Dạy và học trực tuyến: hiệu quả đến đâu?

16/10/2021 12:37 GMT+7

Tôi không phủ nhận việc áp dụng công nghệ một cách chừng mực giúp việc dạy và học có những hiệu quả nhất định. Nhưng chúng chỉ là phương tiện chứ không thể nào thay thế được tri thức, khả năng tương tác, khả năng gầy dựng cảm hứng...

Tôi bắt đầu tham gia dạy học trực tuyến vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến trên toàn thế giới. Cũng như đa số đồng nghiệp, tôi đã đi từ con số 0 đến lúc thành thạo các thao tác cơ bản để có thể tạm an ổn trong các phòng học ảo - nơi mà giảng viên có thể gặp gỡ sinh viên, thích nghi với phương thức lao động thời dịch bệnh.

Học sinh, sinh viên trên khắp các tỉnh, thành đang học trực tuyến trong thời gian vừa qua

Đậu Tiến đạt

Chỉ có giá trị đối phó với dịch bệnh

Không thể phủ nhận một số tiện ích của hình thức làm việc/dạy và học trực tuyến: giúp kết nối hiệu quả dù người tham dự ở bất kì nơi nào, tránh gián đoạn công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, giảm thiểu kẹt xe và ô nhiễm môi trường, rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ cho người tham gia...

Câu hỏi đặt ra là: nếu việc dạy trực tuyến thực sự có ích như vậy thì sau khi dịch tan, các trường học có chuyển sang đào tạo trực tuyến luôn không hay vẫn tổ chức việc dạy và học theo phương thức truyền thống?

Hẳn là các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô, người học và phụ huynh đều đã có câu trả lời. Tôi không biết vài chục năm hay vài thế kỉ tới, việc dạy học có thể diễn ra hiện đại và siêu ảo như thế nào, nhưng hiện nay thì rõ là không gì lý tưởng bằng việc người dạy được đến đúng nơi để dạy, người học được đến đúng nơi để học.

Bởi, cái gì ra cái đó. Nếu sân khấu là thánh đường của diễn viên thì trường học là thánh đường của người học và người dạy. Học đường không chỉ là nơi trao truyền kiến thức sách vở hay các phương pháp thực hành – nghiên cứu mà còn là không gian học tập lý tưởng, chuyên nghiệp với hệ thống phòng ốc, thư viện, các khu vực sinh hoạt đa dạng... Ngoài ra, môi trường học đường còn tạo ra các giá trị mềm khác cho người học như: giúp tạo dựng các giá trị nhân bản (niềm tin, ước mơ, hoài bão, lòng nhân hậu, tính vị tha, sự sẻ chia, tính tự lập, tinh thần đoàn kết...), giúp phát hiện, thể hiện và phát triển năng khiếu – năng lực, tổ chức các hoạt động đội nhóm, thúc đẩy các hoạt động văn thể mỹ, tăng cường năng lực giao tiếp, ứng xử...

Rõ ràng, trong thời điểm hiện nay, các phương pháp trực tuyến không thể hoặc rất hạn chế để có thể phát huy được những giá trị này. Người học đang học theo cách thực dụng nhất và ở mức độ thấp nhất: nhận kiến thức từ giảng viên, trải qua kỳ sát hạch kiến thức bằng việc hiện diện online và thi cử theo quy định, hoàn thành môn học. Nói không ngoa, họ sẽ trở thành những "cỗ máy tích lũy tín chỉ chuyên nghiệp".

Học sinh học trực tuyến

N.D

Thầy và trò đều xuống sức

Tôi đã quá thấm thía với việc không thể nhìn thấy mặt người học (trừ khi GV yêu cầu sinh viên mở camera lên, mà đa số các em tỏ ra miễn cưỡng và cho rằng không cần thiết); mắt dán chặt vào màn hình, tay rê chuột liên tục, miệng vừa giảng bài vừa thăm hỏi động viên người học; cùng lúc đó, não phải liên tục nghĩ ra các cách thức dò dẫm xem SV có đang tham dự vào giờ học thật không. Và bất lực khi các em bảo micro hư, camera hư và không nghe rõ lời thầy, bạn.

Còn việc được khuyến mãi tiếng mưa rào đi ngang thành phố, tiếng người nhà sinh viên, tiếng động cơ xe, tiếng gà trưa xao xác, tiếng chó sủa vang trời... là chuyện thường ngày (cũng may là có chút tác dụng giảm căng thẳng, gây cười trong chốc lát). Tôi không biết nên vui hay buồn với những lời trần tình của sinh viên như “Cô thông cảm, hôm nay con gà nhà em trở chứng gáy từ trưa đến giờ”, “Cô ơi, chó nhà hàng xóm nên em không bắt nó im được”...

