Sau bão, TS Nguyễn Đính, nguyên Trưởng ban Quản lý các dự án sông Hương, đã khảo sát nhiều tuyến đường ở TP.Huế, một số trung tâm thị tứ và nhận ra số lượng cây xanh bật gốc, gãy ngang thân, gãy cành hầu hết là các cây “trẻ”, khoảng 20 tuổi trở lại như phượng hoa vàng, bằng lăng... vốn có bộ rễ rất nông. Giống này hầu như không có rễ cọc, còn rễ chùm cũng rất ít, không đủ để giữ cây đứng vững khi nền đất ướt nhão do mưa hoặc khi gặp gió mạnh.
Nhưng cũng có một “nghịch lý”: Trong cảnh gãy đổ tan hoang ấy, các nhóm cây được trồng từ thời Pháp thuộc hoặc trước những năm 1980 như long não, me tây (điệp), muối, long nhãn... tuổi đời gần 100 năm lại không hề hấn gì.
Thực tế này cho thấy, cần phải nhìn nhận lại vấn đề thiết kế chủng loại và kỹ thuật trồng cây xanh đô thị hiện nay. Vì nếu cứ trồng cây như khoảng 20 năm trở lại, cứ ươm cây lớn, chặt cành, chặt cụt rễ, rồi bứng gốc đem trồng thì tuy cây cũng cho lá cho hoa nhưng rễ cây sẽ không phát triển là bao. Sức chống chịu của cây trẻ rồi sẽ yếu kém… “Nhìn hàng cây long não, me tây trên đường Lê Lợi, đường Phan Đình Phùng xanh ngắt vững vàng qua giông bão, trong lòng thấy nhẹ nhõm mừng vui. Nhưng lại thấy buồn vì đã gần 100 năm sau mà “con cháu” không bằng được như các “cụ” ngày xưa”, TS Nguyễn Đính chia sẻ với tôi như vậy.
Thống kê sơ bộ, toàn TP.Huế có đến hơn 15.000 cây xanh bị gãy đổ, bật gốc sau cơn bão số 5. Thiệt hại này càng thôi thúc địa phương sớm nghiên cứu những chủng loại cây phát triển bền vững, có khả năng chống chọi với điều kiện mưa bão khắc nghiệt của miền Trung. Công nhân cây xanh nói riêng, người dân Huế nói chung, có sự quý mến đặc biệt với cây xanh, cũng như chăm sóc chu đáo. Nhưng chỉ chăm sóc thôi, vẫn chưa đủ để các hàng cây trụ vững qua gió bão. Mà còn phải biết lựa chọn đúng.
Bình luận (0)