ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương: Ủng hộ tịch thu phương tiện nếu lái xe say xỉn

11/03/2015 11:45 GMT+7

(TNO) Tại hội thảo “Giảm thiểu tai nạn giao thông: Tịch thu bằng chế tài mạnh, pháp lý và thực tiễn”, do Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải và Trung tâm Truyền thông, giáo dục cộng đồng tổ chức sáng nay 11.3, ông Nguyễn Sĩ Cương, đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất tịch thu phương tiện cá nhân với lái xe có nồng độ cồn quá mức quy định.

(TNO) Tại hội thảo “Giảm thiểu tai nạn giao thông: Tịch thu bằng chế tài mạnh, pháp lý và thực tiễn” do Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải và Trung tâm Truyền thông, giáo dục cộng đồng tổ chức sáng nay 11.3, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương ủng hộ đề xuất tước bằng lái xe 24 tháng và cao nhất là tịch thu phương tiện cá nhân với lái xe có nồng độ cồn quá mức quy định.

Hội thảo về đề xuất tịch thu phương tiện của lái xe say rượu - Ảnh: Hà Nguyễn
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đề xuất trên căn cứ vào điều 26 của luật Xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng có nhiều người lo ngại tính khả thi của điều luật này không cao.
Theo Trung tâm Truyền thông, Giáo dục cộng đồng, kết quả khảo sát trên mạng Oto Fun cho thấy có 1.407/1.718 ý kiến không đồng ý giải pháp này; Diễn đàn nhà báo trẻ có 75,7% ý kiến không ủng hộ; khảo sát của nhiều tờ báo cho thấy, đa số ý kiến đều chỉ ủng hộ giải pháp tăng mức xử phạt (bằng tiền) và không ủng hộ việc tịch thu phương tiện.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp nhận ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện trên để sửa đổi, bổ sung trình Thủ tướng xem xét.
Ông Hùng tiếp tục đưa ra một số lý giải về căn cứ đề xuất tịch thu phương tiện khi người điều khiển phương tiện đó vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.
“Lái xe trong trạng thái say rượu thì theo quy định của pháp luật, là hành vi bị cấm, có mức độ, tỷ lệ cụ thể. Trong văn bản Nghị định 171/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, 5 năm nay, Bộ Giao thông Vận tải có những kết nối với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác để khảo sát về vấn đề này.
Kết quả khảo sát của WHO cho thấy, 67% lái xe ô tô gây TNGT có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép; 36% tai nạn xe máy cũng do nồng độ cồn quá mức cho phép.
“Trong 2 vụ TNGT nghiêm trọng nhất như ở Hưng Yên làm 5 người chết; vụ TNGT ở Cao Bằng làm 3 người chết mới đây, đều có vi phạm về nồng độ cồn. 317 người chết vì TNGT trong 9 ngày Tết, tăng hơn năm trước 35 người, mức độ nghiêm trọng cao hơn, có nguyên nhân chủ yếu do sử dụng rượu, bia”, ông Hùng dẫn chứng.
Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh mục tiêu cao nhất của đề xuất này là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, để có một thông điệp có sức nặng “chưa từng có”, đủ sức cảnh báo thường xuyên với người điểu khiển phương tiện là “đã uống bia, rượu thì không lái xe”.
“Trong tháng 2 vừa qua, cả nước xử lý 17.500 trường hợp lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, là mức xử lý cao nhất từ trước đến nay”, ông này nói thêm.
Tham gia hội thảo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, hiện trạng vi phạm pháp luật giao thông hiện nay tràn lan, ngang nhiên, coi thường pháp luật và lực lượng chức năng. “Trước một tình trạng như vậy, không thể làm ngơ mà cần có biện pháp mạnh, chế tài mạnh. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia cần có giải pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng này”, ông Cương nói, và cho rằng, các giải pháp nhẹ không còn phù hợp nữa.
“Tôi trân trọng đề xuất của Ủy ban ATGT trong việc đưa ra chế tài mạnh, trong đó có đề xuất tịch thu phương tiện. Tôi cho là đề xuất này có cơ sở nhưng cơ sở này rõ nghĩa chưa cũng phải bàn luận thêm”, ông Cương nói.
Theo đại biểu này, tịch thu phương tiện trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, do cố ý, nếu trong luật không ghi rõ thì cần phải làm rõ hơn trong nghị định hướng dẫn."Đã uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, có thể giết chết nhiều người. Cũng như hành động đi xe thô sơ và đường cao tốc”, ông Cương nhấn mạnh.
“Thẩm quyền tịch thu phương tiện quy định tại điều 38 của luật Xử phạt vi phạm hành chính đã nêu rõ ràng, hay điều 126 cũng của luật này ghi rõ, nếu phương tiện nếu không thuộc người điều khiển thì người điểu khiển phải trả tiền (phạt) tương đương giá trị xe đó, hay biết rõ người mượn xe say rượu mà vẫn giao xe thì xe cũng bị tịch thu, theo tôi là rõ ràng”, ông Cương dẫn chứng, và nói thêm: “Còn nếu cho rằng, đề xuất này được thực hiện thì cũng chỉ làm lực lượng cảnh sát giao thông tiêu cực thì không phải, chống tiêu cực thì bằng giải pháp khác, nếu không, chúng ta sẽ không thực hiện được giải pháp nào cả”.
Luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội nói, về đề xuất của Ủy ban ATGT quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng đây là giải pháp “sốc”, ảnh hưởng đến môi trường pháp lý của Việt Nam nhưng trong Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2002) có quy định tại điều 40 và 41 về tịch thu tài sản. Điều 254 tại Bộ luật Dân sự cũng quy định về tài sản bị tịch thu do Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, mặc dù chưa hoàn toàn rõ và dễ gây tranh cãi.
“Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng có điều 26 quy định về tịch thu phương tiện vi phạm. Ở đây, hành vi say xỉn, lái xe gây tai nạn thì phương tiện liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm nhưng mức độ nghiêm trọng thế nào chưa qui định rõ”, ông Hải nói.
Cũng theo luật sư Trần Vũ Hải, về cơ bản, đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban ATGT quốc gia không trái với các quy định của Bộ luật dân sự, không khác với quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự. “Nhưng đề xuất này có phù hợp với Hiến pháp 2013 hay không, cần phải được các chuyên gia xem xét. Cá nhân tôi không phải là luật sư rành về Hiến pháp nên tôi không có ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên có ý kiến”, ông Hải gợi mở.
Theo ông Hải, lo ngại sự tùy tiện trong tịch thu phương tiện là cũng có cơ sở, hoặc việc nảy sinh tiêu cực khi áp dụng quy định này. Vì vậy, chỉ nên giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện hay Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định tịch thu, vì thường Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban ATGT địa phương, chứ không nên để cho Cảnh sát giao thông ra quyết định, tức là chính quyền phải tham gia giám sát việc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.