ĐBSCL: Mối nguy khó lường từ đê bao

12/10/2019 07:11 GMT+7

Sụt lún nghiêm trọng, người dân các tỉnh ĐBSCL thời gian qua đã phải tự cứu lấy mình bằng cách xây dựng các tuyến đê bao ngăn lũ, ngăn xâm nhập mặn .

Tuy nhiên theo các chuyên gia, không những kém hiệu quả, những tuyến đê tự phát này còn là nguyên nhân khiến tình trạng ngập vùng lõi ngày càng diễn biến nặng nề.
Người dân lên đê bao để làm nhà ở quá nhiều, không có quy hoạch dẫn đến khi nước lũ tràn về theo kênh rạch, đáng lẽ sẽ chảy ra biển thì nay bị ngăn lại. Mà nước bị ngăn lại thì sẽ không có phù sa.
Phân tích rõ hơn, một chuyên gia độc lập về sinh thái vùng Mê Kông, cho rằng có 3 nguyên nhân cơ bản gây sụt lún, ngập lụt là: đê bao ngăn dòng; khai thác nước ngầm; lún tự nhiên (không đáng kể). Theo ông Thiện, hiện nay lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ĐBSCL đã bị các công trình thủy điện chặn lại. Trong khi đó, các địa phương lại tự đưa mình vào thế kẹt bởi những đê bao khắp nơi.
Vùng đầu nguồn là hệ thống đê bao lớn trồng lúa vụ 3, đẩy lũ về hạ nguồn. Tới vùng giữa đồng bằng như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang... cũng đua nhau đắp đê bao để ngăn nước vào các vườn tược.
“Nhà này đắp đê bao thì nhà kế bên cũng đắp theo. Sông rạch trở thành những cái máng xối với đê bao hai bên. Khi không gian trữ nước ở nông thôn bị thu hẹp thì nước sẽ đổ dồn về vùng đô thị chưa có đê bao gánh lượng nước đó. Đây là nguyên nhân khiến vùng lõi đô thị ngày càng ngập nặng”, chuyên gia này nói.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Thái Bảo, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Ninh Kiều, mô tả: Giả sử ở nông thôn có 1 ha đất cho ngập 10 cm thì chứa được 1.000 m3 nước. Nhưng khi diện tích đó đắp đê bao, nước có thể dồn về vùng thành thị và gây ngập sâu gấp 3 lần. Lý do là ở đô thị, diện tích nhà ở thường được người dân tôn cao, chỉ có 30 - 40% là diện tích mặt đường giao thông là dễ bị ngập.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Thuyên, Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, cảnh báo hệ thống đê luôn đi kèm theo những rủi ro, thiệt hại rất khó lường và nghiêm trọng. Hà Lan nổi tiếng với những công trình đê biển vĩ đại nhất thế giới. Tuy nhiên, tháng 1.1953, vùng tây nam Hà Lan hứng chịu một cơn siêu bão từ biển Bắc. Bão và nước biển vượt qua hệ thống đê đã cũ ở phía tây nam nước này khiến hơn 200.000 vật nuôi bị cuốn trôi, 1.835 người chết, 72.000 người phải sơ tán, hàng nghìn người mất nhà cửa và không còn kế sinh nhai do 150.000 ha đất nông nghiệp bị phá hủy.
“Có thể thấy, dù công trình có kiên cố, đảm bảo an toàn trong hàng trăm năm thì đến khi rủi ro xảy ra, hậu quả vô cùng thảm khốc. Hơn nữa, các công trình mang tính kỹ thuật như vậy nếu có tác dụng cũng chỉ nhất thời, trong thời gian ngắn. Nếu cứ đổ tiền vào các công trình hàng trăm, nghìn tỉ đắp đê, chống ngập như hiện nay thì cũng coi như đổ xuống sông, xuống biển. Vừa lãng phí, vừa không hiệu quả, còn có nguy cơ để lại hậu quả nghiêm trọng hơn”, ông Thuyên cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.