Dễ bỏ sót ung thư vòm mũi họng

12/10/2009 12:17 GMT+7

Con số được Bệnh viện Tai mũi họng trung ương đưa ra: Có đến gần một nửa số bệnh nhân ung thư vòm mũi họng bị chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót, cho dù đã đến bệnh viện ngay khi cơ thể có những biểu hiện bất thường.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phúc, trưởng khoa ung bướu Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, cho hay: “200 bệnh nhân ung thư vòm mũi họng (UTVMH) trong khảo sát gần đây nhất đều đã được thăm khám, theo dõi trước đó với nhiều loại xét nghiệm, có cả nội soi và chụp CT phân tích, nhưng vẫn bị chẩn đoán nhầm”.

Vòm mũi họng là hốc rỗng và các dấu hiệu lâm sàng của ung thư vòm thường là triệu chứng tổn thương của các cơ quan khác xung quanh như mũi, tai, hạch cổ, thần kinh sọ não... Do đó, UTVMH dễ bị bỏ sót và chẩn đoán nhầm sang bệnh lý của các bộ phận mà nó “mượn” triệu chứng!

Cứ tưởng viêm xoang

Ông L.M.A. (52 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) bị ngạt mũi kéo dài khó chịu và thường xuyên đau vùng cánh mũi phải. Ông đã tự dùng thuốc viêm xoang nhưng bệnh không thuyên giảm. Đến khám tại một phòng khám đa khoa vẫn chẩn đoán là viêm xoang tiến triển, ông được chỉ định phẫu thuật ngay.

Nhưng sau phẫu thuật, ông A. bị chảy máu liên tục kéo dài gần tháng trời, bác sĩ không thể rút bấc mũi ra được. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng cấp cứu. Kết quả sinh thiết làm cả gia đình bàng hoàng: ông đã bị ung thư từ bao giờ mà cứ luẩn quẩn chữa mãi viêm xoang!

Tại Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, số bệnh nhân UTVMH bị chẩn đoán nhầm nhiều nhất chính là những người như ông A., khi UTVMH có biểu hiện rất thông thường của viêm mũi xoang . Thậm chí có không ít bệnh nhân đã được chỉ định mổ xoang, mổ vách ngăn, chọc rửa xoang, trong khi bệnh ung thư tiến triển nhanh mà không được ngăn chặn kịp thời.

Tỉ lệ chẩn đoán nhầm

Bệnh Mũi Xoang

42.8%

Bệnh Về Tai

23.8%

Bệnh lý Thần Kinh

17.9%

Bệnh Mắt

13.1%

Hạch Cổ

13.1%

Một số chẩn đoán nhầm hay gặp

Cạm Bẫy Lâm Sàng (biểu hiện bệnh dẫn đến nhầm lẫn)

Bệnh Lý Nhầm Lẫn

Ngạt mũi, nhức đầu, xì mủ bẩn

Viêm xoang

Ù tai, nghe kém một bên tai

 

Viêm tai giữa thanh dịch

 

Chảy mủ ở tai

Viêm tai xương chũm

Ðau và có cảm giác vướng họng tái đi tái lại

Viêm amidan (được chỉ định cắt amidan)

Tổn thương sùi ở trẻ 10 tuổi

Viêm VA (được chỉ định nạo VA)

Chảy máu mũi ít một, hay tái phát

Hội chứng chảy máu mũi

Hạch cổ to

Lao hạch

Liệt dây thần kinh III, VI

Lác mắt, bệnh cơ trực

Cứ tưởng viêm tai

Tiến sĩ Lương Hồng Châu, phó giám đốc bệnh viện, xác nhận: “Rất nhiều bệnh nhân UTVMH mà biểu hiện ban đầu chẳng khác gì bị viêm tai giữa thanh dịch”. Đây là dạng viêm tai màng nhĩ đóng kín, không chảy mủ ra ngoài, không đau nhức, bệnh nhân chỉ cảm giác có vẻ nghe kém đi, hơi ù tai. Nguy hiểm là ngay các biểu hiện của bệnh viêm tai cũng diễn ra hết sức âm thầm nên càng dễ bị bỏ qua.

Có hơn 10% bệnh nhân UTVMH biểu hiện như bệnh viêm tai giữa thanh dịch, và đến một nửa trong số này chỉ được điều trị tai mà bỏ sót UTVMH.

Chị N., con bệnh nhân Lê Quang M. (60 tuổi, Nam Định), kể: “Một dạo bố tôi tự nhiên thấy tai trái bị ù và nghe không rõ. Ban đầu cứ nghĩ bệnh của người già, nhưng càng ngày bố càng kêu khó chịu. Làm đủ các loại xét nghiệm cho ra kết luận bệnh viêm tai giữa thanh dịch, phải đặt ống thông dịch điều trị mà bệnh không hề cải thiện. Sau sáu tháng, cả nhà quyết định đưa đi khám lại mới hay ông bị ung thư. Đau lòng là dù đi viện sớm, nhưng bệnh được chẩn đoán muộn nên giờ bố tôi đã bị liệt dây thần kinh sọ não”.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Phúc, các khối u vòm họng đã làm bít tắc vòi nhĩ gây ra viêm tai thanh dịch. Do đó khi có biểu hiện viêm tai giữa thanh dịch ở một bên tai thì bắt buộc phải kiểm tra vòm họng, nhất là với bệnh nhân ở vào vùng tuổi dịch tễ học của UTVMH (45-63 tuổi). UTVMH thường gây dấu hiệu bất thường ở một bên tai, trong khi nếu là viêm tai thông thường thì sẽ bị ở cả hai tai và thường chỉ gặp ở trẻ em.

Và đau đầu...

Ở giai đoạn sớm, UTVMH có khi còn biểu hiện bằng triệu chứng đau đầu kéo dài, âm ỉ. Nhiều bệnh nhân được xác định nguyên nhân đau là do... thoái hóa đốt sống cổ và đã được chỉ định dùng prednisolon kéo dài, rốt cuộc lại sinh biến chứng xuất huyết dạ dày! Một số được dùng thuốc giảm đau và điều chỉnh vận mạch não, bệnh không thuyên giảm, chỉ đến khi xuất hiện dấu hiệu chảy máu mũi, liệt thần kinh mắt, hoặc có hạch cổ to mới được kiểm tra vòm họng.

Do đó với người ở độ tuổi trung niên, nếu đau đầu kéo dài kèm suy nhược cơ thể thì nên kiểm tra tai mũi họng để xác định xem có mối liên hệ với bệnh UTVMH hay không. Các bệnh lý sụp mi, lác - bệnh cơ trực, teo gai thị, mờ mắt... cũng cần được kiểm tra vòm mũi họng để loại trừ.

Theo Ngọc Hà / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.