàn trải ra nhiều môn thì tích hợp lại thành ít môn để giảm gánh nặng cho HS và học thực sự có hiệu quả. Chúng tôi cũng dự kiến sẽ đề xuất khi đổi mới chương trình SGK có thể gộp lại ít môn học hơn để môn học nào đưa vào giảng dạy là môn đó phát huy hiệu quả chứ không phải chỉ học cho có, dạy và học để đối phó. Tất nhiên để làm được điều này cũng cần phải có một quá trình.
Học sinh THPT không được học nghệ thuật! Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết sở dĩ các môn nghệ thuật được đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường là nhờ phần lớn ở sự nỗ lực của chính các nghệ sĩ. Ông Nguyễn Anh Dũng kể: “Đợt cải cách giáo dục năm 1980 có đưa các môn này trong kế hoạch dạy học nhưng trên thực tế không triển khai được. Sau đó, các nhạc sĩ Hoàng Lân, Lê Minh Châu, Hàn Ngọc Bích... đã tự tìm đến một số UBND tỉnh, Sở GD-ĐT để thuyết phục họ về ý nghĩa của việc dạy học các môn nghệ thuật trong nhà trường. Thậm chí các nhạc sĩ đã phải vừa tự biên soạn sách rồi bỏ tiền túi ra in sách, vừa đi bán sách dạy âm nhạc cho thầy trò các nhà trường”. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhạc sĩ Hoàng Long, nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật Viện Khoa học giáo dục, thì dường như nỗ lực mới được cải thiện về số lượng, còn chất lượng có vẻ như thụt lùi. Việc nỗ lực đưa các môn nghệ thuật vào chương trình hiện cũng mới chỉ dừng ở hết bậc THCS. Lên đến bậc THPT, HS học tới 11 môn khác nhau nhưng không hề thấy bóng dáng của một bộ môn nghệ thuật nào. Nhạc sĩ Hoàng Long cho rằng: “Trong thời gian tới, cần kiến nghị với Bộ GD-ĐT, khi chuẩn bị làm chương trình - SGK mới sau năm 2015 phải cố gắng đưa một số môn nghệ thuật vào chương trình giáo dục, kể cả ở bậc THPT. Ở THPT có thể quy định dưới hình thức bắt buộc hay tự chọn nhưng nhất định phải có một số môn học hoặc hoạt động nghệ thuật trong chương trình giáo dục chung”. Tuệ Nguyễn |
Tuệ Nguyễn (thực hiện)
Bình luận (0)