Có một hôm, tôi buộc phải dừng việc giảng bài khi nhận ra đa số SV không nhớ bài cũ và im lặng đáng sợ trong giờ học. Tôi bảo các em hãy gõ vào ô đối thoại cảm xúc thật nhất của mình trong thời gian gần đây. Những từ ngữ sau đây chạy ra: “ức chế”, “mệt mỏi”, “trống rỗng”, “không cảm xúc”, “sợ hãi”... Chỉ có một số ít em chia sẻ rằng mình đang có cảm giác may mắn, vui vẻ và bình yên.

Khai giảng cũng bằng hình thức trực tuyến

đậu tiến đạt

Tôi cam đoan rằng dù là một GV lạc quan nhất thì cũng sẽ có lúc cảm thấy xuống sức, ức chế tinh thần và mong mỏi ngày được trở lại giảng đường. Tôi chưa có dịp làm khảo sát diện rộng cảm nghĩ và mong đợi của SV, nhưng đâu khó khăn gì để tôi nhận ra là SV của chúng ta đang quá thiệt thòi khi phải học đại học tại gia như hiện nay.

Rõ ràng, trừ một số hình thức đào tạo từ xa như xưa nay vẫn tồn tại, việc dạy và học trực tuyến hiện nay chỉ là phương thức đối phó dịch bệnh, hoàn toàn không thể thay thế việc dạy và học tại nhà trường.

E-learning: bước tiến hay bước lùi?

Trong nhiều đợt tập huấn giảng dạy, các nhà quản lý giáo dục thường xuyên đề cao E-learning (mô hình học trực tuyến sử dụng kết nối mạng Internet để phục vụ học tập) như: giúp người học có cơ sở chọn lựa môn học, tiện theo dõi chương trình học, hình dung ra nội dung học, tiếp cận được phong thái của GV, chia sẻ và nắm bắt các thông tin kịp thời... Không chỉ có vậy, E-learning còn giúp tạo nên diện mạo hiện đại, bài bản, năng động, bắt kịp xu thế quốc tế của các trường đại học, trung học.

Trong thực tế, so với phương pháp dạy học truyền thống, phương pháp dạy học E-learning khiến người dạy vất vả hơn nhiều lần. Để có một buổi dạy, GV phải post (đăng) trước power point (trình chiếu) bài giảng, tài liệu học tập, bài tập, video (đoạn băng) ghi hình GV giới thiệu các nội dung chính của bài học. Sau giờ dạy, GV tiếp tục các công đoạn như ghi sổ báo bài, điểm danh, đăng tải ghi âm... Các thao tác này ngốn không ít thời gian, đặc biệt trở thành gánh nặng với những GV không giỏi công nghệ.

Có một vấn đề nổi cộm là: một số trường học yêu cầu GV đăng toàn bộ nội dung ghi âm và ghi hình lên hệ thống E-learning sau mỗi buổi dạy. Nhà trường lý giải rằng đoạn ghi âm ghi hình đó chính là minh chứng giảng dạy online; đồng thời, sự ghi âm ghi hình này giúp người học có cơ hội được nghe lại bài giảng (nếu như chưa hiểu hoặc vắng buổi học hôm đó). Yêu cầu này cần được áp dụng thận trọng hơn, vì hiện nay chưa có thỏa thuận bằng văn bản rõ ràng giữa cơ sở đào tạo và người dạy về bảo mật thông tin, bản quyền…

Sinh viên học trực tuyến

n.d

Trước Công nguyên, nhà hát được xây dựng trong các bệnh viện nhằm góp phần hồi phục tinh thần cho người bệnh. Còn trường học thì tươi sáng và thong dong như bức tranh “Trường học Athens” mà danh họa Rafael thể hiện, thực sự là nơi để trao truyền tri thức và tụ hội anh tài. Thầy và trò đến lớp với sự tự tin và tươi tắn, không khí học tập văn minh và tràn đầy tinh thần học thuật.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể lấy ngày xưa so với ngày nay, lấy "âm chấm không" so với "bốn chấm không". Tôi chưa bao giờ phủ nhận rằng việc áp dụng công nghệ một cách chừng mực giúp việc dạy và học có những hiệu quả nhất định. Nhưng chắc chắn, chúng chỉ là phương tiện chứ không thể nào thay thế được tri thức, khả năng tương tác, khả năng gầy dựng cảm hứng... Mà điều đó chỉ có thể đạt được khi tinh thần người dạy và người học thật sự lành lặn, tự do. Hình thức “cháo hành” người dạy có thể là con đường ngắn nhất để siết chặt quỹ thời gian, bóp chết khả năng sáng tạo và biến họ thành những “cỗ máy nói” không hơn không kém.

Xin khẩn thiết mong cầu các nhà quản lý giáo dục hãy trả lời thật lòng: Chúng ta sẽ được gì với việc cổ vũ và miệt mài chạy theo công nghệ trong dạy - học? Những thiết chế cồng kềnh và vô số quy định cứng nhắc trong dạy - học như hiện nay có thật sự giúp cho người dạy và người học trở nên ưu tú hơn hay không?

Bài viết về dạy và học trực tuyến thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một giảng viên đại học tại TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.